Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Tại sao COVID-19 dễ lây nhiễm trong bệnh viện?

Nhiều bệnh viện đang bị phong tỏa do bùng phát chuỗi ca bệnh COVID-19, đặt ra câu hỏi về lý do dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong bệnh viện.

Thật ra, nhiễm trùng bệnh viện do coronavirus chủng mới đã và đang xảy ra ở rất nhiều nơi. Theo khảo sát của Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản, ở thời điểm ngày 20 tháng 4 năm 2020, đã có 54 trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng bệnh viện ở 19 vùng trên toàn Nhật Bản, và số người nhiễm lên tới 783 người. Ngày 6 tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản đã công bố kết quả khảo sát trên 263 bệnh viện và cơ sở y tế trong nước, theo đó có tới 42 cơ sở (16%) đã từng trải qua giai đoạn nhiễm COVID-19 theo cụm hàng loạt trong bệnh viện.

Coronavirus không phải là mầm bệnh duy nhất gây nhiễm trùng bệnh viện. Các cơ sở y tế trên khắp thế giới đã bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng bệnh viện do nhiều loại mầm bệnh gây ra.

Vi khuẩn kháng Thu*c, trực khuẩn lao, cúm và norovirus tương đối quen thuộc với các báo cáo hằng năm nhưng đều thường được kiểm soát tốt bởi các chiến lược và kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang phải vật lộn với loại SARS-CoV-2 này vì các đặc điểm “khó chịu” của nó.

SARS-CoV-2 dễ lẻn vào các cơ sở y tế

Trong việc ngăn chặn nhiễm trùng bệnh viện, phương pháp tiếp cận kiểu “người nhanh tay sẽ chiến thắng” là rất quan trọng. Để phát hiện sớm các bệnh nhân và nhân viên bị lây nhiễm để cách ly điều trị là mấu chốt của chiến lược. Tuy nhiên, loại SARS-CoV-2 này rất khó phát hiện sớm và có thể “lẻn vào” cơ sở y tế bất thình lình bất cứ lúc nào.

Khó phát hiện sớm nhờ qua việc hỏi triệu chứng

Tại sao COVID-19 dễ lây nhiễm trong bệnh viện? - Ảnh 1.

SARS-CoV-2 sẽ có thể xâm nhập vào các cơ sở y tế qua bệnh nhân bị nhiễm hoặc nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Mặc dù máy quét đo nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt) có thể phát hiện ai bị sốt, tỉ lệ người nhiễm virus bị sốt chỉ khoảng 30-40%. Một số người không bị ho hoặc hoàn toàn không có triệu chứng. Trong một cuộc khảo sát với 48 nhân viên y tế nhận chẩn đoán COVID-19, số người nhiễm bị sốt hoặc ho vào thời gian đầu là dưới 50%. Ngoài ra, ngay cả khi nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 do sốt, ho, khó thở, đau họng, đau nhức cơ hoặc ớn lạnh, số người được phát hiện sớm chỉ khoảng 85%. Dù vậy, hầu hết cơ sở y tế vẫn duy trì việc hỏi bệnh sử để đánh giá nguy cơ mắc COVID-19.

Khó phát hiện ngay cả khi xét nghiệm PCR

Trên thực tế, một số cơ sở y tế đã yêu cầu bệnh nhân không có triệu chứng thực hiện xét nghiệm PCR tầm soát như là một biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng bệnh viện trước khi phẫu thuật hoặc sinh con.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có giới hạn của nó. Trước hết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 30% người nhiễm bệnh sẽ cho kết quả là “âm tính” (tức âm tính giả) với xét nghiệm PCR. Thời điểm xét nghiệm cũng ảnh hưởng tới tỉ lệ âm tính giả.

Như vậy, một số người bị nhiễm virus nhưng khó/không phát hiện được bằng việc hỏi triệu chứng/khai bệnh sử và làm xét nghiệm PCR. Đây là một trong những lý do làm việc ngăn SARS-CoV-2 lây lan trong bệnh viện trở nên khó khăn hơn các loại mầm bệnh khác.

Tại sao COVID-19 dễ lây nhiễm trong bệnh viện? - Ảnh 2.

Tải lượng virus cao trước khi các triệu chứng xuất hiện

Một đặc điểm “khó chịu” khác của SARS-CoV-2 là số lượng virus lây lan trong đường hô hấp trên (từ mũi đến họng) của người nhiễm bệnh cao nhất từ khoảng 2 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng đến ngay sau khi xuất hiện triệu chứng.

Điều này có nghĩa là những người ở cùng phòng, tiếp xúc gần với người bệnh trong không gian hẹp kín gió sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao vì gặp các hạt nhỏ bắn ra từ miệng người bệnh trong thời gian “không biết người đó mắc bệnh”.

Bệnh viện có nhiều thủ thuật phát sinh aerosol

Khác với môi trường sống hàng ngày, các cơ sở y tế thường có nhiều hoạt động điều trị hoặc chẩn đoán dễ phát sinh aerosol. Ví dụ, trong thủ thuật hút đờm, đặt/rút nội khí quản, hồi sức tim phổi, nội soi dạ dày, hoặc ngay cả khi bệnh nhân la lớn khi sinh con, một lượng lớn aerosol sẽ được tạo ra và tạm thời lơ lửng trong không khí. Nhiễm trùng có thể xảy ra nếu các nhân viên y tế hoặc bệnh nhân gần đó hít phải aerosol do người mắc COVID-19 tạo ra.

Vì thế, các cơ sở y tế thường yêu cầu thực thi phòng ngừa lây lan qua không khí khi thực hiện các thủ thuật có thể gây phát sinh aerosol, như mặc bảo hộ cần thiết, dùng mặt nạ N95 và mang kính bảo hộ mắt.

Tỷ lệ thực hiện vệ sinh tay còn thấp

Cần nhớ rằng một con đường lây nhiễm chính khác của SARS-CoV-2 là đường tiếp xúc.

Khi nhân viên y tế chạm vào người nhiễm bệnh hoặc môi trường mà người bệnh chạm vào, virus có thể bám vào tay của họ. Sự lây lan vì thế có thể được kiểm soát bằng việc khử trùng tay bằng dung dịch có chứa cồn và rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.

Mặc dù bệnh viện nào cũng dán poster và đốc thúc việc rửa tay đúng cách và đúng thời điểm, tỉ lệ thực hiện vệ sinh tay ở nhân viên y tế thường không đạt 100%. Tỉ lệ thực hành vệ sinh tay trung bình của nhân viên y tế tại Nhật Bản trước dịch COVID-19 chỉ khoảng 40%, một con số đáng báo động dù đã có cải thiện vào thời điểm này.

Cũng cần nói thêm rằng mỗi điều dưỡng đang phải chăm sóc cho nhiều bệnh nhân và chạm vào họ hằng chục tới hằng trăm lần mỗi ngày. Trong những tình huống bận rộn và mệt mỏi, việc quên rửa tay hoặc rửa sai rất dễ xảy ra. Vì thế, nỗ lực duy trì thói quen rửa tay là rất quan trọng.

Cải thiện nhận thức của bệnh nhân và người thân

Trong những năm gần đây, sự tham gia của bệnh nhân được coi là điều cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng bệnh viện. Trong các ca nhiễm ghi nhận ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện nay, có hơn 40 bệnh nhân và người nhà trong khi chỉ có 2 điều dưỡng và 2 bác sĩ nhiễm bệnh. Đây là đặc điểm cần lưu ý để tối ưu hóa chiến lược phòng bệnh: Không chỉ NVYT mà bệnh nhân và người nhà cần triệt để thực thi khuyến cáo 5K!

Vì thế, để phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 trong bệnh viện, bệnh nhân và người thân nên hợp tác với bệnh viện, đặc biệt là ở 6 nội dung sau:

Hỏi nhân viên y tế chuẩn bị chăm sóc cho bạn xem họ đã rửa tay sạch chưa. Việc nhân viên y tế rửa tay sạch có thể ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng bệnh viện khác chứ không chỉ SARS-CoV-2. Sau khi đi vệ sinh tại bệnh viện hoặc khi ra vào phòng bệnh, bệnh nhân cần rửa tay bằng xà phòng và vòi nước trong ít nhất 20 giây hoặc khử trùng tay bằng dung dịch chứa cồn ít nhất 15 giây để tự bảo vệ mình. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân phải đeo khẩu trang hoặc vải che miệng. Nếu có các triệu chứng (như sốt hoặc ho), hãy báo cho nhân viên y tế trước khi đến khám. Giảm cơ hội đến bệnh viện càng nhiều càng tốt vì bệnh viện là nơi dễ bị lây nhiễm COVID-19. Bệnh nhân nên hỏi bác sĩ phụ trách xem có thể kéo dài khoảng thời gian giữa các lần khám định kỳ và sử dụng TeleMedicine khám cho Thu*c từ xa hay không. Không đi du lịch trong các ngày lễ, nhất là vào 2 tuần trước khi nhập viện. Hệ thống y tế rất mỏng manh và việc mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác, nhất là lây nhiễm trong bệnh viện sẽ thật sự dẫn đến thảm họa.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là hầu hết (85%) cơ sở y tế dập được dịch trong 2 tuần, dù có vài nơi mất hơn 1 tháng. Điều này cho thấy nếu có phương pháp đối phó thích hợp thì việc lây nhiễm trong bệnh viện sẽ được dập tắt nhanh chóng nếu tuân thủ khuyến cáo 5K như hiện hành. Trên thực tế, các ca nhiễm COVID-19 trong bệnh viện Đà Nẵng tháng 7 năm 2020 cũng đã được kiểm soát trong một thời gian ngắn nên chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng!

BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Trưởng Dự án Y học cộng đồng)

Tại sao COVID-19 dễ lây nhiễm trong bệnh viện? - Ảnh 4.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/tai-sao-covid-19-de-lay-nhiem-trong-benh-vien-20210514171943126.chn)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY