Đến với cơ sở sản xuất lân của anh Nguyễn Hưng (47 tuổi, xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), nét mặt đượm buồn, lo lắng hiện rõ trên gương mặt.
“Làm lân đã hơn 30 năm, nhưng chưa năm nào tôi thấy hụt hẫng như năm này”, anh Hưng thở dài. Bén duyên với nghề từ năm 10 tuổi, đến nay anh Hưng được biết đến là một người làm lân có tiếng ở Hội An.
Anh nhớ lại, vào năm 1990, khi vừa hoàn thành đầu lân đầu tiên, một người ở Đà Nẵng thích và họ đặt mình làm từ đó luôn. Tiền bán con lân đầu tiên tôi nhận được 150 đồng. Lúc đó, tôi thấy vui và quyết tâm đeo đuổi nghề. Tôi bắt tay tìm nguồn vật liệu và bắt đầu làm lân bán sau đó một năm.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Hưng không còn bận rộn như trước |
Theo nghiệp làm lân từ những năm tuổi đời còn rất nhỏ, anh Hưng hiểu được cần gì để hoàn thành một sản phẩm tốt nhất để đến với khách hàng. Sự trau chuốt trong sản phẩm giúp xưởng làm lân của anh có tiếng nhiều năm ở phố cổ Hội An được nhiều người chọn mua.
Để hoàn thiện một chiếc đầu lân lớn, người làm phải mất gần một tuần với nhiều công đoạn khác nhau. Bước đầu sẽ hoàn thiện khung mây tạo dáng cho lân, đến việc dán giấy, dán vải, sơn phủ, sơn dạ quang, trang trí họa tiết, dán lông cừu, vẽ các nét viền để tạo điểm nhấn và cuối cùng là trang trí nội thất..
"Một đầu lân có hồn, theo anh Hưng, quan trọng nhất là cặp mắt. Mắt lân sẽ làm nổi bật lên hình tượng hiền, dữ của con lân..." - anh chia sẻ.
Theo anh Hưng, những năm chưa có dịch, vào mùa trung thu xưởng của anh hàng năm sản xuất từ 2.000 đến 3.000 đầu lân và hơn 1.000 mặt ông địa xuất ra thị trường cả nước.
Tùy từng loại sẽ có nhiều giá thành khác nhau: lân lớn sẽ có giá một bộ (cả đầu lân, đuôi, áo quần) giao động tầm 5 triệu đồng. Lân thiếu nhi giao động từ 100.000 - 150.0000 đồng/đầu kèm đuôi. Đầu ông địa sẽ dao động từ 50.000 đến 250.000 đồng/sản phẩm.
“Đó là những năm trước, năm nay tôi không làm một đầu lân thiếu nhi nào cả vì không có khách. Chỉ có khoảng 40 đầu lân lớn khách đặt, mặt ông địa thì cũng chỉ hơn 200 chiếc”, anh Hưng nói giọng buồn bã.
Những năm không có dịch, xưởng hoạt động luôn có 18 người làm không hết việc, nhưng hai năm nay chỉ có 7 người trong nhà cùng làm với nhau.
"Thu nhập cũng bị ảnh hưởng vì không còn nhiều đơn đặt hàng" - anh Hưng nói và cho biết thời điểm không có dịch thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài nên chỉ thu được vài ba chục triệu thôi...
Anh Hưng lên khung sườn cho đầu lân |
"Tôi hy vọng dịch bệnh qua nhanh để có thể làm công việc mình yêu thích, đeo đuổi nhiều năm nay...”, anh Hưng nói. |
Theo anh, những năm dịch chưa bùng phát, thời điểm trước trung thu tầm một tháng cơ sở hoạt động hết công suất từ 6h sáng đến 21h tối. Người làm không ngơi tay, không có thời gian để ăn cơm. Mỗi ngày, cơ sở của anh xuất khoảng 20 đầu lân thiếu nhi và khoảng 12 mặt ông địa là điều rất bình thường...
"Nhưng năm nay không khí không còn như những năm trước. Trong nhà chỉ có vài con lân, người làm cũng chỉ được 7 người mà không có việc để làm. Ngoài đường những tiếng trống lân tập luyện cũng thưa dần”, anh Hưng buồn bã.
Anh Hưng cho biết, ngoài thu nhập giảm thì cũng gặp khó trong tìm mua nguyên vật liệu do phải đặt mua từ TP.HCM và Hà Nội, nhưng cũng không vì thế mình tăng giá bán lên được.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, du lịch đóng băng nên tôi cũng chỉ ở nhà quanh quẩn với những con lân, mặt ông địa. Tôi hy vọng dịch bệnh qua nhanh để có thể làm công việc mình yêu thích, đeo đuổi nhiều năm nay...”, anh Hưng nói.
Theo VietnamNet
Chủ đề liên quan:
xã hội