Bà Hoàng Thị Tỵ, 53 tuổi (tổ 4, phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang) nhà chỉ cách khu cách ly 500m nhưng bà tỏ ra khá điềm tĩnh trước diễn biến của dịch COVID-19. Theo bà Tỵ, khi mới biết thông tin, bà và các thành viên trong gia đình khá lo lắng. Nhưng khi nghe thông tin tuyên truyền về kiến thức phòng tránh của ngành y tế, mọi người đã thực hiện theo nên yên tâm hơn rất nhiều.
"Gia đình tôi chú ý khâu vệ sinh nhiều hơn, chủ động rắc vôi bột quanh nhà, lau dọn đồ đạc bằng cồn kháng khuẩn thường xuyên. Phải trông cháu nhỏ nên tôi chỉ quanh quẩn trong nhà. Gia đình nếu có người đi ra ngoài thì đeo khẩu trang cẩn thận. Lúc trở về có lọ nước rửa tay khô để sẵn trước cửa để vệ sinh tay trước khi vào nhà.
Chế độ ăn uống hằng ngày ngoài việc ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì còn thêm nhiều các món như thịt bò, cá, trứng để bổ sung chất đạm và rau củ quả bổ sung vitamin C giúp cho gia đình tăng sức đề kháng", bà Tỵ cho biết.
Công việc thường xuyên phải di chuyển và tiếp xúc với nhiều người nhưng anh Nguyễn Chí Thanh, 45 tuổi (tổ 3, phường Nông Tiến), nhà cách khu vực cách ly khoảng 2km cũng không tỏ ra quá lo lắng.
Anh Thanh chia sẻ: "Công việc của tôi vẫn diễn ra bình thường. Tôi làm nghề chạy xe tải nên phải đi và tiếp xúc nhiều người. Khi biết trong địa bàn tỉnh có người nghi nhiễm, tôi đã chủ động đeo khẩu trang, trên xe luôn có sẵn một chai nước rửa tay khô để sát khuẩn".
"Điều quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh cho chính mình và người thân là tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo của ngành y tế. Không có việc quan trọng không nhất thiết phải ra đường. Trong trường hợp phải di chuyển thì phải có thiết bị bảo hộ để phòng tránh bị lây nhiễm COVID-19", anh Nguyễn Chí Thanh nói.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh, 39 tuổi là tiểu thương tại chợ Tam Cờ, TP. Tuyên Quang thể hiện sự lo lắng bởi chị vẫn phải ra chợ bán hàng mỗi ngày.
"Chi tiêu trong gia đình trông chờ nhiều ở quầy hàng nên dù chợ vắng tôi vẫn phải bán. Khi biết trong tỉnh có người nghi nhiễm COVID-19, tôi lo lắm vì mỗi ngày phải tiếp xúc với nhiều người, không biết trong số khách hàng có F2, F3 không? Nói là chợ vắng nhưng ở khu trung tâm của thành phố nên vẫn nhiều người ra vào. Tôi tuân thủ tuyệt đối khâu phòng dịch là đeo khẩu trang cả ngày và thường xuyên dùng nước muối, nhỏ mũi, rửa tay khô".
Cũng theo chị Khánh, trước đây vắng khách thì những tiểu thương như chị tụm năm, tụm ba nói chuyện. Tuy nhiên, từ khi có dịch, dù cửa hàng vắng khách nhưng ai cũng ở cửa hàng nhà ấy. Không tụ tập nói chuyện nhưng mọi người vẫn quan tâm, đùm bọc lẫn nhau. Trong chợ nếu ai cần trợ giúp vẫn hỗ trợ nhau bình thường.
Điều mà PV cảm nhận rất rõ khi tiếp xúc với những người dân gần khu cách ly là họ có lo lắng nhất định về diễn biến của dịch nhưng ai cũng tin tưởng vào công tác phòng tránh dịch COVID-19 mà cả hệ thống chính trị đã và đang thực hiện. Bởi trước đó, 16 bệnh nhân dương tính đã khỏi hoàn toàn. Hiện tại, Việt Nam chưa có ca nào Tu vong vì dương tính với COVID-19.
Vì vậy, điều quan trọng nhất để phòng tránh dịch là chủ động, tình bĩnh, tin tưởng, tỉnh táo để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Box: Trước đó, Trung tâm Y tế thành phố Tuyên Quang ghi nhận 57 người Trung Quốc tại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đã "đi tắt" qua Lào để về thành phố làm việc. Trong số những người Trung Quốc này, người đến Tuyên Quang sớm nhất là ngày 29/2, và gần đây nhất là 11 người đến hôm 7/3. Trong đó, ông H.G.J có biểu hiện sốt và các triệu chứng ho, mệt mỏi. Hiện tại, ông này đang được cách ly tại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang. Tính đến ngày 14/3, tỉnh Tuyên Quang chưa có trường hợp nào dương tính với Covid-19.
Chủ đề liên quan:
cách ly Covid 19 đại dịch đeo khẩu trang dịch cúm khẩu trang khu cách ly khu vực Khu vực cách ly ngành y tế người dân nước rửa tay tân sơn nhất tuyên quang xã hội yên bình