Jovita Moore, biên tập viên thời sự kỳ cựu ở Atlanta, đã được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh đệm, một dạng ung thư não phát triển nhanh và dễ dẫn tới tiên lượng xấu.
Giống như nhiều người khác, chẩn đoán này là một cú sốc lớn đối với người phụ 53 tuổi. Cô là một biên tập viên dày dạn kinh nghiệm, đã làm việc trên sóng truyền hình được 23 năm. Jovita xuất hiện chủ yếu ở các bản tin buổi chiều và buổi tối. Ngoài công việc này, cô còn là bà mẹ của ba con và thành viên của tổ chức tình nguyện ở địa phương, nơi giúp đỡ trẻ em vô gia cư.
Jovita phát biểu trong một sự kiện tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Westside vào 26/4/2017, ở Atlanta, Georgia.
Vào tháng 4/2021, Jovita đã phải đi khám và chụp cộng hưởng từ sau khi nhận thấy các triệu chứng đáng lo ngại. Theo người phụ nữ này: “Tôi thực sự lo lắng vì hay quên, mất phương hướng và cảm thấy không còn là chính mình nữa. Tôi như đang ở trong một màn sương mù và không thể thoát ra khỏi đó”.
Jovita còn suýt ngất khi đang đi siêu thị. Cô nhớ lại: “Tôi đi ngang qua bãi đỗ xe và đột ngột thấy chân không thể di chuyển nữa, cảm giác như đang đi trong cát lún”.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nữ biên tập viên có hai khối u nhỏ ở não và cô cần phẫu thuật càng sớm càng tốt. Jovita đã nghỉ lên sóng truyền hình từ tháng 4 với hi vọng sẽ trở lại sau khoảng 10 tuần hồi phục. U nguyên bào thần kinh đệm là bệnh ung thư không có cách chữa, các phương pháp điều trị hiện nay chỉ có thể làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư.
Jovita đã vắng mặt trên sóng truyền hình từ tháng 4 để điều trị ung thư.
Ca phẫu thuật diễn ra chỉ vài ngày sau khi các bác sĩ phát hiện Jovita có hai khối u nhỏ ở não. Theo Viện Ung bướu Quốc gia Hoa Kỳ, u nguyên bào thần kinh đệm là dạng ung thư não phổ biến nhất và phát triển nhanh ở người trưởng thành, chiếm khoảng 35-40% trường hợp mắc u não ác tính. Loại ung thư này không di truyền và không liên quan đến chế độ ăn uống hoặc lối sống của người bệnh. Nói cách khác, u nguyên bào thần kinh đệm xảy ra ngẫu nhiên và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.
Hiện nay bệnh này không có cách chữa dứt điểm và việc điều trị rất khó khăn vì khối u thường phát triển ở những nơi khó thể loại bỏ. Hiệp hội U Não Quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo, khi lan rộng, ung thư sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, tâm trạng, hành vi và mọi chức năng của cơ thể.
Hầu hết người mắc bệnh này chỉ có thể sống sót tối đa 2 năm. Đau đầu là dấu hiệu phổ biến nhất và Jovita cũng gặp phải hiện tượng tương tự. Cô chia sẻ: “Tất cả bắt đầu khi tôi gặp phải những cơn đau đầu bất thường. Vì vậy, nếu cảm thấy sức khỏe có vấn đề, bạn đừng ngại ngần đi kiểm tra càng sớm càng tốt”.
Gia đình và bạn bè là những người luôn tích cực ủng hộ Jovita trong suốt hành trình điều trị ung thư và hồi phục sau phẫu thuật.
Hiện tại, Jovita đang tiến hành điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người phụ nữ này cho biết cô rất biết ơn gia đình, bạn bè, những người đã tích cực giúp đỡ mình trong thời gian qua. Theo bà mẹ của ba con: “Tôi rất mong mọi người tiếp tục ủng hộ tôi trong hành trình chiến đấu với căn bệnh này”.
Edjah Nduom, bác sĩ của Jovita kiêm phó giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện trực thuộc Đại học y Emory ở Atlanta cho biết, cô đang trong quá trình xạ trị và hóa trị để làm chậm tổn thương do khối u gây nên. Tuy nhiên, việc làm này không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Bác sĩ Edjah chia sẻ thêm: “Đây là một trong những lý do khiến tôi rất muốn tiếp tục nghiên cứu các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn cho những người mắc phải căn bệnh này”.
Nữ biên tập viên đang trong quá trình điều trị với tinh thần tốt, lối sống lành mạnh và sự ủng hộ từ gia đình. Theo bác sĩ Edjah, tất cả những điều này đóng vai trò quan trọng giúp những người như Jovita đối mặt với bệnh ung thư một cách dễ dàng hơn.
(Nguồn: Today)
Chủ đề liên quan:
chẩn đoán ung thư não dấu hiệu ung thư não nữ biên tập viên thời sự bị ung thư triệu chứng ung thư não