Tin tức hôm nay

Tin tức

Nhanh chóng dập tắt các ổ dịch phát sinh

Thời gian gầy đây, số lượng F0 tại TP Hồ Chí Minh có chiều hướng tăng. Ngành y tế thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng dập tắt các ổ dịch phát sinh, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới.

Theo báo cáo cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến ngày 8/11, thành phố vẫn ở cấp độ 2 với 6.622 trường hợp F0. Dù có giảm hơn so với tuần trước đó nhưng một số địa phương thuộc thành phố lại tăng cấp độ dịch.

Chủ yếu lây từ khu công nghiệp

Từ ngày 22 đến 28/10, TP Hồ Chí Minh không có quận, huyện nào ở cấp độ 3, nhưng đến ngày 8/11, thành phố có hai địa phương tăng cấp độ 3 là huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè. Từ ngày 1/10 đến 6/11, huyện Cần Giờ ghi nhận 359 ca nhiễm mới. Số F0 ghi nhận phần lớn trên 18 tuổi, đã được tiêm vắc-xin cho nên chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, có một trường hợp chuyển viện do có bệnh nền. Tại huyện Nhà Bè, từ ngày 1/10 đến ngày 4/11, tổng số ca bệnh Covid-19 cộng dồn là 2.551 ca, trong đó có 1.750 ca khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR và 801 ca xác định bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Hiện, huyện Nhà Bè có 770 ca F0 đang được cách ly và điều trị tại nhà, trong đó có 395 ổ dịch hộ gia đình, 19 ổ dịch cộng đồng.

Một số quận, huyện như Hóc Môn, 12… cũng ghi nhận số ca F0 tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm ở các địa phương nêu trên tăng trở lại là công nhân nhiễm bệnh khi đi làm ở khu công nghiệp. Tại huyện Cần Giờ, một nhóm người dân sống ở xã Lý Nhơn đi làm tại khu công nghiệp Long Hậu (Long An) nhiễm bệnh rồi trở về nhà lây cho gia đình và người chung quanh. Phần lớn ca bệnh ở huyện Nhà Bè được phát hiện từ các công nhân làm việc tại hai khu công nghiệp lớn là Hiệp Phước và Long Hậu. Huyện Nhà Bè có nhiều khu công nghiệp, có cảng biển và biến động dân cư cao nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh được dự báo sẽ cao. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, người dân từ các địa phương khác trở về thành phố đi làm khiến nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhất là đối với những người chưa tiêm đủ vắc-xin.

Thực hiện giải pháp chống dịch

Trước nguy cơ số ca nhiễm tăng cao trở lại, nhiều địa phương đã triển khai đồng loạt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tại huyện Cần Giờ, các đội tiêm được bố trí tại mỗi xã, thị trấn để tiêm cho cả người từ các địa phương trở về vào ngày thứ ba hằng tuần. Huyện sẽ kiểm tra ngẫu nhiên “thẻ xanh Covid-19” để tăng cường nhận thức, thúc đẩy người dân chủ động liên hệ y tế địa phương tiêm đủ liều vắc-xin. Bên cạnh đối tượng công nhân và người từ các tỉnh trở về, huyện Cần Giờ còn gặp phải thách thức trong công tác quản lý đối tượng đến địa bàn là các du khách khi mở cửa hoạt động du lịch. Huyện cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh của du khách. Đồng thời, tầm soát cho các đối tượng người dân trên địa bàn thường xuyên tiếp xúc khách du lịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết: Thành phố đã kích hoạt trở lại các trạm y tế lưu động để chăm sóc các ca F0 mới đang điều trị tại nhà. Theo quy trình mới, các F0 đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà và được trạm y tế cấp phát Thu*c điều trị theo quy định. Đồng thời, danh sách F0 mới phát hiện cũng được thông báo cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã, ấp để các lực lượng chức năng dán biển cảnh báo cách ly y tế trước nhà. Quá trình quản lý, điều tra và đánh giá lại ổ dịch sẽ được thực hiện sau mỗi 3 ngày nhằm phát hiện sớm các F0 và quyết định việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi ổ dịch.

TP Hồ Chí Minh đã hình thành các đội phản ứng nhanh cho hoạt động điều tra và kiểm soát dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đảm trách. Sở Y tế đã huy động 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn. Huyện Nhà Bè hiện chỉ có bảy trạm y tế lưu động, cần thành lập ít nhất 15 trạm nữa để chăm sóc F0 tại nhà. “Việc lập trạm y tế lưu động là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay” - bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết. Cùng với đó, để linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn quy trình xử lý F0 tại cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, cũng như hướng dẫn tạm thời thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ không xét nghiệm định kỳ với quy mô toàn dân trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc cả quận, huyện. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin, người đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng nếu đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4 hoặc thuộc diện phải cách ly y tế thì phải xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc khi cần điều tra dịch tễ. Sở Y tế cũng hướng dẫn, xét nghiệm giám sát đối với các khu vực nguy cơ, nhóm nguy cơ trên địa bàn dân cư (xe ôm, người giao hàng, người bán vé…) theo kế hoạch giám sát định kỳ, ngẫu nhiên. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế, có thể bổ sung các khu vực nguy cơ như: Chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đang lên kế hoạch xét nghiệm với quy mô mẫu rộng hơn nhằm đánh giá sát thực tế. Thành phố dự định xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân. Theo tính toán, với 10 triệu dân, mỗi ngày thành phố phải xét nghiệm ít nhất khoảng 6.000 mẫu. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới Covid-19 tại thành phố có thể tăng nếu người dân lơ là, chủ quan. Để TP Hồ Chí Minh an toàn trong trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin, nhất là biện pháp 5K.

Du khách tại huyện Cần Giờ thực hiện nghiêm biện pháp 5K.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo nhân dân (https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/nhanh-chong-dap-tat-cac-o-dich-phat-sinh--673272/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY