Tử vi hôm nay

Tử vi

Những điều cần biết về Vắc xin

cơ chế phòng bệnh của Vắc xin như thế nào, hiệu quả phòng bệnh của nó ra sao? Hiện trên thị trường đang lưu hành những loại vắc xin phòng bệnh gì, những loại nào dùng cho trẻ em, chúng được đưa vào cơ thể bằng những con đường nào? Những trường hợp nào chưa nên tiêm chủng, những phản ứng nào là bất thường sau khi dùng Vắc xin?
Vắc xin được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Y tế công cộng trong thế kỷ 20. Vaccin là loại dược phẩm đặc biệt đã góp phần rất lớn đẩy lùi nhiều bệnh tật và giảm tỷ lệ Tu vong cho con người. Vắc xin cũng là vũ khí hữu hiệu chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bại liệt, sởi, viêm não, góp phần quan trọng hạn chế những di chứng gây tàn phế dai dẳng cho bệnh nhân; tiết kiệm được nhiều chi phí cho gia đình và xã hội.

Vậy cơ chế phòng bệnh của Vắc xin như thế nào, hiệu quả phòng bệnh của nó ra sao? Hiện trên thị trường đang lưu hành những loại vắc xin phòng bệnh gì, những loại nào dùng cho trẻ em, chúng được đưa vào cơ thể bằng những con đường nào? Những trường hợp nào chưa nên tiêm chủng, những phản ứng nào là bất thường sau khi dùng Vắc xin? Người cao tuổi có nên dùng Vắc xin?... Để giúp bạn đọc có được một cái nhìn tổng quát và chuyên sâu về Vắc xin, Báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức buổi giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp những thắc của bạn đọc với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về Vắc xin.

Danh sách khách mời:

- TS.BS. Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

- PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

- TS. Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế

Dưới đây là nội dung của buổi giao lưu trực tuyến:

Xin ông cho biết việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh đã được Việt Nam thực hiện trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ khi nào? Độ an toàn của vắc xin được sử dụng được đánh giá như thế nào, từ trước đến nay có xảy ra tai biến đáng tiếc nào liên quan đến vắc xin này hay không?

(ngongocha@yahoo.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Vắc xin viêm gan B được đưa vào triển khai thí điểm trong chương trình TCMR từ năm 1997. Đến năm 2003, vắc xin viêm gan B được triển khai tiêm chủng cho tất cả các trẻ em dưới 1 tuổi trong toàn quốc. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi là 3 mũi. Mũi đầu tiên vắc xin viêm gan B còn gọi là liều tiêm viêm gan B sơ sinh. Việc tiêm viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ được thực hiện trong TCMR từ năm 2006. Vắc xin viêm gan B được đánh giá là một trong những vắc xin an toàn nhất. Tất cả các lô vắc xin viêm gan B đều được kiểm định đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cũng như của Tổ chức Y tế thế giới trước khi phân phối để sử dụng. Trong những năm 2007, 2008, có một số phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh, tuy nhiên sau khi điều tra đánh giá nguyên nhân của các phản ứng trên thì không tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêm với vắc xin viêm gan B. Hầu hết là do các bệnh trùng hợp của những đứa trẻ này.

Xin BS. cho biết, để phòng bệnh viêm gan B thì quy trình tiêm phòng như thế nào? Ở trẻ em và người lớn có khác nhau không?

(Lê Thị Thơm, Hà Đông, Hà Nội)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Việc thực hiện quy trình tiêm phòng vắc xin viêm gan B cũng tương tự như quy trình tiêm chủng các loại vắc xin khác. Không có sự khác nhau giữa quy trình tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ em và người lớn. Điều lưu ý là việc tiêm một loại vắc xin và tiêm vắc xin cho trẻ em hoặc người lớn cần phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về liều lượng và lịch tiêm.

Hiện nay, những bệnh truyền nhiễm nào đã có vắc xin phòng bệnh, thưa chuyên gia?

(thuynga80tn@gmail.com) PGS.TS Phạm Nhật An: Hiện nay, có rất nhiều vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nhưng việc áp dụng sẽ khác nhau tùy từng quốc gia. Tại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 11 loại vắc xin nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin phòng bệnh bại liệt, vắc xin phòng bệnh bạch hầu, vắc xin phòng bệnh ho gà, vắc xin phòng bệnh uốn ván, vắc xin phòng bệnh sởi, vắc xin phòng bệnh viêm gan vi rút B, vắc xin phòng bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib; vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, vắc xin phòng bệnh tả và vắc xin phòng bệnh thương hàn. Hai vắc xin phòng bệnh tả và vắc xin phòng bệnh thương hàn chỉ áp dụng tiêm phòng cho vùng có dịch. Các loại vắc xin ở Việt Nam hiện nay không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng còn có vắc xin phòng bệnh do vi rút HPV (thường gây bệnh ung thư cổ tử cung...), vắc xin phòng bệnh do phế cầu, vắc xin phòng bệnh thủy đậu, quai bị, varicella, vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút, vắc xin phòng bệnh viêm gan A, vắc xin phòng cúm....
Xin BS. cho biết tôi phải chuẩn bị những gì trước khi cho con đi tiêm phòng? Thùy Giang (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) PGS.TS Phạm Nhật An: Trước hết, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu để biết được lợi ích cũng như các tác dụng phụ và tai biến có thể xảy ra khi tiêm chủng. Thứ hai, cần biết lịch tiêm chủng để có thể cho trẻ đi tiêm chủng đúng thời hạn (tác dụng phòng bệnh đạt hiệu quả cao hơn) và các trường hợp trì hoãn hoặc không có chỉ định tiêm chủng. Thứ ba, khi cho trẻ đi tiêm chủng phải bảo đảm trẻ không có vấn đề gì về bệnh tật, sức khỏe (nếu có thì cần được tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm phòng).
Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành quả đáng kể nhưng cũng là chương trình phức tạp nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Vậy ông có thể chia sẻ về hiệu quả của chương trình này cũng như những khó khăn, thách thức mà những ngành y tế phải đối mặt là gì?

(Nguyễn Hải Yến, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động bằng vắc xin, Tiêm chủng mở rộng là chương trình tiêm chủng miễn phí phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm ganB,.... Trong hơn 25 năm qua nhờ có chương trình TCMR mà số trường hợp mắc, Tu vong của các bệnh trong TCMR giảm rất nhiều. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt polio năm 2000, giảm số mắc bệnh uốn ván sơ sinh xuống rất thấp (dưới 1/1000 trẻ đẻ sống) đồng nghĩa với việc đã loại trừ được căn bệnh này theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Thách thức hiện tại là làm sao bao phủ được tỉ lệ tiêm chủng cao tại những vùng có địa bàn khó khăn (vùng sâu, vùng xa...). Làm sao tuyên truyền được cho tất cả mọi người tự giác đưa trẻ đi tiêm chủng để có thể giúp trẻ phòng được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong TCMR.

Những phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng là gì? Làm cách nào để có thể nhận biết và xử lý kịp thời các phản ứng này để đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm chủng?

(phuongthuanhy@yahoo.com.vn)

PGS.TS Phạm Nhật An: Các phản ứng có thể gặp khi tiêm chủng chia làm hai loại. Một là, các tác dụng phụ thường gặp nhưng không gây nguy hiểm cho trẻ, gồm có: đau tại chỗ tiêm, có thể hơi sưng đỏ; có thể sốt - thường sốt nhẹ; quấy khóc, biếng ăn; tiêu chảy;... tùy loại vắc xin.

Những dấu hiệu này dễ dàng nhận biết; trẻ chỉ cần được điều trị triệu chứng và sẽ hết trong vòng một vài ngày, nhưng vẫn cần phải theo dõi để đề phòng các diễn biến nặng.

Thứ hai, các tai biến nguy hiểm có thể gây ra sau tiêm chủng - rất hiếm xảy ra, nặng nhất là các phản ứng sốc phản vệ (sau khi tiêm khoảng vài phút trẻ sẽ có biểu hiện hốt hoảng, da xanh tái, khó thở... dẫn đến tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Trẻ cần phải được xử trí cấp cứu kịp thời. Vì vậy, tại các địa điểm tiêm chủng cần được trang bị các hộp chống sốc). Ngoài ra là các tai biến khác có thể gây bệnh lý về thần kinh (viêm não, viêm dây thần kinh, áp xe tại chỗ tiêm, gây liệt, bại... tùy theo loại vắc xin) cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Là một người mẹ, tôi rất băn khoăn khi phải quyết định có nên cho con mình đi tiêm vắc xin Quinvaxem để phòng 5 bệnh theo như khuyến cáo mới đây của Bộ Y tế hay không. Tôi mong muốn được các chuyên gia giải đáp đầy đủ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con đi tiêm phòng loại vắcxin này. Xin cảm ơn!

Phạm Thu Hà (Kinh Môn, Hải Dương)

PGS.TS Phạm Nhật An: Vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin hỗn hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não và viêm phổi do Hib. Sử dụng các loại vắc xin hỗn hợp có lợi ích lớn là chỉ cần tiêm một lần mà phòng được nhiều bệnh. Do đó, sẽ giảm số lần tiêm cho trẻ.

Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Quinvaxem cũng như tính an toàn của vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận. Tuy nhiên, cũng như các loại vắc xin khác khi tiêm phòng đều có thể xảy ra các phản ứng phụ hoặc - dù rất hiếm là các tai biến.

Con trai tôi được 6 tháng tuổi. Hiện cháu vẫn chưa tiêm phòng vắc xin Quinvaxem. Vậy tôi phải tiến hành cho cháu đi tiêm phòng bệnh như thế nào?

(hathixuanlan@gmail.com)

PGS.TS Phạm Nhật An: Theo lịch tiêm chủng, vắc xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ 3 lần vào các tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4. Nếu cháu đã 6 tháng tuổi chưa được tiêm phòng, cần tiêm ngay 3 mũi vắc xin Quinvaxem cách nhau một tháng.

Con tôi đã tiêm một mũi viêm não Nhật Bản từ khi cháu được hơn 1 tuổi, bác sĩ hẹn sau 1 năm đi tiêm nhắc lại. Nhưng vì bận việc gia đình, nên tôi đã không cho cháu tiêm đúng lịch, kể từ mũi tiêm đầu tiên đến bây giờ cách 4 năm. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi, bây giờ tôi tiêm nhắc lại cho cháu thì hiệu lực của vắc xin có còn hay không? Tôi phải làm thế nào để tiêm phòng đầy đủ cho cháu. Xin cảm ơn bác sĩ.

Lê Xuân Hồng (Thuận Thành, Bắc Ninh)

PGS.TS Phạm Nhật An: Theo đúng lịch tiêm chủng, tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cần được tiến hành theo lịch sau: Mũi đầu tiên tiêm lúc trẻ 1 tuổi; mũi thứ hai có thể sau mũi thứ nhất từ 2-4 tuần; mũi thứ ba sau mũi thứ nhất một năm. Sau đó, ba năm trẻ cần được tiêm nhắc lại. Như vậy mới bảo đảm được hiệu quả phòng bệnh tối đa.

Trường hợp của con bạn, cháu đã 4 tuổi, cần được tiêm tiếp theo lịch ba năm một lần. Phụ huynh cần chú ý lịch tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm đúng thời gian.

Con tôi đã được tiêm 1 mũi vắc xin Quinvaxem, sau đó vắc xin bị tạm dừng. Xin hỏi bây giờ con tôi có thể tiếp tục tiêm phòng loại vắc xin này được không?

(phanhuyquang@yahoo.com)

PGS.TS Phạm Nhật An: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vắc xin Quinvaxem có thể sử dụng bình thường. Vì vậy, cháu hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm phòng loại vắc xin này.

Con gái tôi đã được tiêm hai mũi vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên, thời gian vừa qua vắc xin này bị tạm dừng tiêm cho trẻ. Xin chuyên gia cho biết, việc gián đoạn tiêm chủng này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con tôi không? Tôi có nên chuyển sang vắc xin khác để tiêm thay thế cho cháu không?

(minhhd@gmail.com)

PGS.TS Phạm Nhật An: Việc tạm dừng tiêm bất cứ loại vắc xin nào cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ (ngoài việc có thể có ảnh hưởng chút ít đến hiệu quả sinh miễn dịch phòng bệnh).

Hiện nay, vắc xin Quinvaxem theo khuyến cáo của Bộ Y tế đã được sử dụng trở lại. Cháu hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng loại vắc xin này, hoặc có thể sử dụng các loại vắc xin "5 trong 1" hoặc "6 trong 1" khác đang được phép lưu hành tại Việt Nam như vắc xin Infanrix.

Tôi muốn biết quy trình chuẩn của công tác tiêm phòng như thế nào là đảm bảo an toàn cho trẻ?

(vumuinga79@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Tiêm chủng an toàn là vắc xin dùng để tiêm chủng đảm bảo chất lượng, vắc xin được cán bộ y tế có kỹ năng thực hành tiêm chủng đúng khi tiêm chủng cho đối tượng được tiêm chủng bao gồm tiêm chủng đúng đối tượng (đúng lịch,...), đúng đường tiêm, đúng vị trí, đối tượng tiêm chủng được theo dõi tốt sau tiêm chủng,...

Tôi đưa con đi tiêm phòng dịch vụ loại vắc xin “6 trong 1” và đã cho cháu tiêm đầy đủ 3 mũi nhắc lại. Tôi nghe nói đến khi cháu lớn thì phải đi tiêm lại một lần nữa? Xin ông cho biết, mấy tuổi thì cháu tiêm nhắc lại, nếu không tiêm nhắc lại thì có ảnh hưởng gì không?

(Dương Thu Hương, Linh Đàm, Hà Nội)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Hiện nay trong tiêm chủng dịch vụ phải trả tiền có vắc xin phối hợp phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng nào mủ/viêm phổi do Hib (thường gọi là vắc xin “6 trong 1”). Theo hướng dẫn của nhà sản xuất để gây miễn dịch cơ bản cần tiêm 3 mũi, mũi đầu lúc trẻ 2 tháng tuổi các mũi sau cách nhau tối thiểu 1 tháng và tiêm nhắc lại (mũi 4) lúc 18 tháng tuổi. Nếu không tiêm nhắc lại thì có thể khả năng phòng bệnh của cơ thể bị giảm theo thời gian, trẻ có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với mầm bệnh. Vì vậy, cần phải tuân thủ lịch tiêm chủng được khuyến cáo bởi các cơ sở sản xuất vắc xin để đảm bảo trẻ có thể được phòng bệnh khi tiêm chủng.

Tôi nghe nói có mũi kết hợp Sởi - Quai bị - Rubella nhưng tôi mới cho con tôi đi tiêm một mũi Sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, đến bây giờ cháu đã 5 tuổi tôi cũng chưa cho cháu tiêm nhắc lại. Xin hỏi như vậy cháu có được bảo vệ không và bây giờ tôi phải làm thế nào để phòng bệnh cho cháu? Xin cảm ơn bác sĩ. (nguyenvananh@gmail.com)

PGS.TS Phạm Nhật An: Theo lịch tiêm chủng, trẻ cần được tiêm vắc xin sởi lần 1 lúc 9 tháng; lần 2 khi trẻ 18 tháng. Trường hợp của con chị, có thể tiêm thêm một mũi nhắc lại để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh. Hiện nay việc sử dụng vắc xin phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella có hiệu quả tốt, ngoài phòng bệnh sởi còn phòng được bệnh quai bị và rubella - cũng tiêm hai mũi: Mũi một tiêm khoảng 12-15 tháng tuổi; mũi 2 cách mũi một 3-5 năm.

Tại sao con tôi tiêm phòng bệnh thủy đậu rồi mà cháu vẫn bị mắc bệnh, thậm chí còn mắc bệnh 2 lần?

Trần Huy (Đống Đa, Hà Nội)

PGS.TS Phạm Nhật An: Việc tiêm phòng sẽ hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh, nhưng vì những lý do đáp ứng miễn dịch của cơ thể khi tiêm vắc xin chưa đủ mạnh nên vẫn có thể - mặc dù rất hiếm, một số trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh cảnh của những trường hợp này thường nhẹ hơn.

Trường hợp cháu bị mắc bệnh thủy đậu hai lần thì rất hiếm có - nên có thể trẻ bị các bệnh phỏng nước ngoài da giống thủy đậu do các căn nguyên vi rút khác.

Trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi, viêm phổi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn... việc tiêm chủng mang lại lợi ích cho trẻ em nói chung, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như thế nào? Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

(minhthupr@yahoo.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Tiêm chủng mở rộng miễn phí là quyền lợi của tất cả trẻ em không phân biệt vùng miền, dân tộc,... .Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng xa nơi địa bàn khó khăn, người dân sinh sống ở xa cơ sở y tế, xa điểm tiêm chủng, đi lại rất khó khăn đặc biệt vào mùa mưa bão. vì vậy đối với những vùng này cần có cách tổ chức đặc biệt bao gồm tổ chức các điểm tiêm chủng ở ngoài cơ sở y tế. các cơ sở y tế cần đảm bảo có đủ nhân viên y tế để có thể tổ chức các buổi tiêm chủng lưu động.

Những năm gần đây, các loại vắc xin được sản xuất trong nước được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ngày càng nhiều. Ông có đánh giá ra sao về chất lượng, độ an toàn, hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh của các loại vắc xin “nội” này?

(hoangduong2003@yahoo.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Tất cả các vắc xin sử dụng trong chương trình TCMR sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đều phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh. Hiện nay hầu hết các vắc xin sử dụng trong TCMR được sản xuất trong nước. Thành quả tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong việc Thanh toán bệnh bại liệt năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005 là nhờ sử dụng vắc xin sản xuất trong nước. Việt Nam tự hào là một trong số ít nước đang phát triển có thể sản xuất được vắc xin chủ động đáp ứng nhu cầu trong TCMR.

Ông có thể giới thiệu về quy trình sản xuất loại vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho người được tiến hành như thế nào?

(thiepnv@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Việt Nam tự hào là một nước có thể sản xuất được hầu hết các vắc xin sử dụng trong TCMR. Từ những năm 1960, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng bệnh. Một số vắc xin được chuyển giao công nghệ tiên tiến từ một số nước như: vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin sởi được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, vắc xin viêm gan B được chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc,... Hiện nay các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước đã sản xuất được 10 trong tổng số 11 loại vắc xin sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin phòng lao, bại liệt, bạch hầu – ho gà – uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật bản B, tả và thương hàn.

Con trai tôi bị quai bị, xin hỏi cháu có bị biến chứng gì không? Nếu đã tiêm phòng thì có nguy cơ bị bệnh này không? Xin cảm ơn bác sĩ.

(nguyenphuong@gmail.com)

PGS.TS Phạm Nhật An: Bệnh quai bị có thể gây ra một số biến chứng - mặc dù ít gặp, như viêm não, viêm tinh hoàn hoặc buồng trứng (có thể gây vô sinh), viêm tụy.... Nếu muốn biết có biến chứng hay không cần theo dõi các triệu chứng bất thường về tinh thần, tình trạng sốt, viêm tấy ở vùng tinh hoàn, đau bụng.... và cần được xác định tại các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Nếu đã tiêm phòng đủ hai mũi theo lịch thì khả năng mắc bệnh là rất hiếm.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta nhập vắc xin giá thành rẻ, là vắc xin thế hệ cũ, nguy cơ phản ứng nhiều hơn so với các loại vắc xin thế hệ mới được sản xuất tại các nước châu Âu, điều này có đúng không, thưa chuyên gia?

(duyenpt@yahoo.com)

PGS.TS Phạm Nhật An: Đúng là vắc xin được sản xuất từ nhiều cơ sở khác nhau, kỹ thuật và giá thành có thể khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả và tính an toàn luôn phải đạt được yêu cầu theo quy định rất chặt chẽ của Tổ chức Y tế thế giới. Vì vậy các loại vắc xin được phép lưu hành tại Việt Nam cũng phải đáp ứng được yêu cầu về tính an toàn và hiệu quả phòng bệnh.

Chồng tôi bị viêm gan B, tôi không bị do đã tiêm phòng đầy đủ. Hiện tôi đang mang thai được 7 tháng, xin hỏi con tôi có bị lây nhiễm viêm gan B từ bố hay không? Có cách nào để phòng ngừa cho con tôi hay không? Huyền Thu (TP. Thái Nguyên) PGS.TS Phạm Nhật An: Việc lây nhiễm viêm gan B cho trẻ sơ sinh chỉ xảy ra nếu mẹ có nhiễm viêm gan B. Như vậy, trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, trẻ không có nguy cơ lây nhiễm từ bố. Tuy nhiên, sau khi trẻ ra đời cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B đầy đủ theo lịch. Cần chú ý rằng, khả năng bị lây truyền viêm gan B của trẻ nếu trong gia đình có người mắc bệnh - sẽ cao hơn. Hiện nay, việc quan tâm, đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển các loại vắc xin trong nước được thực hiện ra sao? Liệu với nguồn ngân sách đó, chúng ta có thể nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra thị trường thêm những loại vắc xin mới?

(Đỗ Minh Châu, Nghệ An)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Hầu hết các loại vắc xin trong TCMR được sản xuất trong nước. Việc sản xuất vắc xin trong nước được sự đầu tư của nhà nước và sự giúp đỡ của quốc tế, các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước cũng đang có kế hoạch nghiên cứu và sản xuất một số loại vắc xin khác ngoài những vắc xin đã sản xuất cung cấp cho chương trình TCMR. Các vắc xin mới đã và sẽ đưa ra thị trường trong thời gian tới là: vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus, vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi – rubella, vắc xin phòng cúm và vắc xin phòng bệnh bại liệt tiêm (IPV),....

Hiện nay, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang sử dụng bao nhiêu loại vắc xin nhập khẩu, với các loại vắc xin này, việc kiểm nghiệm, thẩm định chất lượng dựa trên căn cứ nào?

(Trần Lan, Hà Tĩnh)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Trong TCMR hiện nay chỉ duy nhất nhập và sử dụng vắc xin phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván-viêm gan B - Hib (vắc xin “5 trong 1”) hay còn gọi là vắc xin Quinvaxem. Vắc xin này đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới. Việc kiểm định, thẩm định chất lượng của vắc xin căn cứ vào các tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới được thực hiện bởi Viện quốc gia Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế.

Đối với các loại vắc xin nhập khẩu, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng được Bộ Y tế triển khai ra sao?

(kquockhanh@yahoo.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Đối với các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của Việt Nam. Các vắc xin này phải thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới. Vắc xin chỉ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam sau khi đã được kiểm định đạt được các yêu cầu của Việt Nam khi đã thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết. Từng lô vắc xin khi nhập vào Việt Nam đều phải được kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Bác sĩ có thể thông tin thêm cho người dân được hiểu về tác dụng phòng bệnh của việc tiêm vắc xin. Tại sao tỉ lệ trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh trong cộng đồng phải đạt tỉ lệ cao mới có tác dụng phòng bệnh, để dịch không xảy ra?

Toàn Thắng (Bắc Giang)

PGS.TS Phạm Nhật An: Tiêm phòng vắc xin là phương pháp tốt nhất phòng chống bệnh dịch nhiễm trùng. Nhờ có chương trình tiêm chủng mà rất nhiều loại bệnh nguy hiểm ch*t người đã được khống chế và loại bỏ, ví dụ như Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bệnh uốn ván rốn và đã giảm được rất nhiều các bệnh dịch trước đây đã xảy ra rất nặng nề như viêm não Nhật Bản, sởi và các biến chứng, bại liệt...

Việc tiêm vắc xin không chỉ phòng bệnh cho cá nhân người được tiêm mà còn có tác dụng phòng bệnh cho cộng đồng vì những người đã được tiêm phòng sẽ không bị mắc bệnh - làm giảm số nguồn bệnh có thể lây nhiễm. Tuy nhiên, để ngăn cản được việc lây nhiễm bệnh thì tỉ lệ những người đã được tiêm phòng phải đạt mức độ rất cao.

Theo tôi được biết vắc xin Quinvaxem được chỉ định là tiêm bắp. Vậy trẻ em được tiêm ở bắp đùi tốt hay tiêm mặt ngoài cánh tay cách u vai 5 cm tốt?

(thuongliet8684@yahoo.com.vn)

PGS.TS Phạm Nhật An: Vắc xin Quinvaxem thường được tiêm ở bắp đùi theo đúng kỹ thuật. Việc tiêm vào các vùng cơ mặt ngoài cánh tay, cơ delta, hoặc cơ mông chỉ áp dụng cho những trường hợp không tiêm được vào vùng đùi vì một lý do nào đó.

Khi trẻ có phản ứng mạnh với lần tiêm trước thì bao lâu thì trẻ có thể tiêm lại và có nguy hiểm gì không?

(thuongliet8684@yahoo.com.vn)

PGS.TS Phạm Nhật An: Khi trẻ có phản ứng với lần tiêm trước thì phải xem phản ứng đó ở mức độ nào. Nếu đó chỉ là những phản ứng phụ không gây nguy hiểm gì cho trẻ thì cháu vẫn có thể tiêm phòng theo lịch - tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ hơn. Nếu lần tiêm trước, phản ứng tiêm chủng là tai biến thì cần tư vấn bác sĩ trước khi tiêm lần sau. Nếu phản ứng trước đây là các dị ứng phản vệ thì tuyệt đối không được tiêm những lần sau.

Dư luận lo lắng về một số trường hợp Tu vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, hay còn gọi là vắc xin “5 trong 1” phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ. Đây là vắc xin được nhập khẩu từ Hàn Quốc, được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 2010. Vậy trước khi nhập khẩu về, vắc xin này đã trải qua quá trình thẩm định về chất lượng ra sao?

(haducthang@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Từng thành phần có trong vắc xin phối hợp “5 trong 1” được sản xuất ở các nước khác nhau: thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván được sản xuất ở Đức; thành phần Hib phòng bệnh viêm màng nào mủ/viêm phổi được sản xuất ở Italia và thành phần viêm gan B được sản xuất ở Hàn Quốc. Hàn Quốc là quốc gia phối hợp các thành phần trên tạo thành vắc xin “5 trong 1”. Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin nhập ngoại vì vậy phải tuân thủ các quy định của Việt Nam đối với vắc xin nhập khẩu như đã nêu trên.

Ông có đánh giá ra sao về chất lượng cũng như các phản ứng cần biết đến của loại vắc xin Quinvaxem này?

(phihung1977@yahoo.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Vắc xin Quinvaxem là vắc xin đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được WHO khuyến cáo sử dụng, có hơn 90 quốc gia đã sử dụng vắc xin này kể từ năm 2006. Cũng như các loại vắc xin khác sau khi sử dụng vắc xin Quinvaxem có thể gây các phản ứng sau tiêm chủng nhẹ như sốt nhẹ, đau tại nơi tiêm, trẻ quấy khóc,.... Tuy nhiên vắc xin quinvaxem có thể gây nhiều phản ứng sau tiêm chủng nhẹ hơn so với một số các vắc xin khác vì trong thành phần của vắc xin có vắc xin ho gà toàn tế bào. Tuy nhiên, những phản ứng này sẽ hết sau 24 đến 48 giờ. Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm và cần được tiêp tục theo dõi tại nhà 24 giờ nếu trẻ có những phản ứng bất thường cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và xử trí.

Tôi nghe thông tin là vắc xin Quinvaxem đã được rất nhiều quốc gia sử dụng và đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận về chất lượng, hiệu quả, độ an toàn. Ông có thể thông tin thêm về điều này tới độc giả được biết?

(hamai39c@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Vắc xin Quinvaxem được WHO công nhận về chất lượng và khuyến cáo các nước sử dụng để tiêm chủng phòng bệnh BH-HG-UV, VGB và viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib từ năm 2006. Tính tới nay vắc xin đã được sử dụng hơn 400 triệu liều ở 91 quốc gia. Vắc xin được đưa vào tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam từ tháng 6/2010.

Nếu trong trường hợp vẫn có thêm trẻ có phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, liệu chúng ta có tính toán tới việc thay thế vắc xin này bằng một vắc xin khác có tác dụng tương đương nhưng đắt tiền hơn không, thưa giáo sư? Ông có nhận định gì về phương án thay thế vắc xin Quinvaxem?

(Đào An, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Vắc xin Quinvaxem cũng giống như các loại vắc xin khác và cũng giống như Thu*c đều có thể gây ra phản ứng sau khi sử dụng. Tuy nhiên, đây hầu hết là các phản ứng nhẹ. Phản ứng sau tiêm chủng nặng có nhiều nguyên nhân khác nhau, cũng có thể do trùng hợp ngẫu nhiên khi trẻ được tiêm chủng đang có một bệnh sẵn trong người rồi. Phản ứng sau tiêm chủng nặng có thể gặp đối với tất cả các loại vắc xin. Việc sử dụng vắc xin đắt tiền hơn thì vẫn có thể xảy ra các phản ứng nặng sau tiêm chủng. Các quốc gia cần phải lựa chọn loại vắc xin thích hợp nhất để sử dụng trong TCMR, sự lựa chọn tùy thuộc vào tình hình bệnh tật và khả năng của mỗi nước.

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, độ an toàn của vắc xin, công tác quản lý chất lượng, quy trình tiêm chủng, khám sức khỏe, giám sát sau tiêm... đã được Bộ Y tế chỉ đạo tới các địa phương ra sao?

(Phạm Minh Thu, Quốc Oai, Hà Nội)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Hiện nay các cơ sở tiêm chủng ở tất cả các tuyến từ trung ương tới địa phương đều có đầy đủ các thiết bị chuyên dụng tốt nhất để bảo quản, vận chuyển và theo dõi nhiệt độ của vắc xin. Các cán bộ y tế làm tiêm chủng đã được đào tạo và có kỹ năng thực hành tiêm chủng tốt. Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo việc thực hiện và quản lý các mặt của công tác tiêm chủng mở rộng. Việc kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện tốt ở các tuyến. Nói chung hệ thống TCMR ở Việt Nam hiện tại là tốt, đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng cho tất cả các đối tượng trong toàn quốc.

Đối với vắc xin BCG nếu trẻ tiêm mà không để lại sẹo thì trẻ có thể tiêm lại hay không, và trẻ bao nhiêu tháng tuổi thì có thể tiêm lại?

(thuongliet8684@yahoo.com.vn)

PGS.TS Phạm Nhật An: Vắc xin BCG thường được tiêm một lần ngay tháng đầu tiên và sẽ hình thành sẹo trong vòng một năm. Trường hợp nếu sau hơn một năm mà không để lại sẹo thì nên tiêm lại vì như vậy chứng tỏ chưa có đáp ứng miễn dịch của lần tiêm vắc xin BCG đầu tiên.

Đối với trẻ sinh thiếu tháng thì bao lâu trẻ có thể tiêm chủng được và những điểm gì lưu ý khi cho trẻ sinh thiếu tháng?

(thuongliet8684@yahoo.com.vn)

PGS.TS Phạm Nhật An: Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng, tùy theo mức độ non tháng và nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con để quyết định việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B và vắc xin BCG.

Trường hợp thứ nhất - theo mức độ non tháng, không có nguy cơ lây truyền viêm gan B cao từ mẹ sang con thì thường trì hoãn việc tiêm vắc xin tới lúc trẻ đạt được khoảng 2,5 kg.

Nếu trường hợp nguy cơ lây truyền viêm gan B cao (mẹ có HBsAg dương tính, HBeAg dương tính) thì cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B và huyết thanh chống viêm gan B đặc hiệu ngay sau khi đẻ.

Có thể khẳng định rằng, những lợi ích của tiêm phòng trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh là rất lớn. Vậy thời gian tới, công tác tiêm chủng mở rộng sẽ hướng đến những trọng tâm nào? Với những bệnh dịch mới nổi, liệu có thêm vắc xin phòng ngừa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng hay không?

(lythuha80@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Trong thời gian tới một trong những trọng tâm của công tác TCMR sẽ là tăng tỉ lệ tiêm chủng ở những vùng sâu, vùng xa nơi hiện tỉ lệ tiêm chủng các loại vắc xin còn thấp. Việc nâng cao tỉ lệ TCMR tại các địa phương này cần có sự tham gia của các ban ngành liên quan và của chính quyền, trong đó việc củng cố hệ thống y tế cơ sở và tuyên truyền để người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng là vấn đề ưu tiên và cần thiết.

Xin ông cho biết, vắc xin có thành phần vô bào và toàn tế bào khác nhau như thế nào? Loại nào được đánh giá an toàn hơn?

(Phan Tuấn Linh, Chương Mỹ, Hà Nội)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Vắc xin vô bào là vắc xin tinh chế khác với vắc xin toàn tế bào mỗi loại vắc xin có ưu điểm và nhược điểm riêng khác nhau. Vắc xin vô bào thường có ít phản ứng nhẹ hơn so với vắc xin toàn tế bào như sốt nhẹ sau tiêm chủng. Tuy nhiên các vắc xin này đều đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và đều được khuyến cáo sử dụng để tiêm chủng phòng bệnh. Việc lựa chọn các vắc xin tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia.

(maitrang_ngo237@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Để phòng bệnh Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván, Viêm gan B và viêm màng nào mủ do Hib có thể sử dụng vắc xin ở dạng phối hợp ít vắc xin hơn và vắc xin đơn liều (DPT, VGB, Hib) hoặc sử dụng vắc xin dạng phối hợp nhiều loại vắc xin hơn (vắc xin “6 trong 1” phòng bệnh bạch hầu- ho gà- uốn ván- viêm gan B- bại liệt và viêm màng não mủ do Hib trên thị trường hiện nay). Tuy nhiên, giá thành vắc xin “6 trong 1” rất đắt, chưa phù hợp với khả năng của các nước đang phát triển. Xin được hỏi chất lượng của vắc xin có bị ảnh hưởng khi vận chuyển, bảo quản về các địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa?

(Ngô Mạnh Tiến, Sơn La)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Hầu hết các vắc xin đều có tính bền vững với nhiệt độ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc nhiệt độ thấp. Tuy nhiên,vắc xin cần được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Việc bảo quản vận chuyển vắc xin ở nhiệt độ không thích hợp trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tới chất lượng của vắc xin. Nếu vắc xin không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp sẽ làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc xin hoặc có thể gây ra phản ứng tại chỗ tiêm.

Tôi thấy có loại vắc xin dạng bột, dạng nước, dạng tiêm, dạng uống… Mỗi dạng vắc xin như thế có tác dụng phòng bệnh như nhau hay không? Rất mong các chuyên gia giải đáp.

(hailongnv_82@yahoo.com)

TS.BS. Nguyễn Văn Cường: Dạng trình bày của vắc xin khác nhau tùy thuộc vào từng loại vắc xin và của nhà sản xuất, có thể là dạng bột hoặc dạng dung dịch. Tuy nhiên đối với dạng bột khi sử dụng đều phải pha hồi chỉnh để vắc xin ở dạng dung dịch thì mới được sử dụng. Khi sử dụng vắc xin bất kể ở dạng nào đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn sử dụng của các cơ sở sản xuất đối với vắc xin đó. Khi sử dụng đúng tất cả các loại vắc xin đều có tác dụng phòng bệnh.

Nguồn SKDS.
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nhung-dieu-can-biet-ve-vac-xin-22430.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY