Cò phạt là bản có 100% đồng bào dân tộc đan lai sinh sống, nằm ở vùng lõi vườn quốc gia pù mát, thuộc địa bàn xã biên giới môn sơn, huyện con cuông. từ trung tâm bản cò phạt đến trung tâm xã môn sơn phải đi hết 15 km đường rừng gồ ghề sỏi đá, mặt đường nhiều đoạn trơn trượt, dốc đứng với một bên là núi, một bên là vực sâu.
Chỉ 15km nhưng phải mất gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ mới có thể vượt qua bởi nhiều đoạn người đi đường phải xuống xe dắt bộ vì quá dốc và trơn trượt. Từ trung tâm bản Cò Phạt, để đến được nhà của em Ngân Văn Trọng phải băng qua tầm 3 km của con đường dốc đứng, nhiều khúc cua.
Ngân Văn Trọng năm nay học lớp 3 Trường Tiểu học Cò Phạt, em là 1 trong 4 học sinh được Đồn Biên phòng Môn Sơn nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường” mà Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều năm nay. Đều đặn từ năm 2019 đến nay, gia đình em Ngân Văn Trọng được nhận mỗi tháng 500 ngàn đồng.
Một góc bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông).
Đó là số tiền mà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Môn Sơn quyên góp từ chính đồng lương của bản thân. Chúng tôi đến nhà Ngân Văn Trọng vào buổi chiều một ngày giữa tháng 5/2020, trời nắng như đổ lửa. Ngân Văn Trọng được nghỉ học buổi chiều vì đang trong thời gian thực hiện học giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19.
Đã liên lạc trước, anh Ngân Văn Kinh, bố của Ngân Văn Trọng, vui vẻ ra tận cổng đón “khách”. Vừa bước vào nhà, trông thấy Thiếu tá Võ Văn Hiệp, Ngân Văn Trọng lập tức khoanh tay trước ngực và cất tiếng chào “Con chào bố Hiệp”. Nhờ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động chương trình “Nâng bước em tới trường” trong toàn thể cán bộ chiến sĩ , em Ngân Văn Trọng có thêm một người bố biên phòng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn thăm hỏi các gia đình có con được đồn nhận đỡ đầu tại bản Cò Phạt; Thiếu tá Võ Văn Hiệp hướng dẫn con nuôi biên phòng Ngân Văn Trọng học bài.
Thiếu tá Võ Văn Hiệp ân cần khen con ngoan và hỏi han tình hình học tập của Trọng. Hai “bố con” trò chuyện rất thân tình, cởi mở chẳng khác người trong một nhà. Trong căn nhà dựng bằng tranh tre, nứa lá của gia đình anh Ngân Văn Kinh chẳng có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc bàn học tập và chiếc giường dành cho cả gia đình nghỉ ngơi mỗi ngày.
Chị La Thị Định, mẹ của Trọng, chỉ chiếc bàn học dựng ở góc nhà cho biết, các chú bộ đội không chỉ hỗ trợ gia đình mỗi tháng 500 ngàn đồng, mà còn tặng bàn học, cặp sách, áo quần cho cháu. “Mấy năm nay nếu không có sự quan tâm của Đồn Biên phòng Môn Sơn thì Ngân Văn Trọng chắc sẽ không có cơ hội đến trường vì nghèo đói. Trọng còn 2 anh chị đã học lớp 8, lớp 9 và cũng được đồn biên phòng và nhà trường nuôi ăn học” – anh Ngân Văn Kinh chia sẻ.
Đồn Biên phòng Môn Sơn ngoài nhận đỡ đầu 4 học sinh ở hai bản Cò Phạt, bản Búng thì còn nhận nuôi 4 học sinh đang ăn học tập trung tại trường nội trú dành cho học sinh người Đan Lai ở trung tâm xã Môn Sơn. “Tại khu nội trú có 60 học sinh con em đồng bào Đan Lai, đồn cắt cử 3 cán bộ, chiến sỹ ăn ở, sinh hoạt cùng để hướng dẫn kỹ năng sống, nề nếp sinh hoạt và bảo vệ an ninh, an toàn để các em yên tâm học hành. Bên cạnh đó, hàng năm đồn còn kêu gọi các công ty doanh, nghiệp ủng hộ tiền, quà để hỗ trợ các cháu trong ăn ở, sinh hoạt và học tập” – ông Vi Văn Tụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Môn Sơn cho biết.
Không chỉ ở Đồn Biên phòng Môn Sơn, mà cá nhân lãnh đạo cùng các phòng, ban chuyên môn thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn toàn tỉnh đều triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” một cách hiệu quả, thiết thực, giúp cho hàng trăm học sinh nghèo được viết tiếp ước mơ đến trường.
Ví như em Trần Vũ Thùy Trang, lớp 7B Trường THCS Quỳnh Long bố mất vì bệnh hiểm nghèo, một mình mẹ nuôi hai chị em Trang với số nợ gần 1 tỷ đồng, gia đình lâm vào túng quẫn. Nhờ được Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đỡ đầu mà Trang mới có cơ hội tiếp tục đi học.
Hoặc như hai chị em Nguyễn Thị Thanh Tuyền, học sinh lớp 8A5 Trường THCS Hải Hòa, phường Nghi Hải, TX Cửa Lò. Tuyền và chị gái mồ côi cả bố và mẹ từ khi còn nhỏ, ở với bà ngoại đã hơn 70 tuổi. Ba bà cháu không có nhà ở, phải mượn đất dựng tạm căn nhà nhỏ trên địa bàn phường, bà đi làm thuê nuôi hai cháu ăn học. “Bà nay đã già yếu, may mắn nhờ có các chú bộ đội ở Hải Đội 2 hỗ trợ tiền học hàng tháng hai cháu tôi mới có cơ hội đến trường. Các cháu học giỏi, chăm ngoan, bà cháu tôi cảm ơn lắm lắm” – bà Quang Thị Hồng, bà ngoại của em Thanh Tuyền nghẹn ngào chia sẻ.
Ở xã Tam Hợp huyện Tương Dương, ngoài 2 học sinh do Đồn Biên phòng Tam Hợp đỡ đầu thì còn có em Lê Thị Tâm Như, học lớp 5 Trường Tiểu học Tam Hợp. Em Như nhà ở bản Phồng, bố mẹ đã mất năm 2015 trong vụ sát hại tại địa bàn xã Tam Hợp, em sống với ông bà ngoại đã già yếu, là hộ nghèo. Em Lê Thị Tâm Như được Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu, nhờ có mỗi tháng 500 ngàn đồng mà Như mới có thể tiếp tục đến trường.
Để hiểu hơn về những hiệu quả của chương trình “Nâng bước đến trường”, chúng tôi đã có dịp sang cụm bản Loọng Cắng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào thăm gia đình em Kha Văn Keo (còn gọi là Thảo Keo).
Đây là trường hợp học sinh nước bạn Lào được Bộ đội Biên phòng Việt Nam, trực tiếp là Đồn Biên phòng Mỹ Lý, nhận đỡ đầu nhằm giúp em Thảo Keo vượt qua khó khăn, vươn lên học tập với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng.
Căn nhà của gia đình Thảo Keo nằm ở một góc của cụm bản Loọng Cắng lợp tranh tre sơ sài, có phần xiêu vẹo. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường và chiếc bàn nhỏ nơi Keo vẫn ngồi học bài. Sinh năm 2008, Thảo Keo học đang học Trường Trung học cơ sở Xốp Cắng (Lào).
Bố mẹ Thảo Keo ngày ngày đi làm rẫy, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, bữa no bữa đói. “May nhờ có bộ đội biên phòng Việt Nam kết nghĩa với bản, nhà được hỗ trợ số tiền lớn nên con tôi mới được đi học đầy đủ. Cảm ơn bộ đội và chính quyền Việt Nam lắm lắm” – anh Kha Thoong Vắng, bố của Thảo Keo xúc động cho biết.
“Từ tháng 3/2016, ngoài Thảo Keo thì trên địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn còn có 6 em học sinh được các đồng chí Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và 2 em được Đồn nhận đỡ đầu trong học tập, giúp các em vơi phần khó khăn để vững bước đến trường” – Thiếu tá Hoàng Thế Tài, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết. Thảo Keo là 1 trong số 19 học sinh người Lào được bộ đội Biên phòng Việt Nam nhận đỡ đầu, hỗ trợ học tập hàng tháng. Việc làm này không chỉ giúp đỡ trực tiếp các gia đình của nước bạn Lào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, giúp con cái họ có điều kiện để tiếp tục việc học tập mà còn giúp tăng cường tình đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới.
Thực hiện chương trình “nâng bước em tới trường”, ngoài nhận đỡ đầu các em học sinh tại các địa bàn phụ trách, cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng còn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc 17 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các đơn vị. đó là những trường hợp con em các gia đình nơi biên giới mồ côi không nơi nương tựa, hoặc gia đình không có đủ điều kiện nuôi dưỡng khiến việc học tập của các em bị gián đoạn, bỏ dở. các đồn biên phòng đã nhận các em làm con nuôi để chăm chút, giúp các em được viết tiếp ước mơ đến trường.
Tại Đồn Biên phòng Thông Thụ, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh hai cháu học sinh người nhỏ bé nhưng gương mặt thật rạng rỡ cùng ngồi trên chiếc xe đạp để đến trường. Đó là em Ngân Trần Khang lớp 3 và Quang Nhật Linh lớp 5 Trường Tiểu học Thông Thụ. Bố của Ngân Trần Khang đã mất, mẹ thì đi lấy chồng khác nên Khang và em trai nhỏ phải ở với ông bà ngoại đã già yếu.
Còn Quang Nhật Linh cũng là trẻ mồ côi bố, hiện em ở với mẹ, em gái và ông và nội cũng đã mất sức lao động. Từ năm 2019, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã nhận nuôi 2 em, đón 2 em về cùng ăn cùng ở để chăm nom, bày dạy học bài mỗi buổi tối. Cuối mỗi tuần hoặc mỗi tháng các “cha nuôi” lại chở các con về thăm nhà, rồi lại đón trở lại đồn để tiếp tục việc học tập.
Thời gian đầu các em được các “bố” chở đến trường. Đầu năm 2020 các “bố biên phòng” góp tiền mua cho hai con chiếc xe đạp, những ngày thời tiết thuận lợi hai anh em tự chở nhau đến trường. “Em được các bố dạy cách đi xe đạp, được đi xe đến trường vui lắm” – Ngân Trần Khang vui vẻ cho biết.
Nói về mục đích của chương trình “nâng bước em tới trường”, thượng tá trần đăng khoa – phó chính ủy bộ chỉ huy bđbp tỉnh cho biết, chương trình “nâng bước em tới trường” được triển khai từ tháng 3/2016. theo đó, đã có 88 em là những học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đang sinh sống ở các địa bàn, khu vực biên giới tỉnh nghệ an và 19 em học sinh nước bạn lào ở các bản đối diện bên kia biên giới, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa được nhận đỡ đầu.
Bên cạnh đó còn có con em các gia đình chính sách, những người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới, con bộ đội tại ngũ là người dân tộc thiểu số đặc biệt ít người… điều kiện sinh sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng nỗ lực học khá, giỏi cũng được hỗ trợ. Kinh phí thực hiện được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng. Với mỗi học sinh, thời gian nhận đỡ đầu tính từ thời điểm đơn vị nhận đỡ đầu đến khi các em hoàn thành chương trình THPT.
Tính từ thời điểm triển khai tháng 3/2016 đến nay, tổng số tiền mà các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cho các cháu học sinh là hơn 1,6 tỷ đồng, chủ yếu bằng tiền mặt; ngoài ra còn hỗ trợ các cháu quần áo, xe đạp và dụng cụ học tập. Đáng nói, cùng với hỗ trợ tiền, các vật dụng thiết yếu, lương thực…, các đơn vị, cá nhân nhận đỡ đầu còn tích cực tham gia vận động học sinh có ý định bỏ học trở lại trường. Đơn cử trong năm 2017 và 2018 các đơn vị đã vận động được 446 em. Cùng với đó, còn phối hợp chặt chẽ với nhà trường nơi các em học để nắm bắt kết quả học tập để khen thưởng, cũng như nhắc nhở kịp thời, do đó hầu hết các em đều tiến bộ, có ý thức vươn lên. Trong năm học 2017 – 2018, 107/107 em có hạnh kiểm tốt, 23/104 em xếp học lực loại giỏi, 72 em loại khá; em Nguyễn Thị Cẩm Vân, Đồn Biên phòng Diễn Thành nhận đỡ đầu đạt giải Nhì học sinh giỏi môn Văn lớp 9 cấp huyện, em Lô Thị Bia, Đồn Biên phòng Tam Quang nhận đỡ đầu đạt giải Khuyến khích Olympic các môn học lớp 5 cấp huyện; em La Thị Hoa dân tộc Đan Lai ở xã Môn Sơn được Đồn Biên phòng Môn Sơn đỡ đầu đã đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An…
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) thăm gia đình có con được đơn vị nhận làm con nuôi; Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Ải kèm con nuôi học bài mỗi tối tại đơn vị.
“đây là những việc làm nhằm chia sẻ những khó khăn của các em học sinh tại địa bàn biên giới, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sỹ, thể hiện sự tri ân của bđbp với đồng bào các dân tộc trên nơi biên giới, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” – thượng tá trần đăng khoa – phó chính ủy bộ chỉ huy bđbp tỉnh khẳng định.
Hành trình đến với Trường Sa: Rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá
Đến với Trường Sa luôn là tâm niệm mong muốn của mọi người con đất Việt. Nơi ấy, giữa biển trời bao la, quân và dân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc....
Chủ đề liên quan:
biên giới