Kinh tế xã hội hôm nay

Sẽ trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 vào tháng 2/2020

Đại diện Vụ Chính sách Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, Bộ TNMT sẽ trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 vào tháng 2/2020.

Ngày 26/7, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã tổ chức hội thảo “Tăng cường nhận thức trong thực thi chính sách pháp luật và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở TN&MT các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; tổ chức chính trị xã hội, Hội Nông dân, UBMTTQ các tỉnh, thành phố, Hội Phụ nữ; Đoàn Thanh niên và công đồng dân cư khu vực tổ chức…

Theo Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/1/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, đến nay, sau 5 năm triển khai thưc hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức, thực thi pháp luật và một số nội dung phát sinh nhưng chưa có quy định điều chỉnh dẫn tới chưa khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

6 tháng đầu năm, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 167 cuộc thanh tra, kiểm tra về đất đai. Ảnh minh họa

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2015 đến năm 2018 trong số 21.274 đơn thư mà Bộ nhận được thì có 8.330 đơn thư đủ điều kiện xử lý. Trong đó có 216 vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ, 1.502 vụ việc được địa phương giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, 6.612 vụ việc địa phương chưa giải quyết hết thẩm quyền, công dân tiếp tục khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan trung ương.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 167 cuộc thanh tra, kiểm tra về đất đai đối với 738 tổ chức, cá nhân; phát hiện 17% số đối tượng được thanh tra có vi phạm pháp luật đất đai; Xử phạt vi phạm hành chính 36 tổ chức, cá nhân với số tiền 815 triệu đồng; kiến nghị truy thu 2.450 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 5 ha đất.

Tuy nhiên, đến nay v ẫn còn những khiếu kiện liên quan tới đất đai chủ yếu do công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện….. Có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng để thu hồi đất thay vì phải thỏa thuận với người sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ….

Từ thực tế đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn sắp tới.Ví dụ như việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn chưa thực sự thống nhất, đồng bộ. Trong khi đó, công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai có nơi, có lúc thực hiện còn hình thức, chưa thường xuyên, thiếu thực chất.

Các đại biểu cho rằng, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Xây dựng, Nhà ở…gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật. Chính sách tài chính về đất đai còn có những điểm bất cập, nhất là việc điều tiết nguồn lợi thu được từ đất đai để đảm bào hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và doanh nghiệp.

Một số địa phương, việc áp dụng thực hiện quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện theo tinh thần tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục. Một số dự án chưa có quy hoạch, kế hoạch xây dựng hoặc chưa hoàn thành xây dựng khu tái định cư đã quyết định thu hồi đất.

Ông Chu Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 vào tháng 2/2020.Sau 5 năm triển khai thực hiện, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế còn nổi lên nhiều tồn tại, bất cập. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn sắp tới. Từ nay đến cuối năm 2019, dự thảo sửa đổi sẽ được lấy ý kiến các tỉnh, thành phố và bộ ngành liên quan để trình Chính phủ.

Các đại biểu tham gia hội thảo cũng tập trung thảo luận các giải pháp nâng cao hình thức, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đất đai của Nhà nước.

Các đại biểu đều cho rằng, cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền pháp luật đất đai dựa vào thực tế, theo phong tục, tập quán của từng vùng, miền, dân tộc với nội dung thiết thực như tập huấn, họp dân, sử dụng phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích. Trong đó, phương pháp tuyên truyền hiệu quả là đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm, hướng dẫn cụ thể sẽ góp phần lan tỏa các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

TH

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/se-trinh-chinh-phu-du-thao-sua-doi-luat-dat-dai-2013-vao-thang-2-2020-n161111.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY