Kinh tế xã hội hôm nay

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý

MangYTe - Mới đây, việc TAND tối cao chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý và dự định dựng tượng trong toàn hệ thống tòa án đang trở thành chủ đề nóng, gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn.

Trước đó vào ngày 20/2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vua Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. TAND tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Theo thuyết minh của TAND tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ "Hình thư" - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đây là vị vua đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…

Việc lựa chọn nhân vật này là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Thông tin trên mới đây trở thành chủ đề nóng, gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn.

Ba mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đang được TAND Tối cao lấy ý kiến. Ảnh: TL

Với tư cách là một người đang hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Vua Lý Thái Tông là một trong các vị vua có công lao lớn trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, ông có công trong việc ban hành ra văn bản pháp luật hình sự thời kỳ đó và quản lý điều hành đất nước đạt được nhiều thành tựu.

Xét về góc độ quyền lực nhà nước thì đó là những công sức, đóng góp, thành tựu trong lĩnh vực lập pháp và hành pháp chứ không phải là lĩnh vực tư pháp mà tòa án là cơ quan đại diện theo hiến pháp của nước ta hiện nay.

Việt Nam đang xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, khác hẳn chế độ phong kiến xưa. Pháp luật thời kỳ phong kiến nhìn chung rất hà khắc, bất bình đẳng, chưa thể hiện được tính khoan hồng, nhân đạo rõ nét như xã hội hiện nay. Nó không đại diện cho nguyện vọng, ý chí của đại đa số nhân dân lao động. Từ trước tới nay chưa có bất cứ một quốc gia nào lấy một vị vua làm biểu tượng cho công lý.

Dưới góc độ văn hóa, xã hội thì các vị vua là những tiền nhân đáng kính, là những người đã có công lao trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, cần được tôn vinh. Tuy nhiên việc đặt tượng các vị vua đó ở đâu, tôn vinh như thế nào là câu chuyện cần phải suy nghĩ, xem xét một cách thấu đáo".

"Nói chung, việc sử dụng hình ảnh của một vị vua hay một vị quan nào đó trong thời kỳ phong kiến là biểu tượng công lý cho một đất nước theo ý kiến cá nhân tôi là không hợp lý. Văn hóa phương tây từ ngàn năm trước đã cho ra đời các vị thần trong đó có "thần công lý", đó là ước vọng công bằng, bình đẳng của nhân dân. Thần công lý không có thật, không phải là một biểu tượng bằng xương bằng thịt của một cá nhân cụ thể nào cả.

Công lý là lẽ công bằng vốn có, không phụ thuộc vào việc người ta có thừa nhận nó hay không. Hơn nữa việc lựa chọn hình tượng nào để trưng bày không có ý nghĩa về mặt nhận thức. Cái chúng ta cần quan tâm là vấn đề đạo đức, trí tuệ của người thực thi công lý. Trên thực tế, ngành tòa án xét xử dựa trên chứng cứ khoa học, nên việc đặt tượng một vị vua trong hệ thống tòa án các cấp khiến người ta dễ có cảm giác thần quyền và yếu tố tâm linh…", luật sư Cường nhấn mạnh thêm.

Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với PV. Ảnh: TL

Trong khi đó luật gia Nguyễn Gia Hải (Hội luật gia Việt Nam) chia sẻ: "Chúng ta cần hiểu rằng khái niệm công lý được xã hội hướng đến, mong muốn không chỉ dành riêng cho tòa án, mà còn ở nhiều phương diện khác trong đời sống.

Việc đưa một nhân vật lịch sử có thật làm biểu tượng cho công lý là khiên cưỡng. Bởi lẽ trên thực tế, khái niệm công lý chưa bao giờ được định nghĩa một cách rõ ràng và đầy đủ.

Ở một khía cạnh khác, đa phần các quốc gia trên thế giới đều lấy hình tượng nữ thần công lý làm biểu tượng cho pháp luật, xét xử công bằng. Tùy vào mỗi quốc gia, nữ thần công lý được khắc họa với ba biểu tượng đặc trưng: Cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy của tòa án; một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị; một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý "mù lòa", đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Trên thực tế tại Việt Nam, lâu nay mọi người vẫn luôn xem hình tượng này là biểu tượng cho công lý, lẽ phải. Vì vậy, giờ đây việc tạo ra một biểu tượng công lý mới là chưa thật sự cần thiết".

Trao đổi về vấn đề trên, một bạn đọc có tên Phùng Đức Hiếu Anh (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay, người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã quen thuộc với hình ảnh vị thần công lý là nữ, bị bịt mắt, tay cầm thanh gươm và cán cân công lý. Thói quen này được định hình, trải qua nhiều thế hệ cũng như các cộng đồng.

Hiện tại, hình tượng thần công lý được nhiều quốc gia chấp nhận và chưa bộc lộ những bất cập. Do đó, việc thay đổi một hình tượng hoàn toàn mới là không cần thiết và khó khả thi. Hơn nữa, nếu hình tượng này được chấp nhận và triển khai xây dựng trong thực tế sẽ gây tốn kém, lãng phí ngân sách Nhà nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay…

Chi Lê

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-y-kien-trai-chieu-xung-quanh-viec-dung-tuong-vua-ly-thai-tong-lam-bieu-tuong-cong-ly-20200428161517789.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY