Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Thanh Hóa: Thay đổi diện mạo từ Chương trình xây dựng nông thôn mới

(MangYTe) - Những ngày đầu tháng 11/2021, chúng tôi đã chứng kiến sự sôi động tại một số huyện: Nông Cống, Thiệu Hóa, Triệu Sơn đang gấp rút hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Theo báo cáo của UBND huyện Nông Cống: từ năm 2010 đến nay, cùng với các chính sách của Trung ương, của tỉnh, HĐND huyện Nông Cống đã ban hành 115 Nghị quyết với nhiều cơ chế hỗ trợ để khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế và hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục. Đến nay tổng số tiền hỗ trợ giai đoạn (2010-2021) là 516,2 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong đó, lĩnh vực kinh tế: Nông Cống đã ban hành 65 Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ, chủ yếu về phát triển trang trại chăn nuôi, hỗ trợ giống cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển giao kỹ thuật cây trồng có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổng số tiền hỗ trợ trên 95 tỷ đồng.

Từ cơ chế hỗ trợ, nhiều mô hình kinh tế trang trại của Nông Cống đã cho hiệu quả cao, đã góp phần xây dựng, hình thành được 5 vùng sản xuất trồng trọt các sản phẩm chủ lực với diện tích 7.361 ha, 5 khu chăn nuôi trang trại tập trung, 3 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, cải tạo 1.200 ha vườn tạp, có 3 sản phẩm OCOP 3 sao…

  Đoàn thẩm định NTM đi thăm mô hình kinh tế tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (ảnh: ĐN)
Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, Nông Cống đã quan tâm chú trọng huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn lực ngân sách Nhà nước các cấp, huyện đã chỉ đạo các xã, thôn chủ động vận động các nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt. Tổng nguồn lực huy động cho việc xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay toàn huyện đạt: 9.239.980 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Trung ương: 112.360 triệu đồng, chiếm 1,22%; ngân sách tỉnh: 314.515 triệu đồng, chiếm 3,40%; ngân sách huyện: 516.200 triệu đồng, chiếm 5,59%; ngân sách xã: 751.723 triệu đồng, chiếm 8,13%; vốn tín dụng: 40.450 triệu đồng, chiếm 0,44%; doanh nghiệp đầu tư: 56.163 triệu đồng, chiếm 0,61%; vốn lồng ghép: 7.130 triệu đồng, chiếm 0,08%; nguồn đầu tư từ nhân dân: 7.441.439 triệu đồng, chiếm 80,53% (trong đó: nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi 364.663 triệu đồng, chiếm 3,95%; nhân dân xây dựng, cải tạo, chỉnh trang nhà ở: 7.076.776 triệu đồng, chiếm 76,58%).

Về công tác quản lý sử dụng vốn: huyện đã phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng và nguồn lực chủ yếu hỗ trợ đầu tư, cho các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay đã 28/28 xã đạt NTM. Quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021-2030 và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu theo quy định. Nông Cống đang xúc tiến được công nhận “huyện dạt chuẩn NTM vào cuối năm 20221”.– Ông Đức nói.

Huyện Thiệu Hóa: hiện nay đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; được Đoàn thẩm tra và được Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh bỏ phiếu (tỷ lệ đạt 100%) đồng ý đề nghị Thủ tướng chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2021. Tiêu chí nâng cao, bình quân đạt 11,5/15 tiêu chí/xã. Riêng xã Thiệu Trung phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2021. Thực hiện kế hoạch năm 2021, Thiệu hóa đã có 03/35 thôn về đích thôn NTM kiểu mẫu. Hiện, 30/35 thôn còn lại đã gửi hồ sơ đề nghị các ngành phụ trách thẩm định để công nhận NTM; 01 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 02 thôn đang trình hồ sơ đề nghị các ngành phụ trách thẩm định.

Tại huyện Triệu Sơn, Đoàn thẩm định đã thăm một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Theo báo cáo thì Triệu Sơn đã hình thành một số mô hình kinh tế, như: Vùng chè Bình Sơn. Vùng cây đào, quất cảnh tại xã Hợp Lý. Nghề trồng cây cảnh ở các xã vùng bán sơn địa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Vân Sơn. Xây dựng các khu công nghiệp để thu hút dự án giày da, may mặc...giải quyết hàng chục nghìn lao động cho nhân dân trong và ngoài huyện…Với thu nhập bình ước đạt 47,73 triệu đồng/người/ năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện còn 0,93%,...

 Đoàn thẩm định Trung ương thăm mô hình kinh tế tại huyện Triệu Sơn (ảnh ĐN)
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Năm 2020, tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Thanh Hóa vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 12/2021 Thanh Hóa sẽ có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM; 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 17,57 tiêu chí.

Dự kiến đến hết năm 2021 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, có 2 sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 51 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 01 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Dự kiến, sau khi Đoàn thẩm định NTM cấp trên về kiểm ra, tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm 3 huyện (Nông Cống, Triệu Sơn và Thiệu Hóa) được công nhận NTM, như vậy toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố được công nhận NTM. Mục tiêu năm 2022: Thanh Hóa có thêm huyện Hậu Lộc, thành phố Sầm Sơn và 18 xã, 83 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã, 59 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, có 01 sản phẩm cấp quốc gia. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã.

Ông Cao Văn Cường cho rằng: giải pháp chủ yếu trong XDNTM vẫn là: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP.

 Đoàn Thẩm định NTM Trung ương thăm làng nghề đúc đồng tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (ảnh: ĐN)
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn trong Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Tiếp tục xây dựng, ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.  Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng có khả năng cạnh tranh cao, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, bản, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự khu vực nông thôn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định huyện, xã đạt chuẩn NTM, đảm bảo đúng chất lượng, không chạy theo thành tích. Các thành viên BCĐ tỉnh chủ động, tăng cường kiểm tra việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại các xã, huyện đã đạt chuẩn, từ đó xây dựng xã NTM nâng cao và xây dựng thôn, bản, xã, huyện NTM kiểu mẫu – Ông Cao Văn Cường khẳng định.

Phạm Ngọc

Mạng Y Tế
Nguồn: Bảo vệ pháp luật (https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/thanh-hoa-thay-doi-dien-mao-tu-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-114701.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY