Tâm sự hôm nay

Làm gì để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đều có nhiều quy định mang tính ưu việt trong việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người dân.
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đều có nhiều quy định mang tính ưu việt trong việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để các chính sách ưu việt này thực sự đi vào cuộc sống, để người dân hiểu, đồng thuận và thực hiện là không hề đơn giản. Một trong những giải pháp được coi là đóng vai trò quan trọng chính là công tác truyền thông, tuyên truyền về những điểm mới, ưu việt của hai luật này... Thế nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về Luật BHXH và Luật BHYT?

Tại hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí vừa diễn ra, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, trong xã hội hiện đại, báo chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền. Với tính chất rộng rãi và phổ thông của các loại hình truyền thông cùng với tính tương tác ngày càng cao, khả năng áp dụng khoa học công nghệ ngày càng lớn, báo chí đã và đang trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả.

Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức báo cáo chuyên đề về BHXH, BHYT đối với cán bộ làm công tác tuyên giáo tại các cơ quan Trung ương, các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước; định hướng công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt là việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị. Các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức như: trên báo chí, trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình, tổ chức tập huấn, lồng ghép trong các hội nghị, tổ chức hội thảo; tổ chức các hội thi tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức đối thoại, tư vấn, giải đáp chính sách trực tiếp tại cơ sở, đã thu hút sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng như: người sử dụng lao động, người lao động trong các khu chế xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ; cán bộ, hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung ương Đoàn, học sinh sinh viên và nhân dân trên cả nước... Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông báo chí cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền về Luật BHXH sửa đổi và luật bhyt sửa đổi dưới nhiều hình thức khác nhau.

Mặc dù đánh giá cao các hình thức tuyên truyền về Luật BHXH, luật bhyt sửa đổi của các đơn vị liên quan và các cơ quan truyền thông, tuy nhiên ông Nguyễn Thế Kỷ cũng chỉ ra một số hạn chế của công tác tuyên truyền định hướng dư luận xã hội đối với chính sách BHXH, BHYT như chưa thực sự chủ động, còn mang tính hành chính và cũng chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và ý thức tuân thủ của người sử dụng lao động, người lao động và người dân nói chung chưa cao và chưa đồng đều. Nhiều người dân và ngay cả một số cán bộ cũng vẫn còn nhầm lẫn giữa loại hình BHXH, BHYT (mang tính sự nghiệp công ích, phi lợi nhuận với các loại hình bảo hiểm thương mại, mang tính chất kinh doanh khác). Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người sử dụng lao động trốn đóng, cố tình nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...

Cũng theo ông Nguyễn Thế Kỷ, công tác tuyên truyền đã có những đổi mới nhưng chưa thực sự sâu theo các nhóm đối tượng và hướng tới cơ sở. Việc tuyên truyền trực tiếp đến người lao động và người dân ở các xã, phường, thị trấn còn rất hạn chế; việc tuyên truyền đến người sử dụng lao động, các cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa có nhiều hình thức hấp dẫn và phù hợp. Từ đó, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, cần phải đổi mới hơn nữa việc tuyên truyền theo hướng đa dạng các hình thức tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền theo nhóm đối tượng...

Theo đó, ở Trung ương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí.

Ở các địa phương, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân và chỉ tiêu phát triển đối tượng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT...

Bên cạnh đó, ngoài việc thường xuyên liên tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tổ chức tuyên truyền tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thông qua hình thức tờ rơi, tờ gấp... rồi tổ chức tọa đàm, tư vấn, đối thoại trực tiếp với người lao động hoặc phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... tuyên truyền về các điểm mới, về quyền lợi, mức đóng, mức hưởng của chính sách BHXH, BHYT cho các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...

Nguyễn Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-lam-gi-de-day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-ve-luat-bhxh-luat-bhyt-sua-doi-14943.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY