Trước đây, nhắc đến tây nguyên hùng vĩ, người ta hình dung đến mảnh đất cao nguyên với những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh, muông thú tung tăng trong rừng. thế nhưng, chỉ vài năm sau đã thấy khu rừng lõm bõm chỗ xanh, chỗ đỏ (nơi những cây gỗ quý bị người ta “xẻ thịt” trơ lại gốc trên nền đất đỏ ba-zan); cũng chẳng thấy bầy vượn hồn nhiên ra đường đùa nghịch, bắt chấy cho nhau, chúng lẩn trốn đâu rồi. thêm vài năm sau nữa đã thấy đất đai bị rửa trôi nhiều hơn khi mùa mưa đến.
Vùng đất cao nguyên trung bộ, nơi mà những năm 90 của thế kỷ trước, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quốc tế, nó vẫn còn là một trong 18 địa danh hoang sơ nhất...
Chỉ “mấy mùa rẫy” (theo cách tính năm của người Jrai nơi đây) mà bạt ngàn gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ theo quy mô “công nghiệp nặng” bằng những chiếc cưa lốc với đủ kiểu lưỡi cưa. Dù loại nào thì những “cỗ máy hủy hoại màu xanh” này đều dùng thứ nhiên liệu là xăng pha nhớt. Khi động cơ rít lên, nếu ở gần, tiếng gầm vang như trong xưởng chế biến gỗ; ở xa nghe như tiếng bầy ong vò vẽ vỡ tổ vần vũ. Nếu nói sự tiến bộ của công cụ sản xuất biểu hiện trình độ chinh phục tự nhiên của con người, thì những chiếc cưa lốc này nâng cao năng suất thật kinh khủng. Nếu dùng cưa tay, hai thanh niên sức khỏe thuộc loại “vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu” đưa đi kéo lại thì một thân cây đường kính cỡ hai người ôm phải mất một buổi mới hạ xong; nhưng nếu dùng “cỗ máy văn minh” này chỉ một buổi thôi là lâm tặc có thể đốn hạ 15-20 cây cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi chỉ với một người cầm cưa.
Khi rừng còn nhiều, những kẻ hám lợi ưu tiên “xẻ thịt” những loại nhóm I, nhóm II như trắc, cẩm, ka te, đinh hương, gụ... Khi gỗ quý cạn dần, những kẻ ăn cướp rừng mới chuyển sang những loại “bình dân” như bằng lăng (săng lẻ), cà chít, dầu... Con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, rừng khai thác lắm cũng cạn kiệt. Đến khi “rừng ta” (rừng trên đất Việt Nam) không còn màu mỡ để trục lợi, các đầu nậu gỗ lậu chuyển hướng sang khai thác rừng nơi lân cận.
Nghe đâu cũng đã có chuyện thanh toán nhau giữa các băng nhóm lâm tặc tưởng như chỉ có trong phim xã hội đen Hồng Kông chỉ vì tranh chấp giành giật lãnh địa khai thác rừng. Bọn chúng vào rừng đâu chỉ có rơ-moóc, ôtô, xe máy, cưa lốc thôi đâu, một số đối tượng còn thủ sẵn hung khí “lạnh gáy” như đao, mã tấu, dao bấm... để khi cần sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng hoặc dằn mặt nhau.
Khi tỉnh G chủ trương khai hoang rừng nghèo để trồng cao su, không ít doanh nghiệp và đầu nậu gỗ lậu đã mở cờ trong bụng, bởi họ thấy trước miếng lợi to lớn từ “vùng đất hứa”. Trước, trong số đó có kẻ là lâm tặc phải làm ăn chui lủi. Nay, chúng được dịp ngang nhiên khai thác dưới cái mác doanh nghiệp này nọ hẳn hoi. Hôm trước ban hành chủ trương, hôm sau đã có hàng chục chiếc xe đủ loại, từ công nông đến siêu trường siêu trọng như xe công-ten-nơ, máy ủi, xe tời cẩu với đội quân khai hoang lên đến hàng trăm người, dựng thành hàng chục cái lán tạm bợ để chia nhau khai thác “rừng nghèo”. Bởi trước đó, các doanh nghiệp và đầu nậu đã kịp “đánh mùi” chủ trương và đã “lopby” hết cả rồi.
Thoạt đầu, nghe chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo sang phát triển cao su”, tôi cứ đinh ninh “rừng nghèo” ở đây là rừng cây bụi, rừng thứ sinh chất lượng thấp ở phía bìa rừng, vì thế yên tâm là tiếng vo ve suốt ngày của đám “ong vò vẽ” không vọng vào sát đơn vị và mình có thể tập trung làm việc, ngủ nghỉ, hít thở bầu không khí yên tĩnh giàu ôxy (tôi bị viêm xoang nên rất dễ bị dị ứng với cái mùi xăng pha nhớt ấy). Nhưng khi chứng kiến những thân cây bằng tuổi một đời người thi nhau đổ rầm rầm, cái khí chất trầm trong tôi bỗng thảng thốt: Trời! Đây mà là rừng nghèo sao!?
Một cán bộ kiểm lâm rỉ tai tôi, con gì của rừng thịt cũng ngon, ngọt, bổ, bởi nó ăn lộc rừng, uống nước suối tinh khiết trong rừng. Rồi anh ta kể vanh vách menu các món thịt rừng cứ như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy. Nào là thịt nai sấy khô uống với bia “vào phải biết”, thịt nai nhúng bia, món lòng đắng nai thì hết ý, cao gạc nai không hề thua kém các loại cao khác, chân nai hầm cháo cho phụ nữ mới sinh con lợi sữa lắm, đuôi nai cái dùng ngâm rượu thì đảm bảo “một người khỏe, hai người vui”. Nào là thịt nhím xào sả ớt ngon miễn chê.
Tôi từng nghe một tên lâm tặc còn có chút “thiên lương” tên Bình, quê ở Bố Trạch (Quảng Bình) kể lại câu chuyện khiến tôi vừa rùng mình, vừa uất ức, xót thương cho con vật xấu số. Đó là lần đồng bọn hắn bẫy được một cặp mẫu tử voọc Chà Vá mới sinh con lúc voọc mẹ ẵm voọc con đang bám ngậm bầu vú mẹ đi kiếm ăn. Lúc ấy, hắn đang xẻ những phách căm xe (một loại gỗ nhóm II cứng như lim) trong rừng theo đơn đặt hàng của một đại gia phố núi để đóng cửa ngôi biệt thự. Anh bạn tôi tưởng bọn chúng sẽ đưa mẹ con cá thể voọc về nuôi, hoặc bán cho những kẻ lắm tiền để “kiếm thêm chút đỉnh” gửi về cho bà xã. Nhưng không, bọn chúng quyết thịt voọc mẹ làm mồi nhậu một cách thản nhiên như “xẻ thịt” những cây gỗ quý cổ thụ trong rừng.
Khi Bình về tới lán thì mồi đã được bày ra mâm. Đồng bọn Bình kể chuyện hành quyết voọc mẹ, như linh cảm được cái ch*t đang cận kề, nó chắp tay vái lạy van xin liên hồi, nước mắt giàn giụa. Kể đến đây, Bình bỗng chùng đũa. Đồng bọn hắn cho biết, từ đó trở đi, hắn không còn tham gia các phi vụ trong rừng nữa, về quê trồng mấy héc-ta cây xanh phủ kín quả đồi trọc nơi hắn ở. Và mỗi khi ai đó mời hắn nhậu thú rừng, hắn bỗng rùng mình rồi tránh xa. Có lần, dân làng bẫy được con khỉ mẹ định nấu cao, hắn nằng nặc mua cho bằng được rồi chạy sang hàng xóm vay tiền mua. Đêm đó, chờ trời tối, hắn vào rừng sâu của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phóng sinh khỉ mẹ.
Hồi tôi mới lên đây công tác, mỗi dịp Tết đến, các đoàn khách đến thăm, chúc Tết nhiều lắm. Các thiếu nữ thị thành, nhất là các cô ở TP. Hồ Chí Minh lên giao lưu kết nghĩa với đồn cứ đòi các anh lính biên phòng dẫn dạo chơi trong rừng. Lý do khiến các cô thích vào rừng là muốn thưởng ngoạn và hái phong lan rừng, những dây hoa lộc vừng tím đỏ đong đưa trong nắng gió cao nguyên, ngồi trên đá dưới tán bằng lăng ngắm suối mát trong veo chảy róc rách, cá tung tăng bơi lượn dưới nắng chiều.
Nhưng Tết năm nay, khung cảnh kia chỉ còn trong ký ức. Thương cho các cô gái xinh đẹp lặn lội từ phương Nam nóng nực lên đây mà không được vào rừng pic-nic, bởi muốn tìm một bóng mát rộng đủ cho mươi người tán chuyện giờ đây cũng khó, mà đi dạo giữa tiết trời nắng thì tội các cô. Những chàng trai chưa vợ như tôi cũng lấy làm tiếc khi không tìm ra nổi một nhánh lan rừng để tặng các cô gửi gắm nỗi niềm. Cổ thụ bị đốn hạ lấy gỗ không còn chỗ cho phong lan ký gửi, nếu có chăng thì cũng bị những kẻ “ăn trộm rừng” khai thác chở về phố bán hoặc tải về nhà làm cây cảnh. Lộc vừng hay sung rừng cũng vậy, chúng cũng bị những đầu nậu cây cảnh lùng sục không tha, bởi một dáng cây đẹp khi vận chuyển trót lọt về phố có giá hàng chục triệu đồng.
Tôi nhớ có lần chỉ huy đội tuần tra, toàn đội dừng chân giải lao lưng chừng đèo. Khi thấy những chùm phượng vĩ cháy đỏ một góc rừng biên giới, cậu lính trẻ khẽ ngân lên mấy câu thơ nghe da diết, thân thương lạ: Mùa hoa phượng nở khó quên/ Ai đem cánh thắm rải trên đường về/ Chao ôi cái nắng mùa hè/ Làm cho ly biệt bạn bè xa nhau.
Nhưng giờ đến loài phượng rừng tưởng không mấy giá trị kia cuối cùng cũng chịu cảnh “gốc ơi ở lại, thân đi nhé”. “Săn” hết đinh hương, gụ (gõ) làm lục bình, người ta phát hiện cây phượng rừng nếu tiện làm lục bình hay lọ hoa sẽ cho vân rất đẹp, mà giống này thì nơi đây có khá nhiều. Lần này, nghỉ giải lao cũng tại chốn cũ, trong tiếng ve rền rĩ, tôi thấy cậu lính ấy dõi mắt thẫn thờ tìm sắc phượng rừng để nhớ về mối tình xưa mà tìm hoài không thấy...
Có lần làm dân vận, tôi bàng hoàng, sửng sốt khi thấy một phụ nữ Jrai mới sinh con đầu lòng được vài ngày đã lên nương, giặt giũ mà chẳng kiêng khem gì. Anh bạn đi cùng rỉ tai tôi bảo, đồng bào ở đây có bài Thu*c gia truyền bằng cây rừng hay lắm, dùng cho bà đẻ mà không cần kiêng cữ như người Kinh mình. Ba năm sau, chị ta sinh đứa thứ hai, tôi cũng xuống thăm nhưng không thấy chị lên nương như lần trước, dù đang mùa thu hoạch mỳ. Qua giọng nói đượm buồn xen lẫn hoài niệm của chị, tôi mới hay, thì ra, rừng bây giờ hết rồi nên những cây dược liệu quý hiếm trước đây không còn nữa, hoặc không đủ vị của bài Thu*c; muốn có phải đi xa, xa lắm...