“Giống như thể tôi đang chiêm ngưỡng cực quang, bởi những cột sáng này nhảy múa, chuyển động và thay đổi hình dạng”, nhà khí tượng học Bill Taylor của Cơ quan Khí tượng Quốc gia nói với CNN khi mô tả bức ảnh về những cột sáng mà ông chụp hồi đầu tuần ở North Platte, Nebraska.
Tuy nhiên, đây không phải một cuộc xâm chiếm của người ngoài hành tinh hay hoạt động ngoài vũ trụ nào mà một người có trí tưởng tưởng bay bổng có thể nghĩ tới, đó chỉ là một hiện tượng quang học nhờ bầu không khí lạnh và tĩnh.
Theo truyền thông mỹ, nếu cưỡng lại được lò sưởi, chiếc chăn ấm và ra ngoài bất chấp lạnh giá hoành hành khắp phía bắc nước mỹ trong tuần này, nhiều người sẽ được bù đắp với hiện tượng quang học hiếm thấy. những cột ánh sáng nhiều màu sắc khiến nhiều người thích thú này chỉ xuất hiện khi nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng.
| ||
|
Các cột ánh sáng hình thành ở vùng có khí hậu lạnh hơn khi các hạt băng gần mặt đất đủ nhẹ để lơ lửng trong không khí. Nếu điều kiện yên tĩnh, các hạt băng hình lục giác có thể xếp chồng lên nhau theo chiều dọc khi chúng từ từ trôi qua bầu khí quyển. Giống như một tấm gương khổng lồ trên bầu trời, các bề mặt băng phản chiếu một nguồn sáng - chẳng hạn đèn đường, ánh trăng hoặc ánh sáng Mặt Trời - về phía người xem.
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) ở La Crosse, Wisconsin, các tinh thể trong khí quyển càng cao, thì cột sáng càng cao.
Điều kiện cần thiết là hầu như không có gió, thời tiết ổn định và tương đối lạnh.
Nhà khí tượng học Darren Snively của NWS nói với CNN Weather: “Nhiệt độ giảm xuống -20 độ F (khoảng -28 độ C) vào đêm những bức ảnh này được chụp ở North Platte, nơi lạnh nhất mà chúng tôi từng trải qua kể từ tháng 3/2019.
Mặc dù không có ngưỡng nhiệt độ cụ thể nào được xác định đối với sự hình thành cột ánh sáng, song thủy ngân trong nhiệt kế ở mặt đất thường dưới 10 độ F, theo NWS.
Theo Duy Anh/Zing