Kinh tế xã hội hôm nay

Quán trọ ở Sài Gòn miễn phí tất cả giữa dịch Covid-19

Mạng xã hội chia sẻ địa chỉ cho người vô gia cư, người già không nơi nương tựa nương náu miễn phí giữa dịch Covid-19, nhận được nhiều bình luận ấm áp. Đó là quán trọ Trăng Khuyết ở con hẻm nhỏ Bến Bình Đông (P.14, Q.8, TP.HCM).

Dành cho các cụ ông

Trước cửa “quán trọ” là hàng chữ màu đỏ ghi rõ: “Quán trọ Trăng Khuyết: Cứu trợ, chăm sóc người già vô gia cư trên 65 tuổi, không nhà, không người thân, không kế sinh nhai”. Chúng tôi dừng xe, chưa kịp đọc hết thì ông Trịnh Quang Hùng (63 tuổi), nhà gần đó, chạy ra giới thiệu là người chăm nom “quán trọ” thời điểm này.

Ông Hùng cho biết đã gắn bó với nơi này hơn 2 tháng nay từ khi “quán trọ” được thành lập. Người sáng lập quán trọ là anh Nam đã nhờ ông trông coi nơi này lúc anh không có mặt. “Tôi làm xe ôm ở đây, sẵn có thời gian thì trông coi chỗ này luôn. Nhiều người nói tôi làm lãnh lương tháng, mà đâu có. Tôi tự nguyện làm miễn phí vì nghĩ công việc của mình có ý nghĩa”, ông tự hào kể.

Quán trọ là một ngôi nhà chung rộng hơn 100 m2, có gác lửng với nội thất đầy đủ. Khu nhà được chia làm 2 gian, phía trước rộng nhất là nơi đặt những chiếc giường cho “khách” nằm nghỉ ngơi, có thêm TV, đồng hồ treo tường và vài chiếc ghế đẩu.

Gian phía sau là nơi để nấu nướng, tắm giặt với đầy đủ thực phẩm được dự trữ. Chỉ vào những chiếc lu to đặt ở đây, ông Hùng giúp chúng tôi phân biệt đâu là lu gạo, đâu là lu đựng “lương khô” như mì gói, phở, hủ tiếu… rồi vỗ vào những bao gạo chất đầy ở gian nhà giới thiệu: “Ngoài thực phẩm do chủ quán trọ chuẩn bị thì có nhiều nhà hảo tâm cũng đến cho. Ở đây từ bếp núc, chén bát, đồ ăn thức uống không thiếu bất cứ một thứ gì”.

Theo ông Hùng, quán trọ có tổng cộng 15 giường, tương ứng là 15 ngăn tủ có ổ khóa cẩn thận cho những người đến ở để đồ dùng cá nhân. Quán dành cho những người đàn ông lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn và hiện bên trong chỉ có 2 người, một người 65 tuổi và một cụ hơn 86 tuổi sức khỏe yếu. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều khu vực xung quanh quán trọ trở thành nơi phong tỏa nên nơi đây tạm thời không nhận người đến ở để đảm bảo an toàn.

Ông Quyền chăm sóc cụ ông ở cùng như cha mình

Những “lữ khách” thương nhau mà sống

Một trong 2 người đang ở “quán trọ” là ông quyền. thấy chúng tôi ghé thăm, ông niềm nở kể ông sống đơn thân, trước thuê trọ ở q.tân phú và làm bảo vệ cho một quán ăn sống qua ngày. dịch covid-19 ập tới, ông mất việc, không tiền thuê nhà nên phải ra đường sống vất vưởng 1 tuần, ai cho gì ăn đó.

“Tình cờ anh Nam chủ chỗ này thấy hoàn cảnh của tôi vậy nên đưa về đây. Sống ở đây hơn 1 tháng, tôi không thiếu thốn gì. Nhưng mà giờ dịch tôi chưa có việc làm, khi nào nguôi nguôi thì tôi tìm việc để nhường chỗ cho những người khó khăn hơn dù ở đây không giới hạn chỉ được ở bao lâu cả. Nó như một quán trọ cho lữ khách vậy”, ông tâm sự.

Cụ bà bật khóc giữa siêu thị 0 đồng cho người nghèo giữa dịch Covid-19

Ở cùng ông Quyền là một cụ ông 86 tuổi sức khỏe yếu. Ông Quyền nói đôi lúc cụ ông không tỉnh táo vì bệnh người già. Vậy là người đàn ông này xem ông cụ như cha mình mà chăm sóc, từ nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ và đôi khi còn tắm rửa cho cụ. Tuần nào cũng vậy, những người điều hành quán trọ đều cho người chở thực phẩm tới để hỗ trợ.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi có 3 phụ nữ đến tặng gạo cho “quán trọ”. Chị Mỹ Dung (50 tuổi, Q.Bình Thạnh) nói mình và các chị em biết đến nơi này qua mạng xã hội, nay đến thăm cũng như “phát tâm”. “Chỗ này ý nghĩa thật, tôi tin khi dịch bớt nó sẽ làm ngôi nhà ấm áp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt”, chị nói.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, quán trọ là một trong những hoạt động của tổ chức từ thiện nhân đạo Trăng Khuyết thực hiện các hoạt động cứu trợ trực tiếp liên quan đến bữa ăn, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các cụ già không nơi nương tựa và trẻ em bị bỏ rơi.

Mạng Y Tế
Nguồn: Thanh niên (https://thanhnien.vn/doi-song/quan-tro-o-sai-gon-mien-phi-tat-ca-giua-dich-covid-19-1408751.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY