Kinh tế xã hội hôm nay

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân: Một tính cách Huế Phản biện và đam mê

Người ta gọi nhà văn Nguyễn Đắc Xuân là nhà “Huế học”, ắt chẳng sai, vì ông đã dành trọn đời nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và con người ở quê ông.
Người ta gọi nhà văn Nguyễn Đắc Xuân là nhà “Huế học”, ắt chẳng sai, vì ông đã dành trọn đời nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và con người ở quê ông. Không những đã có khoảng hàng chục bộ sách với hàng trăm công trình biên khảo về cố đô, mà cuộc đời ông còn là nhân chứng sống động về những biến cố lịch sử và sự phát triển rực rỡ của cuộc cách mạng trên đất Huế, cho đến ngày thống nhất đất nước.

Một trí thức trẻ trưởng thành trong cách mạng

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân có một tuổi thơ khá đặc biệt. Ông sinh ra ở Huế năm 1937, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên 3 tuổi đã phải theo mẹ lên sinh sống ở Đà Lạt, trong một ngôi làng của những người Quảng Nam sáng lập. Cậu bé Xuân ngày đó lớn lên trong nghèo khó và không được cắp sách tới trường. Khi đọc cuốn hồi ký đầu tiên của ông mới thấu hiểu nỗi cơ cực của gia đình và nỗi đắng cay của số phận. Tuổi nhỏ lam lũ tay cầy tay cuốc, nhưng cậu bé Xuân vẫn chịu khó tự học, mãi đến năm 16 tuổi mới được cắp sách đến trường, với một quyển học bạ lớp Nhất xin được, nhưng phải khai thụt lại 6 tuổi mới được đi thi tiểu học vào năm 1954. Khi trở về Huế tiếp tục học tập, Nguyễn Đắc Xuân tuổi thực đã 17 tuổi. Bảy năm sau vào Trường đại học Văn khoa Huế, ông đã tròn 24 tuổi mới học năm thứ nhất. Nhưng có lẽ 15 năm sống gian khổ với bao khát vọng trên rừng núi, nên chàng sinh viên Nguyễn Đắc Xuân có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và ẩn chứa những cảm quan sâu sắc về nỗi thống khổ của con người sống kiếp lầm than. Ngay từ những năm đầu, Nguyễn Đắc Xuân đã có ý thức đấu tranh chống áp bức của giặc Mỹ và chính quyền tay sai ở Huế.

Bắt đầu cuộc đấu tranh của ông thời sinh viên là khi xảy ra vụ Chính quyền Diệm đàn áp đồng bào phật tử đẫm máu ở Đài Phát thanh Huế làm cho 8 em nhỏ ch*t và hàng trăm người bị đổ máu vào năm 1963. Nguyễn Đắc Xuân đã dấn thân vào cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Anh đi thu thập tin tức tranh đấu và dư luận quốc tế trên các nguồn thông tấn để viết thành bài và tin cho in Ro-nê-ô phát cho đồng bào để vững vàng đấu tranh. Nguyễn Đắc Xuân còn làm thơ phản chiến, tham gia các cuộc biểu tình và tuyệt thực chống đàn áp của chính quyền. Có thời gian Nguyễn Đắc Xuân còn là Đoàn trưởng Đoàn sinh viên Quyết tử Huế, vũ trang tự vệ, chống Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ. Vào những năm cuối cùng đại học, Nguyễn Viết Xuân bị lùng bắt ráo riết và phải ẩn náu trong các chùa Phật ở Huế. Sau nhờ tổ chức cách mạng, anh cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường bí mật lên chiến khu Trị Thiên hoạt động kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 1966. Từ đó, Nguyễn Đắc Xuân - một trí thức trẻ giàu lòng yêu nước đã được cách mạng giác ngộ và hăng hái tham gia công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với bất cứ nhiệm vụ gì được trao.

Tài năng văn chương của Nguyễn Đắc Xuân được phát huy từ trong kháng chiến. Tham gia công tác tuyên huấn, anh còn trực tiếp làm việc cho báo “Cờ giải phóng” và “Cứu lấy quê hương”. Nguyễn Đắc Xuân làm thơ, viết báo, vận động thanh niên đô thị tham gia kháng chiến. Đến năm 1971-1972, vào thời kỳ cuộc chiến hết sức cam go, nhà thơ trẻ Nguyễn Đắc Xuân được điều động về công tác tại vùng địch hậu ở Nước Ngọt (xã Tân Lộc, Phú Lộc). Căn cứ địa “Mật khu” nằm trong cái hang sâu, bên dòng suối nhỏ. Đường sá xa xôi. Muốn lên cứ phải vượt qua dãy núi và đi tiếp vài ba ngày mới tới nơi. Khi nhắc lại thời gian này, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân còn nhớ một kỷ niệm khó quên. Đó là việc nhà thơ Tố Hữu đã cho người mang tới, gửi tặng ông một tập thơ. Đó là một vật báu tinh thần động viên cho người viết văn trẻ như ông trong chiến khu.

Đúng là sau 9 năm tham gia kháng chiến, từ năm 1966 - 1975, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã tích lũy được vốn sống quý báu cho sự nghiệp văn chương. Ông tiếp tục làm công tác tuyên huấn Thành ủy Huế và sau đó còn được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ thành phố Huế. Có thời gian ông làm TBT, kiêm Thư ký Tòa soạn tạp chí Sông Hương và được kết nạp vào Hội Nhà văn năm 1989. Tới năm 1993, ông chuyển công tác trở thành phóng viên báo Lao động; rồi làm Trưởng Văn phòng đại diện báo Lao động tại miền Trung và Tây Nguyên.

Khi làm báo, ông là một cây bút viết phóng sự chống tiêu cực khá nổi tiếng và được trao giải Nhất báo chí toàn quốc năm 1997. Một năm sau ông về hưu ở tuổi 61. Trong thời gian này, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã nổi tiếng với hàng chục tác phẩm truyện ký lịch sử, tiêu biểu như: Hương giang cố sự (Sông Hương - năm 1986); Chuyện cũ cố đô (Thuận Hóa - năm 1989); Huế, Bác Hồ thời niên thiếu - năm 1990; Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (Bút ký lịch sử - năm 1992); Chuyện các ông Hoàng triều Nguyễn (Chuyện lịch sử - 1995); Chuyện nội cung triều Nguyễn (3 tập - 1998); và Chuyện tình và Thơ tình xứ Huế (Bút ký - năm 1998)...

Trọn đời với nghiệp “Huế học”

Nói đến nhà văn Nguyễn Đắc Xuân là nói đến những câu chuyện triều Nguyễn. Từ chuyện cung phi đến ông hoàng và thái giám; từ lịch sử từng đời vua triều Nguyễn đến lăng tẩm và nghi lễ cung đình... Thực ra, ông đã tìm ra con đường “Huế học” của mình từ những ngày đầu từ kháng chiến trở về. Có lẽ đó là cái huyết mạch tinh thần bắt nguồn từ tình yêu đối với quê hương. Hơn nữa, trời như cho ông một kho tàng lớn về một giai đoạn lịch sử phong kiến kéo dài hàng trăm năm nơi cố đô. Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân mặc sức khai thác đến những ngóc ngách của nền văn hóa nơi đây. Ông hồ hởi kể chuyện Huế, với “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế”. Ông say sưa hát những bài ca lịch sử trên sông Hương qua những chuyện ông Hoàng bà Chúa trong Tử cấm thành. Sách của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân nhiều đến nỗi các nhà nghiên cứu phải tách ra những mảng để tra cứu về thành tựu của ông. Họ đã phát hiện từ ông nổi lên những vấn đề rất bất ngờ như, làm rõ thời niên thiếu của Bác Hồ tại Huế hoặc “Giải mã một số bí ẩn của lịch sử văn hóa triều Nguyễn và Huế”. Cùng với đó là nhà văn đã khám phá được những bí mật mà lâu nay ít người biết tới về thời gian lưu vong và bị lưu đày ở nước ngoài của 4 ông vua cuối đời nhà Nguyễn, hay phát hiện được dấu vết Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Nguyễn Huệ... Vậy nên, có thể coi như ông là con chim đầu đàn đã mở ra ngành: “Huế học”.

Nếu được dịp quan sát kho sách về tư liệu Huế của ông, ắt nhiều người sẽ không quá bất ngờ nhưng sẽ rất ngạc nhiên vì sao từ kho sách này, ông đã thể hiện được sức làm việc phi thường của mình, với hàng chục ngàn trang sách và sức khám phá mang tính khoa học về một nền văn hóa Huế bất tận. Khi được tiếp xúc với ông bên trong ngôi nhà sách như vậy, tôi càng thêm thán phục khi ông trình ra hàng chục đầu sách, rất chi tiết về phân khúc đề tài hết sức mạch lạc và hấp dẫn người đọc. Đó là những để tài tưởng như khô khan nhất, dày đặc sự kiện và lịch sử theo thống kê học. Nhưng khi đã qua sự sáng tạo nghệ thuật văn chương, ngôn ngữ kể chuyện của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân chúng trở nên sinh khí và dồi dào cảm xúc. Có thể kể đến Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, với 6 tập mà vẫn còn chưa hết chuyện; hay bộ ba cuốn chuyện Hoàng hậu vương phi, công chúa triều Nguyễn; kể cả ba cuốn Chuyện các bà trong cung Nguyễn, cho đến Các ông Hoàng triều Nguyễn, Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn... đều là những ví dụ khá điển hình mà chưa ai làm được từ trước tới nay.

Ngay cả với những chân dung văn nghệ sĩ Huế, ông viết theo thể ký văn học nên giàu sức lôi cuốn. Đặc biệt, cuốn Trịnh Công Sơn có một thời như thế, ông cũng viết hết sức công phu với những kỷ niệm riêng và thể hiện được một chân dung rất Huế trong âm nhạc của Trịnh. Ông coi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một di sản tinh thần của Huế. Là bạn của Trịnh Công Sơn lúc còn trẻ và có nhiều hoạt động gần gũi, vì thơ phản chiến của Nguyễn Đắc Xuân một thời cũng nổi đình đám qua những bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Ông còn có công sưu tầm được bản trường ca Tiếng hát dã tràng, một trong những tác phẩm đầu tiên của Trịnh Công Sơn bị thất lạc đã hơn 40 năm. Có thể nói bản trường ca này là khởi nguồn cho dòng nhạc phản chiến mà Trịnh đã tập trung sáng tác trong thời kỳ dạy học ở Bảo Lộc từ năm 1964 đến 1967. Do tình yêu với âm nhạc và sự trân trọng với cố nhạc sĩ tài hoa mà toàn bộ nhuận bút cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã dành tặng cho những em sinh viên ở Học viện Âm nhạc Huế.

Còn đối với họa sĩ Bửu Chỉ, cũng là một người con tinh thần tiêu biểu của nghệ thuật hội họa Huế, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân cũng có nhiều ký ức khó quên. Hai người là đôi bạn thân cùng trong phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngụy khi đó, nên thường khi hay gặp nhau trò chuyện và tâm sự về nghệ thuật. Sinh thời, họa sĩ Bửu Chỉ có lần vẽ tặng bức tranh Người mang dáng cổ Thành để mừng ngày hoàn thành ngôi nhà mới bên dòng sông Như Ý, nơi hiện nay vợ chồng nhà văn đang ở. Nhưng với điều kiện không được treo bức tranh nào khác trong phòng khách này. Lúc này ông dẫn tôi đến bên bức tranh của Bửu Chỉ. Đúng là trong phòng chỉ có một bức tranh duy nhất. Ông đã thực hiện lời hứa đó nhiều năm nay. Ông đã viết nhiều bài về Bửu Chỉ vì quý trọng tài năng của bạn và còn đó là những kỷ niệm của những ngày “xuống đường” thời sinh viên.

Một tính cách Huế

Không có chuyện “Thôi kệ”, trong tinh thần của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, mà phải cởi mở và cọ xát. Theo như thói quen của một số trí thức Huế, nhường nhịn và cho qua mọi chuyện, mặc dù không vui trong lòng. Nhưng với nhà văn Nguyễn Đắc Xuân thì ngược lại, hay tranh luận và “cãi” đến kể cả đến thua thì mới thôi. Nhưng thường thì ông hay thắng trong mỗi lần “tỉ thí”. Không phải ông hiếu thắng mà nghịch nhĩ là vào cuộc và “đôi co” để xác định được cái đúng, sai của câu chuyện. Hiện không ít người trí thức ở Huế mỗi khi nhắc đến tên Nguyễn Đắc Xuân là lập tức trong đầu họ hình dung ra một ông già rất hay tranh cãi. Tôi tò mò hỏi chuyện, nhà văn cười thật sự thoải mái rồi tâm sự rằng, đó là một nguyên tắc của mình. Ông quan niệm, một trong những cách tiếp cận với sự thật là phản biện; Cần xới đi, xới lại vấn đề, phải cãi để tìm ra bản chất của một sự việc. Chứ sao! Đó là thái độ trí thức. Ông rất sợ giống như nhiều người, biết là sai nhưng vẫn không nói hoặc không cãi. Tôi thực sự thấy ông có lý và rất cuốn hút.

Hiện chính ông thống kê các công trình văn hóa của mình cũng khó. Kể cả sáng tác lẫn nghiên cứu, biên soạn văn hóa Huế cỡ khoảng 63 cuốn. Ông tính tròn thế và còn đưa ra cho tôi một số tập bản thảo về bộ hồi ký ba tập tiếp theo và cỡ mươi tập bản thảo về Huế đang hoàn chỉnh. Tôi nghe mà thấy phát hoảng vì sức đâu mà quyết liệt đến vậy. Nhưng ông nói là làm và làm đến sức cùng, lực kiệt. Đó chính là tính cách rất Huế của ông. Tôi sực nhớ đến những câu thơ của ông viết cách đây bốn năm: “Bảy mươi tư tuổi vẫn còn xuân. Còn biết bao nhiêu chuyện phải làm. Kẻ mất người còn vai gánh nặng. Chập chờn giấc ngủ buổi xuân sang”. Vậy mà giờ đây ông vẫn thế, đam mê cùng đôi vai trĩu nặng gánh sự nghiệp cho quê hương, đúng với cái tên Nguyễn Đắc Xuân.

Vương Tâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nha-van-nguyen-dac-xuan-mot-tinh-cach-hue-phan-bien-va-dam-me-16926.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY