Theo quan niệm của người Việt, có rất nhiều điều cần kiêng kỵ trong dịp Tết Nguyên Đán. Sự kiêng kỵ này tất cả chỉ đề cầu mong một năm mới may mắn, vạn sự như ý.
Vào những ngày đầu năm, người ta thường kiêng cho nước vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “Tiền vào như nước”. Thường thì trước khi bước sang năm mới, ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng, năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
Quan niệm triết học cổ đại phương Đông, nước là khởi nguồn cho mọi sự sống, vạn vật sinh sôi. Thế nên, với người Việt tục gánh nước đầu năm là sự mong muốn một năm mới mưa thuận, gió hoà, làm ăn may mắn, những điều xúi quẩy đi hết, những điều may mắn về nhà.
Theo quan niệm của người Việt trong nông nghiệp thì nếu trong nhà năm ấy Tết mà thiếu nước phải đi gánh thì năm ấy làm ăn chắc chắn sẽ kém vì mùa màng không đủ nước. Vì vậy, không phải một nhà mà cả làng, cả xã, phải chăm lo gánh nước về cho đủ ba ngày Tết.
Đối với người Việt quan trọng nhất trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, nước trong nhà phải tràn ngập các bể, các chum, các vại, chậu lớn, chậu nhỏ... Có nhà còn dùng nước đổ xung quanh sân nhà với ước vọng năm mới gia đình tài lộc tràn trề như nước.
Nắm bắt tâm lý này, ở nhiều nơi, sau giờ những người làm nghề gánh nước thuê đã tự động gánh đến cho mỗi nhà vài thùng nước đầy với ý rằng: “đem tiền của vào nhà như nước cho gia chủ”. gia chủ cũng sẽ lì xì hậu hĩnh cho người người gánh nước thuê và đôi bên đều vui mừng vì có một năm mới may mắn, tốt lành.
Trước dòng chảy thời gian và những thăng trầm lịch sử, tục lệ này ở nhiều nơi đã dần bị mai một. Tuy nhiên, người dân thôn Chấn Đông, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên hay ở làng Tạ Xá (nay là xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội), dân làng vẫn còn giữ tục lệ gánh nước giếng đổ bể đêm giao thừa.
Tục gánh nước, xin nước đầu năm của người Việt là nét đẹp văn hoá, cần được lưu giữ và phát huy, vì nó là ý nguyện, là điều mong muốn trong ngày xuân đẹp đẽ, xinh tươi.