Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Những anh hùng trên rẻo cao

Tháng 4 vừa qua, cộng đồng mạng xúc động chuyền tay nhau bức ảnh các cán bộ y tế Hà Giang làm việc vụ khoanh vùng, dập dịch tại huyện Đồng Văn, nơi ghi nhận bệnh nhân 268. Chống dịch ở vùng cao rất khó, nhưng ở đó đã có những anh hùng.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Pín Tủng, nơi bệnh nhân 268 sinh sống - Ảnh: T.A.

Họ là những nhân viên y tế tuyến dưới, những cán bộ địa phương, những tình nguyện viên tham gia chống dịch tại các tỉnh vùng sâu vùng xa…

Với công việc thầm lặng hàng ngày, thiếu thốn về thiết bị y tế, điều kiện địa lý xa xôi khắc nghiệt, nhưng họ vẫn ngày ngày trực tiếp sát cánh cùng người dân địa phương, nâng cao tinh thần chống dịch và góp phần bảo vệ môi trường sống an toàn giữa mùa COVID-19.

Khi đồng bào nhắc nhở nhau "rửa tay với xà phòng chống con virus"

Từ sau khi phát hiện ca bệnh 268 vào ngày 17-4, xã Pín Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã trải qua những ngày tháng đặc biệt.

Ngoài việc tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ thôn bản, các tổ công tác phòng dịch được thành lập với sự tham gia của các lực lượng như Công an, Biên phòng, Quân sự, Dân quân tự vệ, cán bộ xã; đội ngũ cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn và cán bộ y tế xã với thời gian trực chiến là 24/24.

Đội ngũ y tế địa phương lặn lội lên nương rẫy để lấy mẫu cho người dân và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang và rửa tay xà phòng thường xuyên

Trưởng thôn Pín Tủng, ông Giàng Mi Páo (68 tuổi) là một trong những người tham gia vận động, tuyên truyền cho người dân trong những ngày đầu xã Pín Tủng phải thực hiện phong tỏa.

Ông gõ cửa từng gia đình để nói chuyện về "con virus" SARS-CoV-2, tuyên truyền người dân nhận thức tốt hơn về các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần với người khác và rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch.

Dù vậy, là một huyện vùng cao, đang bước vào mùa chăm sóc ngô nên không ít người dân thôn Pín Tủng lên nương trong thời gian cách ly.

Để đảm bảo việc phòng dịch triệt để và để giúp người dân nắm rõ các biện pháp phòng dịch, đội ngũ y tế của tỉnh Hà Giang cũng như y tế địa phương đã phải lặn lội đến tận nương rẫy tìm gặp người dân để lấy mẫu xét nghiệm. Việc bất đồng ngôn ngữ, nhận thức hạn chế của nhiều người dân cũng là một vấn đề khó khăn cho đội ngũ các cán bộ y tế địa phương.

Với sự nhiệt tình, tận tụy của những người "chiến sĩ" trên rẻo cao, thông điệp về phòng, chống COVID-19 được nhắc đi nhắc lại với nhiều hình thức khác nhau khiến người dân xã Pín Tủng dần ghi nhớ.

"Tới giờ, bà con đi ra đường ai cũng có thói quen đeo khẩu trang. Trước mỗi bữa cơm, sau khi lên nương rẫy, đi chợ về... đều rửa tay xà phòng sạch sẽ", ông Giàng Mi Páo phấn khởi.

Còn tại các khu vực cách ly khác tại thị trấn Đồng Văn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được đội ngũ y tế địa phương cũng tiến hành khử khuẩn toàn bộ khu vực chung. Đồng thời để người dân thực hiện tốt phòng dịch, các cán bộ đoàn viên, thanh niên huyện đoàn Đồng Văn cũng lắp đặt các trạm rửa tay dã chiến miễn phí tại chợ của thị trấn Đồng Văn.

Trạm rửa tay được cung cấp đủ nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay và có các bảng hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19 giúp bà con thực hiện theo đúng khuyến cáo.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp rửa tay, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang để phòng dịch, nhiều người dân trong huyện còn trực tiếp chung tay với lực lượng chức năng ở địa phương chống dịch như hỗ trợ các suất ăn, nhu yếu phẩm, khẩu trang, quần áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn tay cho các tổ chốt chặn phòng, chống dịch.

Phun khử trùng tại khu vực ổ dịch tại Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: T.A

Khi người dân cũng chính là "người hùng"

Còn tại khu cách ly thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội), gần 1.400 dân nơi đây vẫn đang chờ đợi từng ngày kể từ khi nơi đây nhận quyết định cách ly 28 ngày, khi bệnh nhân mắc COVID-19 số 266 được phát hiện.

Ngay sau khi thành lập khu cách ly tại Đông Cứu, 3 vòng kiểm soát và 10 chốt chặn đã được bố trí với hàng trăm cán bộ y tế, công an, quân đội được huy động để đảm bảo túc trực 24/24 theo đúng quy định.

Trong đó, 6 chốt là lực lượng của xã gồm dân quân, phụ nữ, thanh niên... làm nhiệm vụ tại thôn Đông Cứu. Đặc biệt, chốt tại khu vực nhà nơi bệnh nhân này sinh sống được bố trí rất cẩn thận. 4 chốt khác chủ yếu là lực lượng của huyện đảm bảo việc chốt chặn vòng ngoài.

Cán bộ y tế cùng các tình nguyện viên tổ chức phun khử khuẩn tại Đông Cứu, Dũng Tiến, Thường Tín.

Ngoài ra còn có 8 tổ chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được thành lập, thường xuyên tiến hành phun khử khuẩn các khu vực trong thôn, đo thân nhiệt, tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt việc rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.

Anh Nguyễn Văn Khang, một cán bộ xã cũng là một trong các cán bộ tình nguyện tham gia tổ công tác phòng chống dịch tại Đông Cứu. Với công tác kiểm soát tại các điểm ra vào, anh Khang có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt cho người dân và bảo đảm thực hiện cách ly được tốt nhất. Với những người có nhiệm vụ cần ra vào khu cách ly, cán bộ trực chốt cũng yêu cầu rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và xịt khử trùng toàn thân.

Không chỉ có lực lượng chức năng, nhiều người dân của xã Dũng Tiến cũng tham gia, hỗ trợ đi phun khử khuẩn tại từng căn hộ. Tất cả những tình nguyện viên này đều được trang bị quần áo bảo hộ theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện rửa tay sát khuẩn, thay đồ ngay sau khi xong việc. Kết quả là tới nay, tình hình bệnh dịch tại Đông Cứu đang được kiểm soát chặt chẽ, không xuất hiện thêm bất cứ ca lây nhiễm COVID-19 nào.

Cảm động trước tấm lòng của những người ngày đêm thầm lặng chống dịch, ông N.V.Đ (57 tuổi, trú tại xã Dũng Tiến) chia sẻ: "Trong giai đoạn này, những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên ở đây là những người vất vả nhất. Họ ngày đêm bảo vệ sự an toàn cho làng, xóm, tuyên truyền để chúng tôi sống lành mạnh hơn, duy trì các thói quen vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng... Tôi chẳng có gì nên chỉ biết gửi thùng nước chuyển đến cho mọi người, mong sao chung tay sớm đẩy lùi được bệnh dịch để xóm làng lại trở về yên bình như xưa".

Cám ơn Việt Nam!

Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) và Quỹ Unilever Việt Nam phát động chương trình truyền thông hướng đến cộng đồng mang tên "Cám ơn Việt Nam".

Chương trình thể hiện tinh thần tri ân đến các y bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ và tình nguyện viên – những người tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19. Đồng thời, chương trình nâng cao tinh thần đoàn kết, niềm tin của toàn xã hội trong giai đoạn mới của công cuộc phòng chống đại dịch toàn cầu.

Đây là một phần của chiến dịch "Vững vàng Việt Nam" đã được phát động từ nửa cuối 4-2020, mong muốn thông qua đó kêu gọi người dân chú ý các biện pháp phòng dịch hàng ngày, góp phần bảo vệ các thành quả mà tuyến đầu đã đạt được trong suốt hơn 3 tháng qua.

HỒNG HÀ

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/nhung-anh-hung-tren-reo-cao-20200513145241861.htm)

Chủ đề liên quan:

anh hùng Covid 19 đồng văn hà giang

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY