Vào khoảng những năm 1970, Đức có khoảng 50.000 bãi rác. Đến năm 2018, trên toàn bộ đất nước này 83 triệu dân này chỉ có khoảng dưới 300 bãi rác. Đáng nói, những bãi rác này cũng chỉ chấp nhận một số loại rác thải. Đó là những gì còn lại sau quy trình tái chế mà công nghệ hiện tại chưa thể xử lý được. Toàn bộ rác thải đưa về các bãi rác đều phải được phân loại. Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2020 của chính phủ Đức, toàn bộ những bãi tập kết, chôn lấp rác sẽ phải ngừng hoạt động. Đây cũng là “tham vọng” của nước Đức về việc có thể tận dụng tất cả các loại “tài nguyên” – trong đó có cả rác thải.
Hậu quả nhãn tiền của rác thải là gây ô nhiễm môi trường nhưng ta thường ít quen thuộc với những lợi ích kinh tế mà rác thải có thể mang lại, cũng như nguồn năng lượng lớn mà nó có thể tái cung cấp cho hệ sinh thái nếu được xử lý đúng cách.
Nước Đức dẫn đầu châu Âu về công nghệ tái chế rác |
Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU) năm 2009, Đức đã dẫn đầu các quốc gia châu Âu trong việc tái chế rác thải với con số lên tới 70% lượng chất thải mà đất nước này tạo ra được thu hồi vào tái sử dụng thành công hàng năm. So sánh với Hoa Kỳ, tại thời điểm đó tỉ lệ tái chế rác thải của nước này chỉ rơi vào khoảng 33%.
Năm 1996, các nhà lập pháp của Đức đã bày tỏ lo ngại về số lượng bãi rác có xu hướng tăng qua các năm. Đây là một nguyên nhân lớn góp phần gây ra ô nhiễm nguồn đất, nước và không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, Quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật Quản lý chất thải và Chu trình khép kín, qua đó yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện chiến lược quản lý rác thải theo ba tiêu chí: ưu tiên tránh lãng phí, giảm khối lượng chất thải; chất thải không thể sử dụng hết phải được tái chế hoặc chuyển đổi thành một dạng năng lượng khác; chất thải không thể tái chế được phải được thu hồi và xử lý theo quy trình thân thiện với môi trường.
Người Đức quan điểm “người tạo ra rác thải có trách nhiệm dọn dẹp rác thải”; khác với Hoa Kỳ, hệ thống quản lý rác thải của họ được “tài trợ” bằng tiền thuế của công dân. Ba tiêu chí của Đức không chỉ áp dụng với chất thải rắn mà còn đối với chất thải lỏng, khí, chất thải phóng xạ và chất thải y tế. Để vận hành một hệ thống quản lý chất thải thành công như vậy trên toàn quốc trong nhiều năm qua, không chỉ chính phủ mà người dân nước Đức cũng rất quan tâm đến quy trình này. Theo Văn phòng thống kê Liên bang Đức, từ năm 1996 đến 2007, nước này đã giảm thiểu khoảng 37,7 triệu tấn rác thải.
Năm 2006, Stephan Harmening – Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Quản lý chất thải Đức đưa ra nhận định: “Giá nguyên nhiên liệu trong ngành công nghiệp năng lượng sẽ ngày càng tăng thì việc tái chế rác thải thành một nguồn sản xuất giải pháp sẽ được chú trọng hàng đầu”. Tại thời điểm đó, Đức đã “nắm trong tay” nhiều bản quyền của hàng loạt công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại.
Trong những đầu thực hiện tái chế, chi phí cho vật liệu tái chế còn vượt quá quy trình sản xuất vật liệu mới. Song khi nhu cầu về nguyên liệu thô tăng lên, chi phí sản xuất cũng sẽ tăng, kéo gần khoảng cách chi phí giữa vật liệu mới và vật liệu tái chế, thậm chí vật liệu tái chế có thể rẻ hơn. Hammering lấy ví dụ về chai nhựa PET, việc tái chế chai PET tốn khoảng 1000 euro/tấn trong khi đó việc sản xuất chai nhựa mới cùng chất lượng có giá 1.200 euro/tấn.
Nhà máy đốt rác ở Oberhausen, Đức. |
Viện Kinh doanh Đức (IW) ước tính rằng nước Đức tiết kiệm 3,7 tỷ euro mỗi năm nhờ tái chế và sản xuất năng lượng từ chất thải. Xử lý chất thải đúng cách giúp nền kinh tế Đức tiết kiệm 20% chi phí kim loại và 3% chi phí tổng nhập khẩu năng lượng của quốc gia này.
Các hệ thống xử lý chất thải tiên tiến đương nhiên đòi hỏi đầu tư nhiều hơn so với các bãi rác truyền thống. Tuy vậy, chính phủ Đức nhận định quản lý chất thải sẽ là ngành công nghiệp bùng nổ mạnh trong tương lai, do đó phải có những định hướng, chính sách đúng đắn từ ban đầu.
Kết quả mà Đức đã làm được là: thay thế 55.000 bãi rác cũ bằng 70 lò đốt, 60 nhà máy xử lý chất thải sinh học và cơ học cùng 800 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải hữu cơ. Khối lượng “nguyên liệu thô” đến các nhà máy tái chế liên tục tăng qua các năm. Trongđó, 90% chai lọ sản xuất tại Đức được làm bằng thuỷ tinh tái chế; 80% trang giấy sách, báo là giấy tái chế; 100% pin và dầu xe được tái chế.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường – TN&MT, tại Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn có thói quen vất rác bừa bãi, gây khó khăn cho việc xử lý các bãi rác “vô chủ” là nguồn ô nhiễm môi trường.
Ngay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, rác chủ yếu vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp, với tỷ lệ lên tới 90%. Đáng nói, phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn. Thậm chí, tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, một số có hệ thống thu gom khí, một số không; hệ thống xử lý nước rỉ rác trong nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Do đó, theo Quyết định 807/QĐ-Ttg ngày 3/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020, thì một trong những mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Những bãi rác truyền thống luôn là vấn đề nhức nhối của Việt Nam |
Để có thể nhanh chóng “đóng cửa” các bãi rác mất vệ sinh, việc xã hội hoá, thu hút sự đầu tư của tư nhân tham gia xử lý rác ở cả khu vực đô thị và nông thôn đang được các cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng. Để thu hút được các nhà đầu tư, phải có cơ chế chính sách rõ ràng, các ưu đãi cụ thể như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai...
Mới đây, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Dự thảo Luật cũng nêu rõ, yêu cầu bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường phải được xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường.
Một số tín hiệu tích cực ban đầu có thể kể đến những mô hình xử lý bãi rác thành mặt bằng sạch để phục vụ cho phát triển, như cải tạo bãi rác Mễ Trì (Hà Nội) trở thành Khu đô thị Mễ Trì; cải tạo bãi rác thành công viên ở Quảng Ninh hay xử lý bãi rác Soi Nam ở TP Hải Dương…
Đỗ Trang / Phap luật bốn phương