Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Tăng tín dụng phù hợp để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng

Nhấn mạnh việc phục vụ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4% trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các chính sách điều hành tiền tệ, tài khóa phải linh hoạt, trong đó, yêu cầu tăng trưởng tín dụng phải đạt ít nhất 10%.

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, nhu cầu tín dụng thời gian qua rất yếu, đặc biệt là trong tháng 4-5, tuy nhiên, đã phục hồi tốt hơn trong tháng 6. Cụ thể, vào tháng 3, tín dụng tăng khoảng 1,13%, tháng 4 tăng 0,12%, tháng 5 tăng 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%. Tính đến ngày 29/6, tín dụng tăng trưởng 3,26% so với đầu năm, đây là mức khá thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp như vậy nhưng mức tăng trưởng không đều nhau giữa các ngân hàng. Có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm, có ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp, song một số ngân hàng đến tháng 6 đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm nhờ phát triển đa dạng các kênh bán hàng. Do đó, một số ngân hàng thương mại đã đề nghị được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay.

Nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, đầu tháng 7, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại, gồm cả ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, “để ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm nay, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 9-10% là mục tiêu phù hợp. Đây sẽ là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chủ yếu do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu trước tác động của dịch bệnh. Vấn đề của tăng trưởng tín dụng là phải đảm bảo cả chất và lượng đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Trong khi đó, với mức tăng chỉ 3,26% trong 6 tháng, rõ ràng sức hấp thụ của nền kinh tế khá yếu, dù lãi suất đã giảm. Với việc NHNN đã nới tăng chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, có khả năng tín dụng quý III và quý IV sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Điều này cũng tương tự với nhận định của một số chuyên gia. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu do dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân. Trong các tháng cuối năm, tín dụng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn 6 tháng đầu năm nhưng mức độ tăng cũng sẽ ở mức vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm được dự báo ở quanh mức 10%.

Về tác động đến mục tiêu lạm phát, mức tăng trưởng tín dụng 10% không phải là lớn và hơn nữa còn có độ trễ. Do đó, mức tăng tín dụng 10% vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo giữ lạm phát được dưới 4% như mục tiêu đã đề ra.

Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hệ thống ngân hàng và NHNN khẳng định điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, hệ thống ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tiếp thu các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, NHNN xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020, các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch cũng được xem xét để cho phép cơ cấu lại.

“NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp cần thiết, theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn để tái cấp vốn cho các dự án, công trình có tác động lan tỏa nhằm hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc NHNN nói.

Lê Hòa

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tang-tin-dung-phu-hop-de-kiem-soat-lam-phat-va-ho-tro-tang-truong-n176725.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY