(HNM) - Thời tiết năm nay diễn biến bất thường, phức tạp và được dự báo có thể xuất hiện những trận mưa không theo quy luật. Để sẵn sàng tiêu thoát nước trong mùa mưa, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) đã tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các máy bơm, nạo vét hệ thống thoát nước; đồng thời chủ động xây dựng phương án bảo đảm thoát nước, chống úng ngập nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu.
Mùa mưa năm nay đang đến gần. Những ngày này, công nhân của Công ty Thoát nước Hà Nội đang khẩn trương hoàn tất các công việc cuối cùng của kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Tại sông Tô Lịch (đoạn qua phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), các công nhân của Xí nghiệp Thi công cơ giới và Xây lắp đang hút bùn đất đóng thành lớp dày dưới lòng sông. Trời nắng nóng, công việc càng thêm vất vả khi phải mặc trên người bộ đồ chống nước, dầm mình dưới dòng nước ô nhiễm, bốc mùi nồng nặc. Tổ trưởng Tổ cơ giới 11 (Xí nghiệp Thi công cơ giới và Xây lắp) Nghiêm Văn Huynh cho hay, sông Tô Lịch là sông hở nên đất cát khi mưa chảy xuống, cộng với rác thải do người dân ném vào... gây cản trở dòng chảy. Vì vậy, việc nạo hút bùn đất, vớt rác thải trên sông được xí nghiệp làm thường xuyên, để bảo đảm dòng chảy thông thoáng.
Còn tại điểm thường xảy ra úng ngập ở ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), việc nạo hút bùn các ga thu cống ngang cũng đang được Tổ duy trì số 5, Xí nghiệp Thoát nước số 1 triển khai. Tổ trưởng Tổ duy trì số 5 Nguyễn Đức Hùng thông tin, theo quy trình, các ga thu cống ngang được nạo vét mỗi tháng/lần. Tuy nhiên, với các điểm úng ngập, việc hút bùn, nạo vét ga thu cống ngang phải làm trước và sau mưa nhằm kiểm soát thu nước tốt nhất.
Bên trong công viên Indira Gandhi (quận Ba Đình), Xí nghiệp Thoát nước số 4 đang nạo vét, hút bùn cống hộp cuối trục thoát nước chính của các phường: Ngọc Khánh, Thành Công, trước khi nước đổ về hồ điều hòa trong công viên. Theo Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 4 Đỗ Duy Thao, thông thường, đơn vị sử dụng phương tiện cơ giới nạo vét, hút bùn. Song, với các điểm sâu trong ngõ xóm, khu dân cư, xe cơ giới không thể vào được, bắt buộc phải làm thủ công. Công nhân phải chui xuống lòng cống xúc bùn, kéo lên các xe gom để chở đi... “Là trục thoát nước chính của khu vực nên lượng bùn cần thanh thải trong lòng cống rất lớn”, ông Đỗ Duy Thao nói.
Quyền Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh cho biết, dự báo năm 2022, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường. Do đó, ngay sau khi kết thúc mùa mưa năm 2021, công ty đã bảo dưỡng, sửa chữa ngay hệ thống máy bơm; nạo vét, hút bùn tại các cống, kênh, mương, làm thông thoáng hệ thống thoát nước... Đến thời điểm này, các trục thoát nước chính, điểm úng ngập đều được nạo vét, hút bùn, bảo đảm dẫn dòng tiêu thoát nước về các hồ, cũng như điều tiết nước về Trạm bơm Yên Sở nhanh nhất khi xảy ra mưa lớn. Các trạm bơm trên hệ thống cũng đã bảo dưỡng, sửa chữa xong. Toàn bộ mực nước đệm trên hệ thống thoát nước đã được hạ thấp để chủ động đề phòng những trận mưa lớn.
Theo ông Phan Hoài Minh, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/2 giờ, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng thấp. Với các trận mưa 50-100mm/2 giờ, dự kiến tồn tại 11 điểm úng ngập. Công ty đã xây dựng kế hoạch thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2022 với các giải pháp cho từng lưu vực.
Cụ thể, với lưu vực sông Tô Lịch, bên cạnh tăng cường duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa, kiểm soát mực nước đệm trên hệ thống, công ty đã xây dựng kế hoạch ứng trực chi tiết, triển khai lực lượng tại điểm úng ngập khi có mưa. Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư đang có công trình, dự án thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, như: Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trên sông Tô Lịch, Lừ, Sét, mương N1, N2...; dự án xây dựng nhà ga đường sắt đô thị S12 (ngã ba Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo); dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3..., thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, phá dỡ đập quây khi có mưa.
Với lưu vực sông Nhuệ, lưu vực Long Biên, do các khu vực này hệ thống thoát nước chủ yếu là tự tiêu, tự chảy nên bên cạnh tăng cường duy trì thường xuyên hệ thống thoát nước, công ty liên hệ chặt chẽ với Sở NN&PTNT Hà Nội và các đơn vị thủy lợi trên địa bàn thống nhất quy trình phối hợp khống chế mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây, tạo điều kiện cho việc tiêu thoát nước của lưu vực các con sông này.
Ngoài ra, công ty cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành thoát nước nhằm chủ động chỉ đạo, phối hợp giữa các đơn vị vận hành hệ thống cửa phai, trạm bơm để hạ mực nước trên hệ thống, sẵn sàng ứng phó khi dự báo có mưa trên địa bàn thành phố Hà Nội.