Ông Giáp Văn Bảy ở Bắc Giang mắc bệnh về phổi đã hơn 20 năm nay nên từ lâu, tấm thẻ BHYT đã trở thành một vật không thể thiếu, gắn bó với ông mỗi lần đi khám chữa bệnh từ trạm y tế xã cho tới bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Mỗi lần đi viện, chi phí điều trị khoảng vài triệu đồng và đều được Quỹ BHYT chi trả.
Tuy nhiên, lần gần đây nhất, bệnh tình nặng hơn, ông phải nhập viện điều trị tại BVĐK tỉnh hơn 3 tháng trời. “Từ đầu tháng 2/2020, tôi thấy trong người rất mệt, thở khó khăn nên đi khám ở bệnh viện huyện. Tới đây, tôi được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ khám và quyết định tôi phải mổ điều trị. Nghe tin này, tôi và vợ lo lắng lắm vì biết số tiền sẽ rất lớn. Nhưng khi được các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị được BHYT chi trả chúng tôi mới yên tâm”, ông Bảy chia sẻ.
Hết đợt điều trị, thấy tổng viện phí hơn 105 triệu đồng nhưng gia đình chỉ phải đồng chi trả 5 triệu đồng, vợ chồng ông Bảy như trút được gánh nặng.
Là con cả của ông Bảy, anh Giáp Văn Hà cho biết, hiện gia đình anh có 4 người, tất cả đều đã tham gia BHYT. Hiện con trai đầu của anh bị bệnh thận, hàng tháng đều phải điều trị tại BVĐK huyện Tân Yên. Căn bệnh này cần điều trị lâu dài và khá tốn kém nên mỗi năm khoản tiền hơn 800.000 mua thẻ BHYT cho con với anh là một mục chi cố định, không bao giờ thay đổi.
Ông Bảy và vợ chia sẻ về chuyện khám chữa bệnh BHYT của mình.
21h30 một ngày đầu tháng 6, chị Phạm Thị Huệ (45 tuổi, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bàng hoàng khi nghe tin chồng mình là ông Trần Văn Hùng (52 tuổi) bị T*i n*n xe máy trên đường về nhà. Gọi vội cậu con trai, chị chỉ kịp mở ngăn tủ lấy tấm thẻ BHYT của chồng rồi đến chỗ xảy ra T*i n*n. Đến nơi, chồng chị đã được người dân đưa vào bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, do tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Gửi lại xe máy, chị theo xe cứu thương đi cùng chồng. Đến bệnh viện tỉnh, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
Thế là một hành trình dài đầy vội vã, lo lắng, xuyên đêm của một người phụ nữ thôn quê chưa lần nào ra Hà Nội bắt đầu với hành trang mang theo là tấm thẻ BHYT và chưa đến 10 triệu đồng tiền mặt.
Đến Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân được chuyển ngay vào Khoa Cấp cứu với chẩn đoán vỡ xương hộp sọ, tụ máu não... cần phẫu thuật gấp. Ca mổ hơn 3 giờ đồng hồ thành công tốt đẹp.
Sau 2 tuần, bệnh nhân Hùng được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, theo dõi. Cầm hóa đơn thanh toán hơn 40 triệu đồng, tất cả được Quỹ BHYT chi trả, chị Huệ cảm thấy số phận vẫn còn may mắn.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm, hàng nghìn trường hợp đã được hưởng những lợi ích từ việc tham gia BHYT. Theo thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT (BHXH Việt Nam), tính từ đầu năm 2019 đến ngày 18/06/2020, Quỹ BHYT đã chi trả cho gần 100 bệnh nhân nặng có chi phí khám chữa bệnh đặc biệt cao. Trong đó, có 58 bệnh nhân có tổng chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ trên 2 tỷ đồng/đợt điều trị.
Và mới đây, một bệnh nhân ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) nhờ tham gia BHYT nên được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng. Đó là trường hợp của anh Danh Văn (30 tuổi, ngụ huyện Gò Quao) - giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Tiên Hải (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).
Anh Danh Văn không may bị gãy chân, được Bệnh viện đa khoa Kiên Giang chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) nhập viện điều trị từ ngày 19/11/2019 đến 17/1/2020 với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia).
Có thể thấy, chính sách BHYT đã và đang từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau, T*i n*n không rơi vào cảnh khó khăn, nghèo đói.
Chủ đề liên quan: