Đạp xe thể dục buổi sáng - Ảnh: D.PHAN
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy chế độ luyện tập này giúp cơ thể sử dụng lượng mỡ dự trữ, tăng cường trao đổi chất, từ đó làm tiêu hao một lượng calo mà cơ thể nạp vào trong ngày.
Với những người có nhu cầu giảm cân, chế độ này giúp tiêu thụ lượng mỡ thừa ở vùng bụng nhiều hơn. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến vòng bụng to như tiểu đường, béo phì, tim mạch…
Những nghiên cứu về lợi ích của chế độ tập luyện này hầu hết được thực hiện trên các đối tượng trẻ tuổi khỏe mạnh. tuy nhiên, theo nghiên cứu y học thể thao gần đây, việc tập thể thao lúc đói và lúc no cho kết quả đốt năng lượng là ngang nhau.
Ngoài ra, tập luyện khi đói khiến cơ thể giảm khả năng dự trữ protein - là "nguyên liệu chính" cho quá trình tăng cơ - lên đến 10,4%.
Mặt khác, tập luyện khi đói khiến bạn không thể duy trì trong thời gian dài do mức đường huyết thấp làm cho cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết, dẫn đến nhanh kiệt sức, đổ nhiều mồ hôi và mất đi các chất điện giải.
Nhiều báo cáo ghi nhận các trường hợp tử vong trong luyện tập và thi đấu do cơ thể mất điện giải mà không được bổ sung kịp thời.
Chế độ này đòi hỏi điều kiện khá nghiêm ngặt đối với người tập. Vì vậy, những đối tượng phù hợp bao gồm:
* Người trong độ tuổi 18 - dưới 30 tuổi: Đây là thời kỳ "phong độ" cao nhất, cơ thể có thể chịu được cảm giác đói khi tập luyện.
* Người không có bệnh nền, đặc biệt là các bệnh về tim mạch và rối loạn đường huyết. Nếu cố gắng tập luyện theo chế độ này khiến cho các bệnh này nặng nề hơn.
Dù ở bất cứ độ tuổi nào, chế độ luyện tập gắng sức khi đói cũng đều mang lại tác hại xấu cho cơ thể bên cạnh những lợi ích. Vì vậy, thay vì tập luyện khi đói, bạn có thể ăn nhẹ trước và cần bổ sung đầy đủ nước điện giải trong quá trình tập.