Bnews Bất cứ ai đến thăm quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva đều bị cuốn hút với bức phù điêu hình ảnh Bác Hồ và dòng chữ dịch sang tiếng Nga: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Bất cứ ai đến thăm quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva của Liên bang Nga đều bị cuốn hút và có ấn tượng sâu sắc với bức phù điêu hình ảnh Bác Hồ và dòng chữ khắc câu nói nổi tiếng của Người được dịch sang tiếng Nga: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Đó là tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nhân dân, Viện sĩ Viện hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô Vladimir Efimovich Tsigal. Ông là tác giả của nhiều tượng đài ở các thành phố lớn của nước Nga như Matxcơva, Novorosisk, Saint- Peteburg và nhiều công trình điêu khắc khác ở Đức, Áo, Nhật Bản, Ajecbaijan.
Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, ý tưởng và cấu trúc của tác phẩm điêu khắc này rất độc đáo, không giống với những tượng đài khác. Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mỉm cười, được khắc nổi trên tấm đồng hình tròn khổng lồ, cùng hình tượng chàng trai Việt Nam đang ở tư thế chuẩn bị bật dậy và phía sau là cây tre - hình ảnh thân thuộc đối với tất cả người Việt, đã được biết tới ở Nga và nhiều người dân thủ đô Moskva.
Vòng tròn là hình tượng mặt trời của Việt Nam, tiềm ẩn mơ ước về một nước Việt Nam với tương lai tươi sáng. Phía sau là hai cây tre uốn cong, dường như chúng đang cố gắng gồng mình chống chọi với bão táp. Cây tre là loài cây đặc trưng của Việt Nam, nó có thể bị uốn cong, nhưng khó bị bẻ gãy, giống như ý chí và sức mạnh Việt Nam. Chàng trai Việt Nam trong tác phẩm là một chàng trai khỏe mạnh, đang trong tư thế chuẩn bị xuất phát trên con đường hướng tới tương lai, như muốn nói Việt Nam đang vươn mình đi lên xây dựng tương lai no ấm trong hòa bình.
Có thể nói, mỗi chi tiết được nhà điêu khắc Tsigal thể hiện trên bức phù điêu Hồ Chí Minh đều mang ý nghĩa sâu sắc, xuất phát từ sự hiểu biết, từ tấm lòng ngưỡng mộ của tác giả đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Tác phẩm này là kết quả lao động sáng tạo nhiều năm của ông. Từ lúc ấp ủ lý tưởng, đến lúc bắt tay phác thảo dự án đầu tiên, sau đó lại hoàn thiện dự án lần thứ hai với những cảm xúc mới, những nhận thức mới sau khi tác giả lần đầu tiên đến thăm Việt Nam vào năm 1985.
Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga, Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương Nguyễn Đăng Phát là một trong những nhân chứng chứng kiến lịch sử công trình nhiều ý nghĩa này. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông cho biết, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva được lên kế hoạch xây dựng từ trước nhưng được khánh thành ở cuối thời Liên Xô, tức là khi Liên bang Xô-viết và Đảng Cộng sản Liên Xô đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng, rồi Đảng bị giải thể, Liên Xô tan rã.
“Quá trình xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp nhiều khó khăn ở thời kỳ Liên Xô sắp sụp đổ. Tôi rất nhớ chuyện này vì những năm đó tôi là phóng viên TTXVN thường trú ở Liên Xô. Đã có những cuộc biểu tình của lực lượng gọi là “dân chủ mới” ở Liên Xô lúc đó phản đối xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng những người cộng sản chân chính ở Moskva, ở Liên Xô và những người bạn của Việt Nam đã kiên quyết ngăn chặn mọi toan tính của lực lượng “dân chủ mới” đó và Tượng đài đã được khánh thành trang trọng” – nhà báo Nguyễn Đăng Phát nhớ lại.
Theo ông, sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga độc lập thì cũng đã có những thời điểm lực lượng cực đoan, tự xưng là “dân chủ”, đã phản đối, đòi không được đặt tên quảng trường Hồ Chí Minh và không được để tượng đài Người. Song, họ là số ít. Lực lượng cánh tả Nga, những người yêu nước Nga, những người bạn của Việt Nam, những người quý trọng tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Nga, đã bảo vệ Quảng trường, bảo vệ Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm thất bại hoàn toàn những mưu toan của lực lượng cực đoan đó.
Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đã sớm tiếp thu chủ nghĩa Lê-nin, ủng hộ và đi theo Cách mạng Tháng Mười, đưa Đảng ta và Cách mạng nước ta đi theo con đường của Lê-nin. Việt Nam và Liên Xô đã gắn bó với nhau, là đồng minh của nhau. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh được vinh danh ở Liên Xô, trên quê hương Lê-nin, quê hương Cách mạng Tháng Mười là điều dễ hiểu”.
Trên tinh thần đó, lãnh đạo Hội hữu nghị Việt-Nga khẳng định Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Người ở Moskva là biểu tượng về tình hữu nghị quý báu Việt-Xô/Việt-Nga, là một dấu son gắn kết truyền thống với hiện tại, đồng thời cũng có ý nghĩa hướng tới tương lai của mối quan hệ Việt-Nga ngày càng phát triển.
Kể từ ngày 19/5/1990 khi tượng đài Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc V.Tsigal ở Moskva được khánh thành, Quảng trường Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ gần gũi và thân quen đối với những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước Nga. Nơi đây còn là điểm đến ưa thích của nhiều người dân thủ đô Nga. Mặc dù thành phố Moskva đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, mỗi buổi chiều người dân sống ở khu vực xung quanh quảng trường vẫn tới đây đi dạo và tận hưởng không gian yên bình tại đây.
Anh Aleksandr Zhurnin – người dân Moskva chia sẻ: “Một bức tượng rất khác biệt về mặt bố cục cũng như ý tưởng của tác giả điêu khắc. Một giải pháp hết sức độc đáo! Bức tượng khắc họa rõ nét chân dung một nhà lãnh đạo cộng sản thông thái và luôn dành suy tư, tình cảm cho người người dân của mình”.
Theo anh, quảng trường Hồ Chí Minh là điểm đến thú vị cho những người yêu thích các di tích và ưa khám phá những điều mới lạ.
Chị Olga Ivanovna – một người dân sống gần ga tàu điện ngầm Akademicheskaya, nói: “Ngày nào tôi cũng đi làm qua nơi này. Tượng đài này rất khác biệt, luôn thu hút sự chú ý của mỗi người. Nơi này luôn được bảo vệ và chăm sóc chu đáo”. Ngoài ra, trên trang diễn đàn du lịch Tripadvisor.ru có nhiều ý kiến đánh giá tích cực về điểm đến quảng trường Hồ Chí Minh.
Thành viên Andrey Z., chia sẻ: “Đối với tôi, tên Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì nền độc lập của mình. Khi là sinh viên trường đại học Y ở thành phố Voronezh, tôi học cùng với nhiều bạn học người Việt Nam. Họ từng tham gia chiến tranh, bị thương và sau đó được cử đi học ở Liên Xô. Họ kể với tôi nhiều điều tuyệt vời về vị lãnh đạo của họ cũng như những phẩm chất cao quý của ông ấy. Họ rất yêu quý vị lãnh tụ của mình”.
Quảng trường Hồ Chí Minh tại Moskva còn là đề tài làm văn đối với các học sinh trung học của thủ đô Nga. Trên cổng thông tin điện tử của thành phố Moskva (mos.ru) chúng tôi bắt gặp bài viết của em Maria Evghenievna - học sinh lớp 7, trường phổ thông số 199, quận Akademichesky.
Trong bài văn với tiêu đề “Quảng trường Hồ Chí Minh”, em Maria Evghenievna mô tả chỉ tiết về Quảng trường Hồ Chí Minh. Tại đây có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng đồng đặt trên nền đá hoa cương rất độc đáo. Thiết kế tượng đài rất ấn tượng. Đó là hình ảnh một nam thanh niên đang vươn mình dậy và hướng mắt nhìn về phía mặt trời.
Ở chính giữa hình tròn tượng trưng cho Mặt trời là hình ảnh điêu khắc gương mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở mặt sau có hình ảnh loài hoa đặc trưng của vùng nhiệt đới và hai cây tre. Ở phía dưới chân tượng có khắc dòng chữ là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Maria Evghenievna viết: “Mỗi người dân Moskva có cảm nhận và đánh giá khác nhau về tượng đài này. Thậm chí có người ví von so sánh hình tròn trên tượng đài với hình ảnh của chiếc đĩa bay. Nhưng, đối với những người bạn của Việt Nam – các chuyên gia quân sự Liên Xô, nơi đây là địa điểm gặp gỡ đặc biệt ý nghĩa. Hàng năm, vào ngày 19/5, lúc 10 giờ sáng, họ cùng nhau tập trung ở đây không cần phải thông báo và tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong bài viết Maria Evghenievna cho biết Quảng trường Hồ Chí Minh với vị trí rộng rãi, thoáng đãng, là nơi diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng của quận Akademichesky: từ hòa nhạc năm mới đến các hoạt động tri ân các cựu chiến binh của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Gần 40 năm đã trôi qua kể từ khi công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường mang tên Người được khởi công xây dựng và hoàn thành trong nhiều năm. Ngày nay, đây là một trong những công trình quy mô nhất và ấn tượng nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại LB Nga, là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước, niềm tự hào của mỗi người Việt Nam đang sống, học tập và làm việc tại xứ sở Bạch dương./.
Chủ đề liên quan:
bức phù điêu hình ảnh Bác Hồ công trình Hồ Chí hồ chí minh Hữu nghị Không có gì quý hơn độc lập tự do liên bang nga Moskva quảng trường Hồ Chí Minh quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh Thủ đô Moskva tình hữu nghị trường Viện hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô