Kinh tế xã hội hôm nay

Sớ chi tiêu chi chít, dài dằng dặc ở nhiều trường học

(MangYTe) - Mỗi khi nghe đọc “cái sớ” dài chi chít các khoản chi, có người nói: “Đọc thế thì nghe thế chứ ai mà biết ma ăn cỗ lúc nào?”.

Quy định công khai tài chính ở các trường học không ngoài mục đích để minh bạch các khoản thu chi trước tập thể.

Trong các buổi họp phụ huynh thường đọc bảng thu chi quỹ của năm học trước ( (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Điều này, sẽ góp phần hạn chế được việc thu chi mờ ám tiền công quỹ nhà nước và khoản tiền phụ huynh đã đóng góp.

Tuy nhiên, với kiểu công khai tài chính hiện nay, nhiều trường đang thực hiện không đúng với mục đích của quy định này đưa ra dẫn đến tình trạng tiền công quỹ luôn bị xà xẻo mà chẳng ai làm gì được.

Những khoản tiền phải công khai

Theo quy định của Thông tư số: 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì việc công khai các khoản tiền tại các cơ sở giáo dục là điều bắt buộc.

Những khoản buộc phải công khai như các khoản chi lương, chi bồi dưỡng chuyên môn, chi hội họp, hội thảo, chi tham quan học tập trong nước và nước ngoài;

Mức thu nhập hằng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý (mức cao nhất, bình quân và thấp nhất); mức chi thường xuyên/1 học sinh; chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị.

Chính sách và kết quả thực hiện chính sách hàng năm về trợ cấp và miễn, giảm học phí đối với người học thuộc diện được hưởng chính sách xã hội…

Thời gian và hình thức công khai: Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.

Niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo thuận tiện để xem xét.


Phải công khai chi tiêu nội bộ trong nhà trường

Phổ biến trong cuộc họp cha mẹ học sinh về các khoan đã thu và đã chi.{1}

Chẳng biết “ma ăn cỗ” lúc nào?

Để thực hiện những quy định của thông tư số 36/2017/tt-bgdđt, nhiều trường học liệt kê những khoản thu và chi in ra dán vào bảng tin trước trường.

Đồng thời cho giáo viên đọc trong cuộc họp phụ huynh, họp hội đồng cuối quý.

Hàng chục, hàng trăm khoản đã chi được đọc lên, nghe mà chẳng ai có thể hiểu được đã mua những thứ ấy lúc nào? số tiền liệt kê trong bảng thu chi ấy có đúng thực tế hay không?

Mỗi khi nghe đọc “cái sớ” dài chi chít các khoản chi, có người nói: “Đọc thế thì nghe thế chứ ai mà biết ma ăn cỗ lúc nào?”.

Chỉ biết rằng, dù thu nhiều hay ít thì năm nào các loại quỹ trong trường cũng đều âm hoặc bằng 0. Và năm học sau lại bắt đầu thu và chi cái mới.

Làm gì để việc công khai tài chính có hiệu quả?

Nghị định số 159/2016/nđ-cp ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân nói chung và trong các trường học nói riêng.


Giải đáp thêm về chế độ định mức, giảm định mức tiết dạy của giáo viên

Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng các quỹ, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản và công tác tự kiểm tra tài chính của cơ quan, đơn vị…

Với nhiệm vụ, quyền hạn như thế, thanh tra nhân dân trong các trường học nếu làm việc đúng trách nhiệm sẽ hạn chế được việc thu chi vô tội vạ ở nhiều trường học hiện nay.

Bên cạnh đó, Ban chấp hành công đoàn cũng cần làm tốt vai trò trách nhiệm của mình như việc giám sát thu gì và chi như thế nào?

Có điều, thanh tra, công đoàn vốn là giáo viên nên cũng sợ hiệu trưởng làm khó trong công tác chuyên môn.

Bởi thế, những thầy cô giáo đảm nhận việc kiêm nhiệm chức danh này gần như không dám quan tâm nhiều đến việc thu, chi của nhà trường.

Thế là, hiệu trưởng thích thu bao nhiêu thì thu, thích chi cái gì thì chi, giá cả bao nhiêu cũng mặc.

Vì thế, trừ khi giáo viên hoặc phụ huynh tố cáo việc thu chi bất minh chứ không bao giờ hoặc vô cùng ít việc thanh tra hay công đoàn phát hiện ra những khuất tất trong công tác tài chính từ nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phai-cong-khai-chi-tieu-noi-bo-trong-nha-truong-post206093.gd{1}

Hoa Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Giáo dục (https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/so-chi-tieu-chi-chit-dai-dang-dac-o-nhieu-truong-hoc-post206269.gd)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY