Vào năm 2015, Steve Wozniak, một người bạn thân của Steve Jobs kiêm đồng sáng lập Apple đã được hỏi câu này trong một cuộc phỏng vấn với National Geographic: Ai có thể lấp đầy chỗ trống mà Steve Jobs để lại trên thế giới ngày hôm nay?
Steve Wozniak đã trả lời: "Tôi nghĩ rằng có thể có hàng triệu người có năng lực hướng tới tương lai như Jobs, nhưng ai có thể biến chúng thành những sản phẩm thực sự có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta? Tôi đã quan sát Elon Ma từ nhiều khía cạnh. Những lĩnh vực anh ấy theo đuổi là những lĩnh vực mà người khác thẳng thừng nói rằng họ không thể đạt được kết quả vì lý do này hay lý do khác, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, Space X, Tesla Motors..."
Vào ngày 29/8 vừa qua, Elon Musk đã đạt được một bước đột phá mang tính kỷ nguyên trong một "lĩnh vực mà không có kết quả nào trong quá khứ từng được ghi nhận". Với 150.000 người theo dõi qua chương trình phát sóng trực tiếp, Neuralink, một công ty công nghệ thần kinh do Elon Musk sáng lập đã tổ chức họp báo để giới thiệu thiết bị Link V0.9 đang hoạt động và robot tự động phẫu thuật cấy ghép V2.
Bằng cách sử dụng robot phẫu thuật V2, một Link V0.9 có kích thước bằng đồng xu có thể được cấy vào vỏ não trên đỉnh hộp sọ người để hoàn thành việc cấy ghép giao diện kết nối giữa bộ não và máy tính. Thiết bị sẽ thu các tín hiệu điện cực bên trong não và truyền đến điện thoại di động, máy tính và các thiết bị khác để hoàn tất quá trình truyền dữ liệu giữa não và máy tính theo thời gian thực.
Trên sân khấu, Musk đã có màn trình diễn thông qua 3 con lợn thí nghiệm trước đó đã được cấy thiết bị Neuralink. Kết quả cho thấy hoạt động não bộ của những con lợn này có thể được truyền không dây tới một máy tính gần đó. Khi con heo gắn thiết bị lấy mũi tương tác với các sự vật xung quanh hòng tìm kiếm thức ăn, tín hiệu sẽ hiển thị trên biểu đồ kèm âm thanh báo hiệu.
Điều này có nghĩa là đã có sự kết nối giữa bộ não và máy tính, một phương pháp tương tác trực tiếp thay vì sử dụng các phương tiện trung gian như bàn phím và chuột, một bước tiến lớn với vô số các ứng dụng thực tế trong tương lai.
Elon Musk giới thiệu con chip và cỗ máy phẫu thuật tự động do công ty mình phát triển.
Nhưng đây chỉ là một kỳ tích khác của Elon Musk sau Tesla và Space X.
Nó cũng là lý do tại sao mọi người ngưỡng mộ Elon Musk. Từ Zip2 đến X.com, Space X, rồi đến Tesla, mọi dự án kinh doanh của Elon Musk đều nhắm đến những lĩnh vực mà ít người dám chạm tới. Đầu tiên, điều đó quá khó. Thứ hai là chúng quá rủi ro.
Đặc biệt là Space X và Tesla, trước đây thuộc lĩnh vực luôn được kiểm soát bởi nhà nước và chính phủ. Nước Mỹ cũng chưa từng chứng kiến một công ty ô tô nào thành công sau Chrysler vào năm 1925. Sau năm 2000, ngành công nghiệp ô tô Mỹ đang suy giảm và không ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Giá cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 570% kể từ năm 2019, trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới, thậm chí hơn cả Honda, GM và Ford. Sự kết hợp của ba công ty xe hơi truyền thống này cũng không thể xứng tầm với một Tesla. Vào ngày 20/8, giá cổ phiếu của Tesla lần đầu tiên vượt mốc 2.000 USD, đưa giá trị công ty lên mức trên 400 tỷ USD.
Chỉ nửa năm trước, giá trị của Tesla dao động ở mức khoảng 60 tỷ USD. Việc hoàn thành và đưa vào vận hành siêu nhà máy Thượng Hải đã giải quyết được vấn đề năng lực sản xuất bị chỉ trích bấy lâu nay của công ty và mở ra một sự bùng nổ tại thị trường Trung Quốc. Vào tháng 1 năm nay, tại lễ bàn giao Tesla Model 3 trong nước, Musk cũng đã khiêu vũ ngay trên sân khấu.
Ở thị trường Trung Quốc, Tesla gây bất ngờ khi doanh số bán xe năng lượng mới đã giảm 44% trong nửa đầu năm nay nhưng mẫu Model 3 của hãng lại tăng ngược với xu hướng. Vào tháng 6, doanh số bán hàng của Model 3 bằng số lượng bán xe của các vị trí từ thứ 2 đến thứ 6 cộng lại. Điều này cho phép Tesla liên tục cải thiện về lợi nhuận và dòng tiền. Tính đến quý 2 năm 2020, Tesla đã đạt lợi nhuận ròng 104 triệu USD, tăng trưởng 4 quý liên tiếp.
Và mới đây nhất trong sự kiện về trí tuệ nhân tạo, Elon Musk đã "mạnh miệng" tuyên bố hệ thống tự lái của xe điện Tesla có thể đạt được đến cấp 5 vào cuối năm 2020. Nên biết rằng cấp độ 5 là công nghệ tự lái cao nhất. Những chiếc xe tự lái cấp độ 5 nghĩa là một chiếc xe hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người, có thể xử lý tất cả các vấn đề về điều hướng cũng như tự điều chỉnh để tránh va chạm
Một nhà phân tích từ Essence Securities - tập đoàn chứng khoán hàng đầu Trung Quốc - cho biết mô hình kinh doanh của Tesla khá tương đồng với Apple. Trong tương lai, tính phí liên tục cho các dịch vụ phần mềm sẽ trở thành mô hình kinh doanh quan trọng nhất của Tesla. Công ty khi đó sẽ không chỉ là nhà sản xuất ô tô mà còn là nhà sản xuất phần mềm. Và nó sẽ tạo ra một nền tảng dịch vụ lái xe tự hành trong tương lai.
Còn với SpaceX thì kể từ đầu năm nay, công ty này đã trở thành hãng hàng không thương mại đầu tiên đưa con người lên vũ trụ rồi trở lại Trái đất an toàn.
"Mùa thu hoạch" của Elon Musk cũng đã đến, mặc dù hơi muộn. Space X đã mất 18 năm để viết lại lịch sử của tàu vũ trụ có người lái thương mại. Còn Tesla cũng mất tới 16 năm để vượt qua Toyota để trở thành công ty xe hơi giá trị nhất thế giới.
Và có lẽ đã tới lúc không nên đặt câu hỏi liệu Elon Musk có thể trở thành "Steve Jobs tiếp theo" hay không, mà là: Liệu Elon Musk có thể vượt qua Steve Jobs? Hay liệu Tesla có trở thành Apple tiếp theo hay không?
George Blankensey, người đã từng làm việc cùng Steve Jobs và Elon Musk, tin rằng Jobs và Musk rất giống nhau.
"Hai người họ giống như du hành từ thời gian và không gian khác đến hiện tại, cố gắng đưa chúng ta đến nơi mà họ biết là chúng ta có thể chạm đến", ông chia sẻ.
Có thể nói, Jobs và Musk là đại diện của sự đổi mới ngược. Đó là sự biến đổi và lật đổ các ngành truyền thống bằng những sự đổi mới phi tuyến tính. Xác định một ngành và thiết lập lại luật chơi để thay đổi bản chất của ngành. Hay có thể nói hướng tiến hóa giống như là đột biến gen.
Năm 2007, khi iPhone ra đời, top 4 trên thị trường điện thoại di động toàn cầu đang bị Nokia, Motorola, Samsung và LG chiếm giữ. Năm đó, Nokia đã bán được tổng cộng 437 triệu điện thoại di động. Điện thoại di động bán chạy nhất trên thị trường toàn cầu là Sony Ericsson K800, một chiếc điện thoại phổ thông với bàn phím số T9 tiêu chuẩn.
Trên thực tế, mẫu iPhone ban đầu không phải là chiếc smartphone đầu tiên, nhưng trước khi hệ điều hành iOS và Android xuất hiện, những cái gọi là "điện thoại thông minh" trên thị trường không thực sự thông minh. Tại cuộc họp báo ra mắt, khi Steve Jobs vuốt trên màn hình, ông có thể cuộn qua danh sách và nhấp đúp vào đường link URL để mở trang web. Sự mượt mà của thao tác này khiến mọi người thực sự tin tưởng vào điện thoại thông minh.
Vì vậy, về cơ bản, điều Steve Jobs thay đổi đầu tiên là trải nghiệm người dùng, thứ mở ra thời kỳ hoàng kim của điện thoại thông minh.
Giống như Apple, sự xuất hiện của Tesla cũng dẫn đến sự phát triển của một ngành công nghiệp.
Ngay sau khi iPhone gây bão trên thị trường điện thoại thông minh, vào năm 2008, Tesla đã cho ra mắt sản phẩm xe hơi đầu tiên Roadster1. Điều đáng kinh ngạc nhất của chiếc xe này là quãng đường đi được. Mẫu xe này có khả năng tăng tốc lên 100 km/h chỉ trong 3,7 giây, tốc độ tối đa 200 km/h và phạm vi hoạt động 350 km chỉ trong một lần sạc.
Trước đó, trở ngại chính hạn chế sự phát triển của xe điện là công nghệ pin. Roadster1 áp dụng phương pháp sử dụng bộ pin bao gồm hơn 7.000 viên pin lithium, được bổ sung bởi hệ thống quản lý pin mạnh mẽ, nhằm giải quyết những thiếu sót về tuổi thọ của xe điện. Và chính mẫu xe này đã khiến mọi người nhận ra rằng xe điện cũng có thể tiếp cận xe chạy bằng nhiên liệu thông thường.
Nếu Roadster 1 đã mở ra con đường cho các phương tiện năng lượng mới, thì việc phát hành Tesla Model S giống như một chất xúc tác cho ngành công nghiệp, tạo ra một sự chuyển đổi của cả ngành công nghiệp.
Vị trí của Tesla của ngày hôm nay đối với toàn bộ thị trường xe năng lượng mới giống như iPhone đối với thị trường điện thoại thông minh, là một kẻ luôn thay đổi và dẫn đầu. Những nhân vật cốt lõi như Elon Musk và Steve Jobs, đã cùng nhau đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp và trở thành những nhà lãnh đạo tinh thần có sức mạnh thay đổi thời đại.
Ở một khía cạnh khác, nhiều điểm chung trong tính cách của Musk và Jobs cũng ảnh hưởng đến Tesla và Apple.
Richard Reyes, cựu phó chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng của Tesla cho biết: "Elon Musk là một người rất khắt khe, với kiểu nhịp điệu tác phong không phù hợp với nhiều người". Reyes rời đi vào năm 2012, nhưng người kế nhiệm của ông đã chọn ra đi chỉ 6 tháng sau khi tiếp quản.
Trong ấn tượng của mình, Elon Musk từng nói rằng ông chỉ muốn một 'lực lượng đặc biệt' làm việc cho mình chứ không phải những người bình thường. Khi phó chủ tịch của bộ phận quản lý chuỗi cung ứng từ chức, người này đã nhận xét về Musk rằng: "Ông ấy quá khắt khe và tôi không muốn hợp tác với ông ấy nữa".
Trên thực tế, bản thân Musk trông không giống một "người bình thường". Thời gian làm việc của ông thường hơn 100 giờ một tuần, trong trường hợp khẩn cấp, thời gian làm việc này thậm chí có thể vượt quá 120 giờ một tuần. Và làm việc hăng say cũng đồng nghĩa với sự khắc nghiệt, bạo ngược và những sự đòi hỏi cao.
Steve Jobs tại Apple cũng không thua kém. Phó chủ tịch cấp cao về thiết kế của Apple, Jonathan Ive, đã nhận xét về ông chủ của mình như sau: "Cách anh ấy bộc lộ thái độ làm tổn thương người khác. Tôi cảm thấy rằng anh ấy không có chút ngại ngùng khi làm điều này và điều đó dường như được coi là đương nhiên. Anh ấy tin rằng tương tác xã hội và những quy định thông thường của luật pháp không áp dụng cho mình. Chính vì sự nhạy cảm của bản thân nên anh ấy biết cách làm hại người khác một cách nhanh chóng và hiệu quả".
Steve Jobs nổi tiếng với một tính khí xấu và ham muốn kiểm soát mạnh mẽ. Tạp chí Wired đề cập rằng, theo các nhân viên đã tổ chức các cuộc họp với Jobs, bất kể cuộc họp được tổ chức vào lúc nào, với ai và trong bao lâu, Steve Jobs luôn là người phát biểu, chiếm ít nhất 3/4 thời gian cuộc họp. Cũng trong cuộc họp, Jobs sẽ chiếm toàn bộ tấm bảng trắng một mình, rồi ông sẽ vẽ nguyên mẫu lên đó, hoặc dùng tay và miệng giảng bài cho nhân viên.
Đây có thể được xem là một mặt khác bên trong các thiên tài, và nó cũng hình thành nên nét quyến rũ cá tính đầy độc đáo của họ. Bất kể là xa cách hay hoang tưởng, họ đã sử dụng những ý tưởng thiên tài và khả năng thực thi đáng kinh ngạc để trở thành kẻ phá vỡ ngành công nghiệp và trở thành biểu tượng văn hóa của thời đại.
Khi Apple ở trên đỉnh cao, nhiều sản phẩm của các đối thủ xuất hiện và vỗ ngực tự xưng là "kẻ giết ch*t iPhone". Tesla cũng có những đối thủ như vậy.
Cuộc chiến hiện tại cho các phương tiện năng lượng mới là quá trình từ sản phẩm đến năng lực sản xuất, chiếm lĩnh tâm trí của người dùng và thương hiệu. Nhưng có thể dễ dàng nhận ra sân chơi dường như được chia thành hai thái cực riêng biệt: Tesla và các hãng khác.
Ở thị trường mới nổi Trung Quốc, trong bảng xếp hạng xe năng lượng mới vào tháng 6 tại một loạt các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, Tesla đứng đầu, với doanh số cao gấp 2-3 lần so với vị trí thứ 2. Và trong danh sách này, không có tên của Xiaopeng, NIO và Lixiang - ba nhà sản xuất xe điện từng tự xưng là "kẻ giết Tesla".
Và để so sánh thì hiện tại, giá trị thị trường của 3 công ty sản xuất ô tô điện này được duy trì ở mức khoảng 15 tỷ USD, tức là chưa bằng 1/20 so với Tesla.
Cả ba chạy chỉ biết chạy theo sau, thậm chí không nhìn thấy bóng lưng của đối thủ, cũng không biết mình đã thua ở đâu. Trước tình hình doanh thu ảm đạm, CEO Li Xiang của công ty xe điện Lixiang từng bất lực nói: "So về thời lượng pin, độ thông minh và tiết kiệm chi phí, chúng tôi đều có thể vượt trội hơn Tesla. Nhưng điều đó lại không thay đổi được kết quả cuối cùng".
Trên thực tế, nếu xét riêng từ góc độ thông số sản phẩm, các hãng xe điện ở Trung Quốc có khoảng cách không lớn với Tesla. Như xét về phạm vi chạy, mẫu Xiaopeng P7 có giá tương đương với Model 3 và thời lượng pin đủ để đi quãng đường lên tới 700km, hơn 445km của Model 3.
Vấn đề là Tesla, đã được thành lập 11 năm, có sự tích lũy kỹ thuật và tầm ảnh hưởng thương hiệu sâu hơn, cùng hệ thống chuỗi cung ứng trưởng thành hơn, đi kèm với nó là quyền phát ngôn ngày càng cao trong việc kiểm soát chi phí.
Khoảng cách giữa Apple và các thương hiệu điện thoại di động khác cũng tương tự. Một chiếc "iPhone Killer" mới ra mắt có thể sở hữu màn hình đẹp hơn, RAM cao hơn, dung lượng bộ nhớ tốt hơn, nhưng nó cũng chẳng thể thay đổi được điều gì.
Với Tesla, lợi thế của trình độ công nghệ cơ bản đã tạo nên khả năng cạnh tranh cốt lõi của công ty. Ở đây là công nghệ quản lý pin của hãng. Đích thân CEO hiện tại của Audi là Markus Duesmann đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng Tesla đi trước Audi hai năm, cả về dung lượng ắc-quy, thuật toán và phần mềm cũng như công nghệ tự lái.
Nhờ đó, Tesla đã giành được lợi thế đi đầu trong thị trường xe năng lượng mới và với sự gia tăng liên tục của biên lợi nhuận gộp cùng lợi nhuận liên tục, lợi thế tích lũy ngày càng lớn hơn.
Quay lại với Apple thì chỉ những sản phẩm phần cứng không đủ để đưa Steve Jobs lên vị trí như một nhà lãnh đạo tinh thần. Sự vĩ đại thực sự của Jobs nằm ở việc ông bố trí và xây dựng hệ sinh thái phần mềm và phần cứng, cũng như hệ sinh thái nội dung của ngành điện thoại di động thông qua việc phá vỡ mô hình kinh doanh của các công ty điện thoại di động trước đây.
iOS đã chọn là hệ sinh thái khép kín ngay từ đầu. Theo quan điểm của Jobs, chỉ khép kín mới mang lại trải nghiệm người dùng phù hợp hơn với phần cứng. Chỉ 4 tháng sau khi iPhone ra mắt, Apple đã tung ra bộ công cụ phát triển phần mềm cho những ai muốn phát triển phần mềm cho iPhone. Cũng từ đó, mô hình độc đáo của "iPhone + App Store" đã thành hình.
Lợi ích chính của hệ sinh thái khép kín là Apple có thể tăng cường quyền kiểm soát đối với các nhà phát triển ứng dụng. Trong khi đảm bảo trải nghiệm người dùng, Apple có quyền thương lượng mức phí hoa hồng mạnh mẽ hơn đối với các nhà phát triển. Mô hình doanh thu "quảng cáo + quản lý nhà phát triển ứng dụng + phần mềm trả phí", so với mô hình chủ yếu dựa vào doanh thu quảng cáo của Android, đã hình thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của hệ sinh thái iOS của Apple. Vòng lặp hệ sinh thái khép kín hoàn chỉnh này đã hỗ trợ Apple trở thành một đế chế kinh doanh trị giá hai nghìn tỷ USD.
Khi Elon Musk tiếp quản vị trí của Steve Jobs và trở thành một biểu tượng văn hóa mới, liệu Tesla có trở thành Apple tiếp theo? Khả năng này có thể mơ hồ nhìn thấy một cách tiềm ẩn trong hệ sinh thái mà Tesla đang xây dựng.
Thực tế, Tesla từ lâu đã không phải là một nhà sản xuất xe hơi theo nghĩa truyền thống, cũng không chỉ là một công ty công nghệ đơn thuần. Tesla hiện tại đang đi theo quỹ đạo của Apple trước đây, khám phá hệ sinh thái phần mềm của các phương tiện năng lượng mới.
Nâng cấp toàn bộ xe qua OTA (Over-The-Air) là nền tảng của phí dịch vụ phần mềm của Tesla. Nói một cách đơn giản, công nghệ OTA cho phép chiếc xe thực hiện việc nâng cấp hệ thống trực tuyến giống như một chiếc điện thoại di động.
Giá trị của OTA đối với các hãng xe nằm ở hai khía cạnh, một là nâng cấp hiệu suất, hai là tiết kiệm chi phí.
Theo các chuyên gia công nghệ đánh giá, sau khi triển khai chức năng OTA của xe, Tesla có thể tiếp tục cải thiện các tính năng của phương tiện thông qua nâng cấp hệ thống, thay thế cửa hàng 4S truyền thống (Sales- Servicce - Spare Parts - Global system), đồng thời nắm chắc hoạt động và dịch vụ của xe sau khi giao hàng. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường IHS, chỉ riêng về tiết kiệm chi phí, OTA có thể tiết kiệm cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu khoảng 35 tỷ USD vào năm 2022.
Vào tháng 1/2019, Tesla lần đầu tiên giới thiệu một cửa hàng ứng dụng phần mềm, để chủ xe có thể mua dịch vụ thông qua App, giống như App Store của Apple. Và tính đến tháng 6 năm nay, Tesla đã tiến hành 13 lần cập nhật phiên bản quan trọng lên OTA, đáng chú ý là bản cập nhật V10 vào tháng 9/2019. Có vẻ như việc OTA toàn bộ phương tiện của Tesla giống như cách hệ thống iOS của Apple đang vận hành. Hiện tại mặc dù nó chưa thực sự trưởng thành và hoàn thiện như iOS, nhưng ngay cả từ góc độ kiểm soát chi phí, nó cũng đã thể hiện đầy tiềm năng.
Và cuối cùng, Tesla cũng còn con bài chủ chốt. Đó là hệ thống lái xe tự động.
Vào năm 2019, Musk tuyên bố Tesla sẽ hiện thực hóa các chức năng lái xe tự hành một cách hoàn toàn vào năm 2020 đồng thời ra mắt dịch vụ taxi tự lái. Là một bộ phụ kiện không người lái tùy chọn, Auto Pilot hiện có giá 7.000 USD. Sau khi lắp đặt thiết bị này, Tesla sẽ tiếp tục thực hiện nâng cấp OTA cho đến khi đạt đến mức hoàn toàn không cần người lái điều khiển phương tiện. Các chuyên gia trong ngành tính toán nó có thể dễ dàng kéo tỷ suất lợi nhuận gộp của mẫu Model 3 lên trên 30%.
Điều này cung cấp cho Tesla một khoảng trống đáng kể trên thị trường. Từ việc bán xe hơi đến dịch vụ Internet tập trung vào phần mềm đến lái xe tự động, Tesla dường như đang tái tạo lại con đường cũ của Apple, lật đổ khái niệm của những chiếc xe nguyên bản.
Trước mô hình kinh doanh hoàn toàn mới của ngành công nghiệp ô tô hiện tại, Tesla chưa có đối thủ và đây là cơ hội tốt nhất của hãng. Có lẽ, Tesla đã chuẩn bị mọi thứ để trở thành Apple tiếp theo, sau khi tiến thêm một bước nữa trong hệ thống lái xe tự động.
Tham khảo Sina