Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân mà còn đứng trước nguy cơ bị rớt chuẩn nếu như tổ chức thẩm định lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Trạm y tế (TYT) xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An được công nhận xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn cũ) vào năm 2012, đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (theo chuẩn mới) vào năm 2014... Vậy nhưng, thay vì ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại thì cơ sở hạ tầng của TYT này đã và đang xuống cấp trầm trọng. Từ phòng khám, phòng điều trị, tiêm chủng... đều trong tình trạng tường, trần, nền nhà đều bị bong tróc, nứt nẻ và sụt lún bất cứ lúc nào.
Bà Dương Thị Hồng, xóm Phú Điền, xã Nhân Thành, Yên Thành chia sẻ: Tôi thường xuyên đi khám và điều trị ở đây, tôi thấy cơ sở vật chất ở đây xuống cấp nhiều quá, phòng ốc thì chật hẹp, không đủ chỗ cho bệnh nhân ngồi. Khổ nhất là những khi trời mưa gió các phòng đều bị dột, nước lênh láng phải lấy xô, chậu hứng, chúng tôi phải “di tản” sang những phòng không bị dột để lánh tạm...
“Cơ sở vật chất xuống cấp như thế này ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám chữa bệnh cho người dân. Trong đợt khám phụ khoa vừa rồi, trạm chúng tôi không dám mở cửa phía trước để người dân vào khám, mà phải hướng dẫn người dân đi vòng ra phía sau vì sợ các hàng gạch và trần bong tróc rất dễ rơi trúng đầu. Ngoài ra, trạm chúng tôi có nguy cơ rớt chuẩn nếu như thực hiện thẩm định lại”. Nữ hộ sinh Hoàng Thị Bình - Phó Trạm trưởng TYT xã Nhân Thành chia sẻ.
Trạm y tế xã Nhân Thành, huyện Yên Thành xuống cấp nghiêm trọng, nền nhà phòng khám bệnh bị bong tróc sụt lún.
Tình trạng xuống cấp của TYT xã Nhân Thành cũng là tình trạng chung của rất nhiều TYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nằm ở địa bàn miền núi, TYT xã Minh Hợp, cũng là đơn vị nằm trong top đầu của tuyến y tế cơ sở được công nhận đạt Chuẩn quốc gia về y tế của huyện Quỳ Hợp. Trạm có chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 10 nghìn dân và thực hiện chương trình mục tiêu y tế dân số trên địa bàn.
Sau nhiều năm hoạt động, cơ sở hạ tầng của trạm cũng xuống cấp, không còn đảm bảo cho công tác chuyên môn. Trong khi đó, nguồn kinh phí của xã đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp trạm lại rất hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: Xã chúng tôi là xã miền núi khó khăn nên nguồn ngân sách thu được trên địa bàn xã rất ít, do đó rất khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất cho trạm theo bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Trao đổi về vấn đề TYT xuống cấp ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe người dân và nguy cơ rớt chuẩn của TYT, BSCKII. Nguyễn Hữu Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, ở một số địa phương sau khi TYT đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, chính quyền địa phương thiếu sự đầu tư, tái đầu tư sửa chữa nên cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.
Để khắc phục vấn đề này, ngành y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá để có những đề xuất đối với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất một cách thỏa đáng để TYT làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng như quá trình thẩm định đạt chuẩn và giữ được chuẩn.
Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An, toàn tỉnh Nghệ An có 460 TYT xã thì có 425 TYT đã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tuy nhiên, trong số đó có trên 200 trạm quá 3 năm chưa được thẩm định lại theo quy định.
Tường Trạm y tế Nhân Thành bị nứt toác.
Cũng theo ngành y tế Nghệ An, tình trạng TYT sau khi được công nhận (kể cả theo chuẩn cũ và chuẩn mới) thì đến nay đã xuống cấp trầm trọng về cơ sở hạ tầng là khá phổ biến, và nếu có tổ chức đánh giá, thẩm định lại sẽ đứng trước nguy cơ rớt chuẩn. Mà phần lớn các trạm này lại nằm ở vùng đồng bằng. Điển hình như huyện Yên Thành, dù được công nhận là huyện Nông thôn mới năm 2019 thì hiện đã có tới gần 1/3 số TYT xã có cơ sở hạ tầng bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ rớt chuẩn.
Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết: Đứng trước thực trạng này, hiện chúng tôi đang cho rà soát những hạng mục mà các TYT xã đã xuống cấp, từ đó sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương bố trí ngân sách tu bổ, tôn tạo để đảm bảo TYT thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân đồng thời giữ vững được Chuẩn quốc gia về y tế.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc xây dựng TYT xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế đã khó nhưng để duy trì chuẩn một cách bền vững lại càng khó khăn hơn. Bởi vì ngành y tế có chú trọng phát triển nguồn nhân lực mà không được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc thì rất khó phát huy hiệu quả tối đa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Chủ đề liên quan:
trạm y tế xã ở Nghệ An