Bắt đầu là chuyện đi lại. Tuy chưa đến mức kiểm tra ngặt nghèo ngoài phố nhưng mỗi người dân đợt này đã hình thành một ý thức hẳn hoi. Trừ những việc không thể đừng mới phải bước chân ra đường. Cũng nhanh chóng nhoáng nhoàng ra hiệu Thu*c. Cô chủ hiệu Thu*c nhìn thấy khách quen già cả cập kèm đã lấy ra đủ cơ số Thu*c cho một tháng mà chẳng cần phải trao đổi câu nào. Thu*c tiểu đường, Thu*c huyết áp và vài món bổ gan. Ngạc nhiên nhất của khách thường xuyên ở đây là việc mua bán diễn ra chỉ trong vòng 2 phút.
Hà Nội vắng lặng ngày đầu cách ly xã hội. Ảnh: Phạm Hải |
Cửa hiệu đã tăng cường thêm một nhân viên, khách gần như không phải chờ. Người đến sau cũng tự động đứng ngoài cửa mà không bước chân vào bên trong như mọi ngày. Cái hiệu Thu*c đông khách nhất phố vì luôn có đủ chủng loại và giá cả thường rẻ hơn chỗ khác ít nhiều là nơi mỗi sáng người mua Thu*c khá đông tụ tập xếp hàng. Đã thế, cửa hàng chật hẹp và Thu*c chất cao trong tủ lên đến tận trần nhà.
Sau một tuần cách ly theo chỉ thị 15, giờ đã bước sang cách ly theo chỉ thị 16 chặt chẽ và nghiêm túc hơn nhiều. Khu chợ Ngọc Hà đã có cách bán mua khác hẳn ngày thường. Gần như các mặt hàng rau dưa thịt cá đều bán hết ngay từ sáng sớm. Sáu giờ rưỡi ra đến chợ chỉ còn lèo tèo vài hàng rau, hàng thịt. Cũng không thấy một ai ngồi xuống bên gánh rau rổ thịt mà chọn lựa như mọi ngày. Lần đầu tiên thấy khu chợ im ắng đến lạ kì. Những quầy hàng nằm sâu trong chợ dĩ nhiên vắng ngắt. Người mua lác đác bước vào và vội vã quay ra gần ngay lập tức khi đã mua được thứ mình cần.
Phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Phạm Hải |
Những nhà mặt phố bán đồ ăn cho khách mang về cũng đã có cách bán hàng thay đổi hoàn toàn. Xôi gói sẵn từng gói theo giá tiền. Bánh mì xẻ ruột sẵn sàng nhồi nhân chỉ trong tích tắc. Người Hà Nội vẫn rất khó lòng tự nấu ăn bữa sáng kể cả người già rỗi rãi. Rõ ràng là vì chất lượng của xôi nhà nấu, phở nhà làm dù cẩn thận đến đâu cũng không bao giờ so với nhà hàng được.
Ấy thế mà đã từng có một thời kì kéo dài vắt từ bao cấp chiến tranh sang hòa bình cấm vận nhà nhà đua nhau nấu phở, tráng bánh cuốn và làm bún chả. Những ngày nghỉ khói bếp loang dài trên phố. Mùi chả nướng và nước phở tự nấu ngào ngạt thơm lừng. Giờ thì người nấu được phở nhà ở phố chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những đứa trẻ tuổi trăng tròn nhìn thấy cái vỉ nướng chả trong tủ bếp có đứa tưởng cái bẫy chuột.
Đem ném ra sọt rác tức thì. Còn may là chúng vẫn biết chọn hàng phở mà vào. Thực ra thì những hàng phở cán bộ về hưu bắc cái nồi nước ba lít đầu ngõ cũng tuyệt chủng từ lâu rồi. Trẻ con cũng biết đường chẳng bao giờ ăn phở ở những hàng như thế nữa.
Hồ Gươm chiều 24/7. Ảnh: Phạm Hải |
Mọi loại xôi trên đời kể cả xôi cúng cũng không còn mấy ai đồ ở nhà nữa. Cái chõ đồ xôi bằng sành vắng bóng hoàn toàn ở phố. Thậm chí cũng chẳng còn nhìn thấy cái rá vo gạo đãi đỗ hoặc cái chậu to dùng để ngâm gạo nữa. Xôi ở hàng có năm bảy loại được đồ dưới Thanh Trì hoặc trên Phú Thượng chuyển vào phố từ sáng sớm còn nóng bỏng tay. 10 nghìn xôi là có thể ấm bụng đến trưa và còn có thể chọn đổi bữa ngay trong một hàng. Tự đồ xôi có khi còn tốn tiền hơn.
Thế nhưng hầu hết những hàng phở danh tiếng đã đóng cửa ngay từ đợt đầu Chỉ thị 15. Người Hà Nội bây giờ không những không tự nấu phở nữa mà ngay cả mua phở ở hàng về nhà ăn cũng không. Vẫn bát phở ấy thôi mang về đến nhà dù có chần bánh, đun lại nước thì ăn vẫn chẳng ra gì. Tốt nhất chuyển sang ăn sáng bằng những quà bánh mua sẵn. Để ý kĩ ra thì đồ ăn sáng vẫn còn rất phong phú. Xôi sáng vài loại mặn ngọt khác nhau. Bánh chưng, bánh dày, bánh giò, bánh khúc, bánh cuốn, bánh bao, bánh nếp, bánh tẻ…vẫn còn nhiều hàng bán khá ngon. Ăn hết được một vòng những thứ ấy có khi đã hết cách ly rồi.
Lười nữa thì gọi điện cho quán cà phê nhờ họ pha sẵn đóng chai mang về bỏ tủ lạnh. Dăm hôm mới phải đi lấy cà phê một lần. Tất nhiên, cà phê một mình ở nhà chẳng thể ngồi lâu quá nửa giờ. Thu*c lá phải ra ngoài hút và chuyện trò chỉ có mỗi cái smartphone thì ngồi làm gì.
Theo Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn/VietnamNet
Chủ đề liên quan:
xã hội