Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phát hoảng với cách dạy trẻ tập bơi bằng cách ném con xuống nước, chuyên gia nói gì?

MangYTe – Cộng đồng mạng đang chia sẻ rộng rãi clip về việc một giáo viên ném mạnh em bé 8 tháng tuổi xuống hồ bơi để dạy trẻ tập bơi thu hút hàng chục triệu lượt xem. Chuyên gia cho rằng, việc dạy trẻ tập bơi theo cách này vô cùng nguy hại. Vào ngày hè cho trẻ học bơi càng cần lưu ý điều sau.

Ném con xuống nước dạy bơi?

Một phụ huynh người Mỹ đã đăng tải lên TikTok đoạn clip ghi lại cảnh dạy bơi của con trai 8 tháng tuổi tại một cơ sở dạy bơi. Trong đoạn clip, một nữ giáo viên dạy bơi đã ném cậu bé xuống nước để cậu bé nổi lên và tự bơi. Đoạn clip đang được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi thu hút hàng chục triệu lượt xem. Đại diện của cơ sở đã có giải thích trước sự phản đối của dư luận rằng, việc làm này giúp những đứa bé biết cách xử trí trong những trường hợp bất ngờ rơi xuống nước. Trong thực tế việc dạy trẻ theo cách này là an toàn.

Ném trẻ xuống nước để học bơi rất nguy hiểm. Ảnh minh họa

Xung quanh cách dạy bơi này cũng có nhiều ý kiến phản đối. Chia sẻ với PV Báo Gia đình và Xã hội, thầy Điền Đức Dũng – Trung tâm Dạy bơi Hà Nội (Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội) cho rằng, cách dạy bơi bằng ném xuống nước như vậy là phản khoa học, không có tác dụng. Bởi như vậy sẽ làm cho trẻ sợ hơn. Trẻ ở trong tình trạng bắt buộc phải làm mà không có sự hứng thú. Hoảng loạn, sợ hãi như vậy, trẻ dễ rơi vào hội chứng sợ nước mà không còn yêu thích bơi lội.

Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà nguy hiểm hơn khi ném trẻ xuống nước một cách đột ngột sẽ làm cho trẻ dễ bị uống nước và bị nước xộc vào mũi, miệng. Khi bị sặc nước, nước tràn vào phổi sẽ rất nguy hiểm, di chứng về sau nếu không xử lý kịp thời.

Dạy bơi cho trẻ cũng phải theo cảm nhận và độ tuổi của trẻ. Ngay dạy bơi sơ sinh cũng có nhiều lộ trình. Bình thường ở trung tâm, trẻ trải qua 20 – 40 buổi để hoàn thành khóa học, thứ nhất là biết nổi sấp, nổi ngửa, bơi ra bố mẹ một đoạn hoặc ra nơi có màu sắc… Tất cả những trẻ sơ sinh học khi đó phải có bố mẹ đi kèm. Việc dạy bơi sơ sinh chủ yếu khơi dạy bản năng của trẻ. Ở lứa tuổi này làm quen với nước, trải nghiệm vui vẻ khi dưới nước mới là những yếu tố chính. Dạy bơi chưa phải là chính trong giai đoạn này.

Theo BS nhi khoa Đỗ Tiến Sơn, với trẻ trên một tuổi có thể học bơi còn dưới 1 tuổi là tiếp xúc nước với phản xạ tự nhiên. Không phải cứ thích là đẩy trẻ xuống nước, nỗi ám ảnh sợ hãi sẽ theo trẻ suốt đời. Cả người dạy bơi và phụ huynh không ở dưới nước cùng bé khiến bé càng thêm sợ hãi khi không có nơi để nương tựa, bấu víu hoặc được trợ giúp khi cần thiết.

Ngay từ trong bụng mẹ trẻ đã có phản xạ cử động tay chân mà không cần phải dạy. Nhưng nói rằng trẻ trong bụng mẹ đã biết bơi nên khi ra ngoài có thể bơi mà không cần dạy dỗ và cứ ném trẻ xuống nước để học bơi mặc bé khóc là sai lầm. Đây có thể coi là hành vi bạo hành trẻ. Trẻ dưới một tuổi cần tham gia các buổi chơi với nước để quen môi trường nước, giúp trẻ vui vẻ.

Lưu ý khi cho trẻ đi bơi ngày hè

Các chuyên gia khuyến cáo, việc nóng lòng muốn con mau biết bơi và người dạy bơi thiếu kiến thức sẽ vô tình gây hại cho trẻ. Không phải trẻ nào cũng sẵn sàng học bơi khi đến tuổi nên cha mẹ cần xem xét đến khả năng vận động, mức độ thoải mái khi con xuống nước. Độ tuổi thích hợp cho trẻ học bơi là 4-5 tuổi trở lên. Khi đó bé hiểu được những gì người hướng dẫn chỉ và kĩ năng vận động cũng tốt hơn, nắm bắt kĩ thuật bơi tốt.

Cha mẹ cần lưu ý không cho trẻ tự ý bơi khi không có kiểm soát. Hơn nữa, cần chú ý tới nhiệt độ nước trong hồ bơi, lạnh quá sẽ khiến bé dễ sổ mũi, cảm lạnh. Để tránh nhiễm lạnh, thời gian bơi dưới nước không được quá 30 phút. Không được quăng bé trong tư thế nằm ngửa vì nước rất dễ sộc thẳng vào miệng, mũi.

Vào ngày hè, trẻ đi bơi sẽ nhiều hơn. Bơi lội rất tốt để trẻ phát triển các cơ và xương khớp. Tuy nhiên, thầy Điền Đức Dũng lưu ý rằng bơi lội cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Nếu môi trường nước không đạt chuẩn, có chứa nhiều tạp chất tẩy rửa thì trẻ dễ bị đau mắt. Vì thế, khi trẻ đi bơi cần chuẩn bị đầy đủ các loại vật dụng cần thiết cho trẻ như: Mũ bơi, kính bơi, khăn bông, quần áo bơi, phao bơi (với trẻ chưa biết bơi) và đặc biệt không quên kem chống nắng (chọn loại phù hợp dành cho trẻ nhỏ)...

Ngoài ra, tránh cho trẻ bơi khi đang đói hoặc ăn no, ăn đồ cứng sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa hoặc gặp nhiều vấn đề khác khi bơi. Trước khi bơi, lưu ý không cho trẻ uống sữa dễ gây tình trạng nôn trớ. Tốt nhất sau ăn khoảng một giờ mới cho trẻ xuống hồ bơi.

Phương Thuận

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/song-khoe/phat-hoang-voi-cach-day-tre-tap-boi-bang-cach-nem-con-xuong-nuoc-chuyen-gia-noi-gi-20200629170946426.htm)

Tin cùng nội dung

  • Không bao giờ quá muộn khi bạn tìm cách thay đổi cuộc sống để tăng thêm cơ hội sống tốt và sống khỏe.
  • Cuộc sống hiện đại càng cần chú trọng vận động thường xuyên. Đi bộ là một trong những cách tập (vận động) đơn giản nhất...
  • Mẹo làm đẹp xin giới thiệu cùng các bạn 6 phép dưỡng sinh của người Nhật để bạn tham khảo cho mình những bí quyết để có thể sống khỏe, trẻ lâu.
  • Một số gợi ý nhỏ có thể giúp bạn sống lạc quan - Chìa khóa để bạn yêu đời, sống khỏe và trẻ lâu.
  • SKĐS- Hãy áp dụng 36 cách đơn giản dưới đây để có một cuộc sống khỏe mạnh và tràn đầy hạnh phúc.
  • Nếu bạn muốn sống thọ hơn, hãy chú ý đến các thói quen của mình ngay từ bây giờ.
  • Tôi biết ông từ những năm sức khỏe còn sung mãn, mỗi năm cho ra đời vài vở diễn. Nhưng cho cả đến lúc này, sau hơn chục năm chung sống với bệnh đái tháo đường...
  • Trong cuộc sống hàng ngày, để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe, mọi người phải ăn uống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi có thời lượng nhất định, bảo đảm giấc ngủ đủ, sống có kỷ luật, vân vân.
  • Người cao tuổi (NCT) sống lâu, sống có ích là một điều rất mừng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để sống vui, sống khỏe, sống có ích lại là một việc không hề đơn giản, nó cần phải có sự nỗ lực của chính bản thân NCT.
  • Bí quyết trường xuân khá đơn giản, nằm trong tay của mỗi người và ai cũng cần phải thực hiện hàng ngày: đó là ăn uống, thư giãn và vận động cơ thể.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY