Phóng sự hôm nay

Tết sớm ở bản Duốc

Cách thành phố Hòa Bình gần 100km đường bộ, bản Duốc như một cô sơn nữ nằm e lệ, khép mình bên dòng sông Đà hùng vĩ.

Mái tóc của nàng xòa dài, xanh mướt về tận phía hạ nguồn. Ấy là thủa còn tươi xanh, cuối năm 2017, cơn lũ dữ chợt ùa về trong đêm, cả làng bản nhấn chìm trong màn nước, chồng mất vợ, vợ mất con, gia đình mất nhà cửa... Cơn đau vẫn còn đấy, dù thời gian và năm tháng đang xoa dịu dần nỗi đau.

Người dân bản Duốc vui mừng trong đêm gói bánh chưng.

Chúng tôi có mặt tại bản Duốc (xã Suối Nánh - Đà Bắc - Hòa Bình) vào những ngày cận Tết Nguyên Đán, thấp thoáng trên những mái nhà sàn của người dân bản địa đã rục rịch cho những ngày Tết đến. Người dân bản Duốc đã gồng mình đứng lên sau trận lũ lịch sử vào đêm 10 rạng sáng 11/10/2017 và trận lũ tháng 8/2018 sau đó. Những người dân vẫn còn canh cánh nỗi đau khi nhắc lại những ngày định mệnh ấy. “Kinh khủng lắm Nhà báo à, cả bản đang say ngủ thì lũ ùa về. Chúng nhanh lắm, chỉ trong chớp mắt đã nhấn chìm tất cả. Chỉ biết là gọi nhau và chạy thôi” - cụ ông Lý Văn Hoa nhớ lại.

Dẫn chúng tôi một vòng quanh bản Duốc, cụ Hoa vừa đi vừa kể, nơi đây ngày trước có cây táu to lắm, phải đến cả 3 người ôm không hết, lũ ập về rồi cuốn cây trôi đi đâu không rõ. Rồi đây là nhà chị Lún, người mẹ đơn côi lại bị bệnh mà lũ có tha đâu, nó cuốn phăng tất cả chỉ còn lại nền đất và vài vật dụng sót lại.

Trong cơn lũ dữ ùa về trong đêm mùng 10, rạng sáng ngày 11/10/2017 ấy, người dân trong xã còn chưa quên chàng thanh niên Bùi Văn Tiến (xóm Cơi 3 xã Suối Nánh) - người hai lần mở đường để cứu được 16/20 người dân trong cơn lũ dữ. Tiến vẫn canh cánh: “Em chỉ tiếc là không cứu được 4 người còn lại. Họ bị ch*t một cách tức tưởi quá”.

Cũng như bất cứ một người dân bình thường nào, Tiến chưa bao giờ nghĩ lũ sẽ ùa về bản, về làng mình rồi cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người. “Chiều tối hôm ấy chiếc xe tải buôn ngô chở theo 12 người, do mưa lớn nhiều ngày nên đường sạt lở, tắc nghẽn nên họ xin ở nhờ lại nhà em. Đêm, mưa càng lớn. Cả đêm em không tài nào chợp mắt được nên khoảng 1h sáng em vùng dậy cầm đèn pin đi ra xem ao thả cá có bị ngập không. Vừa ra đến cổng nhà thì nước ập về cuốn trôi chiếc xe máy dựa trước nhà. Tôi chỉ kịp chạy ngược vào nhà hô hào mọi người dậy rồi chạy. Tất cả những người trong nhà bật dậy, chạy theo em lên tảng đá trước nhà. Chỉ trong vài phút, nhà em và 4 ngôi nhà hàng xóm đều bị cuốn trôi. Ông chủ buôn ngô, lái xe, một người bốc vác, một thanh niên trong xóm cùng chiếc xe tải không kịp chạy đã bị dòng nước cuốn đi” - Tiến đau đáu nhớ lại.

Chỉ khi trời sáng, hai anh em Tiến mới vượt lũ sang bờ bên kia dùng một cây luồng để 15 người bám vào men theo thoát khỏi miệng của tử thần. 54 người ch*t, hàng trăm căn nhà bị cuốn trôi, bản, cả xã và cả huyện Đà Bắc tan hoang chỉ sau một đêm lũ càn quét.

Tập kết quà tặng để di chuyển hơn 2 cây số bằng xe máy trên con đường đá sỏi vào bản Duốc.

Đã trở thành thông lệ, từ năm 2015 đến nay hoạt động tặng bánh chưng cho người nghèo tại bản Duốc của nhóm thiện nguyện Thăng Long Volunteer được người dân nơi đây vui mừng đón nhận.Dương Văn Khoa trưởng nhóm thiện nguyện cùng nhóm bạn cứ đến hẹn lại lên để xoa dịu những nỗi đau, chia sẻ những khó khăn với bà con các xã nơi đây. “Chỉ là một cặp bánh chưng, một túi kẹo thôi là những người dân vơi bớt khó khăn phần nào” - Khoa chia sẻ.

Các tình nguyện viên gói và luộc bánh chưng tại bản Duốc.

Như một thước phim chậm rãi trở về với ký ức, Khoa kể: “Năm 2007, khi em còn là một cậu sinh viên Trường Đại học Thăng Long, chúng em đã đạp xe đạp trong chương trình Mùa hè Xanh của sinh viên tình nguyện để đến với mảnh đất này. Người dân còn nhiều khó khăn quá, vất vả và nghèo lắm. Thế là cứ thôi thúc em làm được một điều gì đó cho người dân nơi đây”.

Tặng quà cho chị Bàn Thị Lún.

Ra trường, công việc không cho phép chàng trai ấy có nhiều thời gian để chia sẻ cùng người dân nghèo khó. Công việc cứ bộn bề, chỉ đến khi đã ổn định mọi thứ, Khoa cùng nhóm bạn lại tiếp tục dệt những ước mơ còn canh cánh bên lòng: “5 năm trở lại đây, độ một tháng trước Tết Nguyên Đán, chúng em bắt đầu chuẩn bị gạo, thịt, đỗ xanh, quà bánh... để đến với bà con các xã Đồng Chum, Suối Nánh, Bản Duốc... để gói bánh, luộc và tặng bà con” - Khoa chia sẻ. “Chỉ tiếc là sức người có hạn, chúng em muốn làm nhiều hơn nữa để những tiếng cười của trẻ thơ không còn đứt quãng”.

Những cặp bánh chưng được trao tận tay đến những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thời gian ít ỏi của hai ngày cuối tuần, ngoài việc gói, luộc và trao những cặp bánh chưng vẫn còn nóng hổi cho bà con bản Duốc này, nhóm của Khoa còn cắt băng, tặng mẹ con chị Bàn Thị Lún căn nhà mà cả nhóm gom góp tiền trong năm qua để xây dựng.

Được biết, chị Lún có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, một mình chị nuôi con trong tình hình chị đang mang bệnh. Cũng bởi khó khăn nên các bạn cùng trang lứa của con chị đã học lớp 4 thì cô bé Xuân, con gái chị mới bắt đầu đi học lớp 1. Với hoàn cảnh khó khăn ấy, chị buộc phải gửi cậu con trai 9 tuổi cho người em trai nuôi. “Nhà có 2 mẹ con thôi, lại bị lũ cuốn đi từ năm ngoái rồi. Các chú ấy xây nhà cho, lại cho cả bánh chưng ăn Tết nữa. Các chú ấy tốt với mẹ con cháu quá” - bé Xuân nghẹn ngào.

Chia tay bản Duốc trong cái se se lạnh của tiết trời cuối năm, trên con đường mấp mô sỏi đá vừa mới được san, gạt lại sau những trận lũ càn quét. Chúng tôi ngược trở về với công việc thường nhật. Thấp thoáng phía bên bìa rừng, những cành đào, cành mai đang khoe sắc như đón chào một mùa xuân đang đến rất gần.

Bài, ảnh: Tuấn Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tet-som-o-ban-duoc-n153391.html)

Chủ đề liên quan:

tết ở bản duốc

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY