Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Những nguyên nhân đẩy Malaysia vào cảnh vỡ trận

Đợt bùng phát số ca mắc Covid-19 gần đây khiến Malaysia phải phong tỏa toàn quốc. Nguyên nhân bùng dịch được cho là liên quan đến các lễ hội vào cuối tháng Ramadan.

Tại Malaysia, các nghĩa trang quanh thủ đô Kuala Lumpur là nơi thể hiện rõ nhất sự bùng phát Covid-19 những ngày gần đây.

Số ca bệnh và số ca Tu vong vì đại dịch ở nước này đang tăng mạnh, và liên tục phá kỷ lục của ngày trước đó. Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, số ca mắc mới Covid-19 ở nước này luôn vượt mức 6.000 trường hợp suốt tuần qua.

Hồi đầu tuần, bộ này cảnh báo số ca bệnh mới mỗi ngày sẽ nhanh chóng vượt qua 8.000 nếu mọi người không tuân theo quy định. Đến ngày 29/5, lời cảnh báo ứng nghiệm, khi Malaysia ghi nhận hơn 9.000 ca mắc mới trong 24 giờ.

Tổng số ca bệnh ở Malaysia tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm. Tổng số ca Tu vong vượt quá 2.300 người.

Những con số đáng báo động này được thể hiện rõ nhất tại các nghĩa trang như công viên tưởng niệm Nirvana - một nghĩa trang Phật giáo, Đạo giáo và Cơ đốc giáo ở Semenyih, ngoại ô Kuala Lumpur.

Tại đây, nhân viên y tế liên tục phun Thu*c khử trùng và di chuyển linh cữu của các bệnh nhân mắc Covid-19 đến chôn cất.

Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah, hôm 25/5 cảnh báo nước này cần "chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất", theo AP.

Những nguyên nhân đẩy Malaysia vào cảnh vỡ trận - Ảnh 2.

Nhân viên y tế đưa linh cữu của bệnh nhân Covid-19 đến nghĩa trang ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia hôm 26/5. Ảnh: AP.

Hàng loạt ổ dịch ở lễ cầu nguyện

Theo trang tin khoa học Our World in Data, tỷ lệ số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày trên một triệu người của Malaysia được tính trung bình trong vòng 7 ngày gần nhất.

Qua đó, con số này của Malaysia là 205,1 ca bệnh trên một triệu người, vượt quá tỷ lệ 150,4/1.000.000 của Ấn Độ.

Đây là làn sóng Covid-19 thứ hai trong năm nay tại quốc gia Đông Nam Á này.

New York Times nhận định nguyên nhân của đợt bùng phát này một phần do người dân tụ tập cầu nguyện vào lễ Eid al-Fitr, ngày đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.

Ông Noor Hisham Abdullah hôm 26/5 cho biết đã phát hiện hàng loạt ổ dịch bắt nguồn từ các lễ cầu nguyện được tổ chức 14 ngày trước đó. Tổng số ca bệnh liên quan đến các ổ dịch này lên tới 470 trường hợp.

Hiện tại, số ca bệnh tăng đột biến khiến một số bệnh viện thiếu giường chăm sóc đặc biệt (ICU).

Ông Noor Hisham cho biết tình hình đang rất tồi tệ ở bang Penang cũng như khu vực Thung lũng Klang, bao gồm Selangor, Kuala Lumpur và Putrajaya. Khoa chăm sóc đặc biệt ở các khu vực này đang hoạt động hết công suất.

Những nguyên nhân đẩy Malaysia vào cảnh vỡ trận - Ảnh 3.

Tín đồ Hồi giáo cầu nguyện ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 5. Ảnh: Getty.

Vào ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Adham Baba cho biết biến chủng B.1.617, còn được gọi là biến thể Ấn Độ của virus SARS-CoV-2, đã được phát hiện ở Malaysia.

Quan chức này cho biết biến chủng được phát hiện thông qua giải trình toàn bộ gen của mẫu bệnh phẩm lấy tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

Thông báo trên được đưa ra 5 ngày sau khi Malaysia đình chỉ tất cả chuyến bay từ Ấn Độ, đồng thời các tàu và công dân Ấn Độ có giấy phép lao động của Malaysia cũng bị cấm nhập cảnh vào nước này.

Chậm trễ phong tỏa toàn quốc

Trang Facebook của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hôm 28/5 công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc, tính từ ngày 1/6 đến ngày 14/6, Channel NewsAsia đưa tin. Đợt phong tỏa sắp tới là giai đoạn 1 trong kế hoạch phòng chống dịch tổng thể.

Tuyên bố cũng cho biết năng lực điều trị tại các bệnh viện đang "trở nên hạn chế hơn", khi số bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng gia tăng.

Trong 2 tuần phong tỏa, Hội đồng An ninh Quốc gia chỉ cho phép các lĩnh vực kinh tế và dịch vụ thiết yếu được hoạt động. Hội đồng quyết định phong tỏa sau khi nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Malaysia.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng thời điểm áp đặt lệnh phong tỏa là quá trễ, vì chưa đến 3% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19.

Tỷ lệ tiêm chủng của Malaysia hiện đứng sau Singapore và Campuchia. Chính phủ nước này cho biết đang đẩy nhanh tiến độ và sẽ mua thêm 16 triệu liều vaccine trong hai tháng tới.

Con số đó bao gồm 2,2 triệu liều vaccine Pfizer BioNTech, 12 triệu liều Sinovac và 1,2 triệu liều AstraZeneca, với mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số.

Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa quy định cụ thể về việc cho người dân tự chọn loại vaccine, địa điểm tiêm và ngày hẹn tiêm. Các vấn đề này đã được giải quyết từ lâu ở Singapore, theo The Diplomat.

Những nguyên nhân đẩy Malaysia vào cảnh vỡ trận - Ảnh 4.

Nhân viên y tế phun Thu*c khử trùng khi đưa linh cữu bệnh nhân Covid-19 vào nghĩa trang ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia hôm 26/5. Ảnh: AP.

Phản ứng trước những chỉ trích về việc ứng phó với đại dịch, Thủ tướng Muhyiddin cho rằng "không sao cả" khi người dân chỉ trích ông.

Ông khuyến khích mọi người chịu trách nhiệm về hành vi của mình và tự bảo vệ bản thân khỏi virus.

"Mọi người hỏi tôi: Tại sao không áp lệnh phong tỏa sớm? Tôi nói: Bạn cứ 'tự phong tỏa' đi. Cứ ở nhà cho an toàn và bảo những người khác cũng làm như vậy", ông nói, theo New York Times.

Trước đó, vào tháng 1, Thủ tướng Muhyiddin đã ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng trên mạng xã hội người dân vẫn thể hiện sự không hài lòng. Họ cho rằng chính phủ đặt lợi ích kinh tế lên trên phúc lợi xã hội.

Đây cũng là vấn đề khiến Adeeba Kamarulzaman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Malaysia, băn khoăn.

"Nhiều người lo ngại rằng việc phong tỏa nghiêm ngặt sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Nhưng tác động sẽ tồi tệ hơn, hoặc kéo dài hơn nữa nếu chúng ta tiếp tục thực hiện các biện pháp nửa vời", chuyên gia này nhận định.

Vụ trưởng Noor Hisham cũng yêu cầu mọi người tuân thủ các biện pháp mới.

"Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm này", ông nhấn mạnh.

Theo Zingnews

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/bon-phuong/nhung-nguyen-nhan-day-malaysia-vao-canh-vo-tran-20210530105441861.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY