Mỗi nền văn hóa lại có những nét riêng thú vị trong thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những cách thức ấy giúp người dân ở tại những vùng đất khác nhau có nhiều niềm tin, hy vọng và sự lạc quan hơn để bước vào một năm mới với nhiều may mắn hơn.
Người dân ở tại nhiều quốc gia thích ăn cá trong ngày đầu năm. Nếu người Trung Quốc thích ăn cá trong Tết âm lịch vì từ "cá" trong tiếng Trung đồng âm với từ "dư" (trong "dư dả"), thì người dân phương Tây thích ăn cá đơn giản bởi cá chỉ bơi theo một hướng: hướng... trước mặt, luôn tiến về phía trước, không lùi.
Người dân Brazil thích mặc màu trắng trong đêm giao thừa bởi đối với họ đó là màu của may mắn và an bình. Hơn thế, trong thời đại của mạng xã hội, việc mọi người mặc đồ đồng màu càng dễ tạo nên những bức ảnh ấn tượng để đăng tải chia sẻ khoảnh khắc vui vẻ trong ngày đầu năm.
Người dân Brazil nếu đón năm mới bên bờ biển sẽ ngay lập tức chạy ra đón sóng, họ sẽ nhảy lên 7 con sóng xô bờ. Mỗi lần nhảy qua một con sóng, người ta sẽ ước một điều.
Ở Đan Mạch, đĩa sứ vỡ tượng trưng cho điềm may, mọi người sẽ mang đĩa đến rồi đập vỡ vụn trước cửa nhà của người thân, bạn bè. Càng có nhiều mảnh vỡ xuất hiện trước cửa nhà trong ngày đầu năm, gia chủ sẽ càng may mắn trong năm mới.
Chính vào thời khắc giao thừa, người dân ở Tây Ban Nha có thói quen ăn 12 quả nho. Mỗi quả nho tượng trưng cho một tháng trong năm mới. Điều quan trọng là bạn phải ăn mỗi quả nho trùng với mỗi tiếng chuông của chiếc đồng hồ quả lắc và khi chuông dứt, bạn phải vừa kịp ăn xong hết 12 quả nho.
Truyền thống này tồn tại ở nhiều nước phương Tây. Khi chuông đồng hồ điểm 12h trong thời khắc giao thừa, người ta liền quay sang hôn người mà mình yêu thương với hy vọng năm mới sẽ ngập tràn yêu thương ngọt ngào.
Cũng ở Đan Mạch, người ta còn có truyền thống đứng trên ghế và "nhảy" vào năm mới trong thời khắc giao thừa, cú nhảy của sức bật, niềm vui và sự hưng phấn hứa hẹn mang lại may mắn trong năm mới.
Những chiếc vali, túi xách, balô... thực chất chẳng đựng món đồ nào cả. Ở Colombia, người ta tin rằng xách vali rỗng và chạy quanh khu mình ở thật mau lẹ sẽ khiến năm mới chứa đựng nhiều chuyến hành trình kỳ thú mới.
Ở New York, có nhiều tiệm bánh kẹo bán những chiếc kẹo bạc hà hình chú heo vào dịp cuối năm. Đi kèm với chiếc kẹo lớn này là một chiếc búa nhỏ, các thành viên tham dự tiệc giao thừa sẽ lần lượt được đập vỡ chiếc kẹo ra thành nhiều mảnh và lấy một mẩu kẹo để ăn, tượng trưng cho may mắn trong năm mới.
Hương vị kẹo bạc hà thơm mát giúp tỉnh táo, sảng khoái trong thời khắc giao thừa tượng trưng cho một năm mới tốt đẹp, may mắn hơn.
Ở tại nhiều quốc gia, người dân có thói quen mở hết các cửa sổ và cửa ra vào trong đêm giao thừa để năm cũ đi ra, năm mới đi vào thật dễ dàng, thuận lợi.
Ở tại một số quốc gia Nam Mỹ, người ta tin rằng màu sắc đồ nội y mặc trong lúc giao thừa sẽ ảnh hưởng tới vận may của bạn trong 12 tháng tới. Người ta chọn màu vàng nếu muốn gặp may mắn, màu đỏ nếu muốn có tình yêu và màu trắng nếu cầu sự bình an.
Ở Puerto Rico, người ta tin rằng hắt một xô nước qua cửa sổ sẽ xua đi những đen đủi của năm cũ. Đồng thời, họ rắc đường bên ngoài nhà mình để mời vận may năm mới vào nhà.
Ở Đức và Áo, có những biểu tượng cho sự may mắn mà người ta thường dành tặng cho người thân, bạn bè trong dịp năm mới.
Những biểu tượng này có chú heo, cây nấm, cỏ ba lá... Bạn có thể mua những món đồ lưu niệm hình biểu tượng may mắn tại các phiên chợ Giáng sinh hoặc những chiếc kẹo bánh có hình biểu tượng may mắn để dành tặng cho người bạn yêu mến.
Vào mỗi dịp năm mới, người ta thường hay đặt ra những mục tiêu cho 365 ngày tiếp theo trong năm, bạn cùng với người thân hoặc bạn bè có thể viết ra những mục tiêu cho năm mới rồi cất những tờ giấy ấy trong một chiếc lọ, giữ trong suốt cả năm. Vào đêm giao thừa năm sau, mọi người có thể cùng ngồi lại và đọc lại những mục tiêu mình đã vạch ra từ đầu năm, để xem mình đã tiến được bao xa.
Theo Dân trí