Tâm sự hôm nay

Giao thừa muộn

Lại trực Tết, thế là năm thứ tư liên tiếp tôi không được về nhà đón giao thừa cùng gia đình bên mâm ngũ quả rực rỡ sắc màu.
Lại trực Tết, thế là năm thứ tư liên tiếp tôi không được về nhà đón giao thừa cùng gia đình bên mâm ngũ quả rực rỡ sắc màu. Tuy nhiên, chưa năm nào tôi có cảm giác buồn và nhớ má như năm nay. Cảm giác xao xuyến, lâng lâng, thấp thỏm trong tiết trời se lạnh của chiều ba mươi tết khiến tôi nhớ và thương má vô cùng. Không có con trai về ăn bữa tất niên, không có con trai giúp thắp nén nhang cầu khấn gia tiên trong những giờ phút thiêng liêng của trời đất đã làm cho má buồn lắm rồi. Nhưng năm nay, nỗi buồn ấy lại nhân lên gấp bội vì người đàn ông nữa trong cuộc đời của má, là ba, cũng vì nhiệm vụ phải đi công tác. Tôi biết ba cũng rất thương má nhưng cũng chẳng biết làm thế nào khi nhiệm vụ cao cả đã được cấp trên giao cho. Hôm chia tay ba đi công tác, thấy tôi ái ngại nhắc đến việc Tết này phải trực không được về ăn Tết cùng má, biết tôi buồn nên ba đã động viên: “Thôi con à, cứ yên tâm làm nhiệm vụ đi, má con là vợ của một người chiến sĩ cách mạng nên đã quen với sự chờ đợi và hy sinh. Hãy làm tốt nhiệm vụ của mình, gia đình ta hẹn ngày tái ngộ”. Tôi im lặng và lặng lẽ bước chân theo ba ra xe với hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Thấy vậy, má ôm tôi vào lòng và ôn tồn động viên: “Hai ba con cứ yên tâm đi, má rất tự hào vì hai người đàn ông trong cuộc đời của má, khi Tổ quốc cần, gia đình ta phải biết sống xa nhau, con cố gắng sang năm cưới cho mẹ một nàng dâu hiếu thảo, thế là má mãn nguyện lắm rồi”. Khác hẳn với cái không khí náo nhiệt và ồn ào của những ngày thường, bệnh viện chiều ba mươi Tết yên ắng đến lạ thường. Đâu đó chỉ còn bóng dáng một vài người nhà bệnh nhân lững thững đi đi lại lại với khuôn mặt đăm chiêu và trầm tư lo lắng, một phần vì lo cho sức khỏe của bệnh nhân, một phần đang xao xuyến vì không được về nhà đón Tết. Xa xa, bóng dáng của các chị y công cùng tiếng chổi tre đang cần mẫn quét dọn những chiếc lá rụng cuối cùng còn vương trong khuôn viên bệnh viện để chuẩn bị đón chào năm mới. Mỗi người một tâm trạng, một nỗi suy tư riêng.

Nhận bàn giao xong, nhanh chóng cùng chị y tá đi vòng quanh khoa để thăm khám và nắm lại tình hình người bệnh. Dường như tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho khoảnh khắc giao thời đến. Người bệnh cũng vậy, họ như đã quên bớt một phần đau đớn, khó chịu mà bệnh tật mang lại trong những ngày thường mà thay vào đó là một tinh thần phấn chấn, vui vẻ. Thấy vậy, tôi cười và quay sang nói với chị y tá: “Hy vọng chị em mình sẽ có một đêm giao thừa yên bình”. Đi buồng xong, tôi nói chị y tá tranh thủ ra phố mua một ít đồ về đón giao thừa. Tôi quyết định mời những người bệnh còn lại trong khoa tham dự cùng cho vui, hy vọng sẽ giúp họ nguôi ngoai phần nào trong những chuỗi ngày đầu xuân buồn bã.

9h30 tối, ngồi trong phòng làm việc, lòng xốn xang theo giai điệu của thời gian, hòa mình trong không gian ngày Tết, tôi lại bắt đầu viết tiếp trang blog còn dở dang. Người ta thường lên án bác sĩ là không cảm xúc, tâm hồn sắt đá. Riêng tôi thì ngược lại, đối với tôi mỗi một ca bệnh dù thành công hay thất bại thì đó là một sự kiện lớn cả về chuyên môn và cảm xúc. Những sự kiện đó dần dần được ghi lại trong những trang blog của riêng mình. Tôi đã được thừa hưởng những điều này từ chính ba và má của mình. Ba đã cho tôi chí khí của người chiến sĩ, còn má lại cho tôi lòng trắc ẩn biết yêu thương con người của một cô giáo dạy văn. Những điều này đã nuôi dưỡng và ủ ấm tâm hồn tôi, giúp tôi có bản lĩnh và vững bước hơn trên con đường đời. Má tôi thường nói, ba cầm súng chiến đấu với quân thù, còn tôi là một chiến sĩ trên mặt trận chống lại bệnh tật.

Đang chìm đắm trong dòng cảm xúc, bỗng một loạt tiếng “bip bip bip...” cấp cứu vang lên, kèm theo là tiếng thất thanh của chị y tá: “Bác sĩ, bác sĩ, bệnh nhân giường số 9...”.

Nhanh như cắt, tôi chạy đến phòng bệnh, nhìn thoáng qua bệnh nhân, lệnh cấp cứu ngừng tuần hoàn được phát ra. Ngay lập tức tất cả dụng cụ và phương tiện đã sẵn sàng. Tôi lăn xả vào ca cấp cứu ngừng tim... Chúng tôi lặng lẽ chiến đấu với tử thần để giành lại mạng sống cho người bệnh sau cơn nhồi máu cơ tim cấp, ai nấy mồ hôi vã ra đầm đìa mặc cho nhiệt độ ngoài trời đang là 10 độ C. Thao tác chính xác, y lệnh phát ra rõ ràng, tôi như một người chỉ huy trưởng điều khiển cả kíp trực phối hợp nhịp nhàng và ăn ý, không để xảy ra sai sót. Cứ như vậy, cuộc cấp cứu diễn ra gần hai tiếng đồng hồ, cuối cùng, chúng tôi đã là người chiến thắng. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, chị y tá thều thào: “May quá, cụ qua được nếu không thì dông cả năm, hi hi...”. Tôi phì cười và nói: “Mọi người còn sức lực để uống sâm panh đón giao thừa muộn nữa hay không?”. Chị y tá đáp lại: “Có chứ, chúng ta rất đáng ăn mừng vì cụ đã sống...”.

Nhanh chóng dọn dẹp bệnh phòng sau cấp cứu, chúng tôi trở lại phòng giao ban để đón giao thừa muộn. Khi tiếng nhạc của bài Happy New Year vang lên cũng là lúc chuông đồng hồ điểm 3 giờ sáng. Bật chai sâm panh, thầy Thu*c và bệnh nhân cùng nhau nâng cốc chúc mừng cho một năm thuận lợi, sức khỏe và hạnh phúc trong tiếng nhạc ngân nga của ban nhạc ABBA. Và tôi cũng không quên gọi điện cho má để khoe chiến công mới và chúc mừng má một năm vui vẻ và sức khỏe, đồng thời cũng hứa với má sang năm sẽ mang về cho má một nàng dâu hiếu thảo để má đỡ quạnh hiu trong những lúc ba con tôi vắng nhà...

BS. Nguyễn Bùi Duy Vũ

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-giao-thua-muon-6151.html)

Chủ đề liên quan:

giao thừa

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY