Học sinh tham khảo sách giáo khoa lớp 1 mới - Ảnh: TỰ TRUNG
Để kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 4% như chỉ Quốc hội đề ra, một nội dung quan trọng được nhiều ý kiến đề nghị tại cuộc họp Ban điều hành giá của Chính phủ hôm 1-7 là phải xem xét vấn đề giá của bộ sách giáo khoa mới.
Về việc giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn bộ sách cũ, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng nguyên nhân là thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành.
Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành. Nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn. Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn. Sách được in màu, chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí sản xuất. Qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính thì giá các bộ sách giảm từ 8-18% so với giá bìa kê khai ban đầu.
Để quản lý giá sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Về lâu dài, Bộ Giáo dục và đào tạo cho hay đang nghiên cứu chỉnh sửa Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, sẽ tách bạch nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ, ví dụ như khâu biên soạn sách giáo khoa.
Về công tác điều hành giá 6 tháng cuối năm, tại cuộc họp Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định và nền tảng thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vào công tác điều hành chung của Chính phủ.
"Không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát. Chúng ta kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay dưới 4%" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, yêu cầu điều hành giá đặt ra là kết hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp vĩ mô, tài khóa, tiền tệ và các công cụ vi mô, điều hành các mặt hàng cụ thể, nhất là xăng dầu, thịt lợn, các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm.
Đối với điều hành giá sách giáo khoa, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá.
Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu các Bộ Giáo dục và đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá. Theo đó, kịch bản 1 thì CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%. Kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%.
Còn Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản. Kịch bản 1 có mức tăng từ 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8-4,1%.
TTO - Theo nghị quyết 88 của Quốc hội, cùng với việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo hướng "một chương trình, nhiều SGK", Bộ GD-ĐT vẫn phải tổ chức biên soạn một bộ SGK.
LÊ THANH