Hà Nội những ngày này mức nhiệt trên 39 độ. Tuy nhiên trên thực tế, khi tiến hành đo nhiệt độ trên bề mặt đường hoặc trong những căn phòng trọ được làm bằng tôn vào thời điểm giữa trưa, nhiệt độ có thể lên tới 50, thậm chí trên 50 độ C.
Với nhiều khu vực ở những dãy nhà trọ nhỏ của người lao động, sinh viên lợp bằng những mái tôn thì với những đợt nắng nóng như này các căn phòng không khác gì lò xông hơi. Để giảm bớt cái nóng nhiều người đã tìm ra cách giảm nhiệt lấy nước đá lạnh đổ ra nền nhà sẽ giảm đi phần nào sự ngột ngạt trong căn phòng.
Đặc biệt, trong khi các cơ sở chức năng tiến hành việc tưới nước rửa đường để giảm nhiệt thì nhiều người cũng nghĩ đến chuyện phun nước xuống nền xi măng, xả nước ra sàn để nền nhà được mát hơn, giảm nóng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Urenco 4 (thuộc công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội – là đơn vị vận chuyển và xử lý chất thải ở 4 quận trung tâm của thành phố Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) thì qua kiểm tra, việc rửa đường có thể làm cho nhiệt độ giảm từ 3-5 độ C sau khi thực hiện tưới nước rửa đường. Tác dụng của việc phun nước có thể kéo dài đến 2 tiếng trong điều kiện nền nhiệt độ trên 40 độ C.
Theo các chuyên gia vật lý, trời nắng nóng nếu đổ nước lên nền nhà, hay ra đường cũng có thể làm hạ nhiệt ít nhiều. Vì nhiệt độ môi trường làm nước bốc hơi. Hơi nước làm tăng độ ẩm thì mát hơn. Với lại, bay hơi là quá trình hấp thụ nhiệt, lúc này lớp phân tử bên ngoài có động năng lớn bay ra ngoài với chuyển động nhiệt cao để lại lớp phân tử có động năng thấp ở lại nên nhiệt độ sẽ giảm.
Tuy nhiên, nếu xả nước ra nền nhà, bạn cần cẩn trọng để tránh bị trơn trượt, ngã, nhất là với những gia đình có con nhỏ, người già thì tốt nhất không nên để họ di chuyển khi nền nhà vẫn ướt.
Để giảm nắng nóng cho gia đình chúng ta nên phun nước tạo thành dạng sương mù. Khi đó nước sẽ giảm nhiệt độ được từ 2-3 độ. Chúng ta nên tạo sương mù ở khoảng trống, sân nhà, cửa nhà, nơi có lượng không khí lưu thông nhiều. Nên tạo sương ở chỗ có vật thể che như mái che, giàn cây, mái hiên, hành lang thì mới giữ được lớp không khí có hạt sương mù. Nếu làm được điều này, sẽ giữ được nhiệt độ chênh lệch trong ngôi nhà từ 5-7 độ so với nhiệt độ thực tế. Và như vậy, nếu nhiệt độ nhà đài báo về là 39 độ, nhiệt độ thực tế ngoài trời sẽ lên đến 45-46 độ nhiệt độ trong ngôi nhà bạn chỉ khoảng 31-34 độ ngay cả khi bạn chưa hề sử dụng điều hòa hay quạt nước đá. Đây là nền nhiệt không quá nóng và ít ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vào mùa hè, nhiều gia đình, đặc biệt ở vùng nông thôn thường hay nằm ngủ trên nền nhà thay vì ngủ ở giường Tuy nhiên theo lương Y Bùi Hồng Minh phó chủ tịch hội Đông Y Quận Ba Đình, cho biết thì đúng là vào mùa hè, nhiều người chọn giải pháp nằm dưới đất vì nghĩ đất mát, dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, việc nằm ngủ dưới đất lợi thì ít mà hại thì nhiều. Thông thường trong đất, hơi ẩm rất lớn nên người ngủ dễ bị nhiễm ẩm từ đất bốc lên khiến cơ thể nặng nề, mệt mỏi khi ngủ dậy.
Điều đáng nói, nếu ngủ dưới nền đất nhiều, hơi ẩm có điều kiện tích tụ trong cơ thể lâu có thể gây ảnh hưởng đến kinh lạc, khí huyết của con người sẽ xuất hiện dấu hiệu bệnh lý, nhẹ thì có thể chỉ là mỏi mệt, đau nhức người, nhưng nặng hơn thì nằm ngủ dưới nền đất có thể dẫn đến một số bệnh như cảm, ho có đờm...