Các trận động đất mạnh thường xảy ra ngoài khơi vùng Tohoku trong những thập kỷ qua nên nhà chức trách và người dân thường thực hiện các biện pháp phòng bị trong trường hợp thảm họa xảy ra.
Dù vậy, trận động đất mạnh đến cấp độ 9 hôm 11-3-2011 mạnh hơn nhiều so với tưởng tượng của mọi người, gây ra sóng thần khiến gần 20.000 người thiệt mạng, theo hãng tin Reuters.
10 năm sau thảm họa kép nói trên, không chỉ vùng Tohoku cần phải thận trọng. Mối đe dọa lúc này là nguy cơ xảy ra động đất nghiêm trọng tại vùng lõm Nankai, trải dài dọc theo một khu vực ngoài khơi Thái Bình Dương từ TP Tokai (tỉnh Aichi) đến vùng Kyushu. Trong kịch bản tồi tệ nhất, số người thiệt mạng ước tính lên đến 230.000
Theo tờ Yomiuri, cả chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương cần phải nỗ lực giảm thiểu con số thương vong nếu kịch bản này xảy ra, trong đó có việc chuẩn bị kế hoạch sơ tán người dân.
Một đồng hồ tại Trường Tiểu học Yoshihama dừng lại ở 14 giờ 46 phút tại TP Ishinomaki hôm 10-3-2021. 14 giờ 46 phút là thời điểm xảy ra trận động đất hôm 11-3-2011. Ảnh: EPA-EFE
Trong thảm họa năm 2011, hầu hết nạn nhân thiệt mạng do sóng thần. Trong khi đó, các tòa nhà đổ sụp là nguyên nhân khiến khoảng 80% nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất Kobe 1995 (6.500 người).
Trước đó, đại thảm họa động đất Kanto năm 1923 khiến 100.000 người thiệt mạng, trong đó 90% nạn nhân qua đời do hỏa hoạn.
Không thảm họa nào giống thảm họa nào nên điều quan trọng là chuẩn bị kỹ lưỡng và tiến hành diễn tập để đối phó với kịch bản tồi tệ nhất. Ngoài ra, cần chuẩn bị cho mọi tình huống khả dĩ, trong đó có tính đến quy mô và thời điểm xảy ra thảm họa.
TP Rikuzentakata bị sóng thần tàn phá hôm 11-3-2011. Ảnh: Kyodo
Nhật Bản đã tập trung vào vấn đề dự báo động đất từ những năm 1960. Dù vậy, thảm họa kép năm 2011 cho thấy không thể đưa ra dự báo về động đất với độ chính xác cao.
Vào năm 2017, chính phủ Nhật Bản chính thức thừa nhận điều này và chuyển sự tập trung sang các biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thảm họa. Ngay cả khi không thể ngăn được thảm họa, các biện pháp giúp giảm nhẹ thiệt hại và nhanh chóng hồi phục ngày càng trở nên quan trọng.
Một mối đe dọa khác cũng được nói đến là một trận động đất lớn xảy ra ngay bên dưới vùng đô thị Tokyo.
Vì thế, cần chuẩn bị cho một thảm họa đô thị nghiêm trọng, như hỏa hoạn tại những khu vực có nhiều nhà gỗ, cao ốc bị tàn phá, tình trạng mất điện tại các tòa nhà căn hộ...
Theo NLĐ
Chủ đề liên quan:
bốn phương