Phóng sự hôm nay

Thao thức đêm Hà thành

Hà Nội đang vào những ngày cuối thu đầu đông, tiết trời se lạnh về đêm và sáng sớm.

Đây là khoảng thời gian thời tiết Hà Nội đẹp nhất trong năm. Vậy nên lang thang cùng những người sống về đêm ở Hà Nội cũng đầy thú vị.

Luôn có 2 bức tranh đối lập ở mảnh đất Thủ đô. Một bên là đèn màu bảng hiệu lấp lánh, phồn hoa, cuộc sống vội vã ồn ào. Và bên còn lại, là một mảng màu đậm sự nhọc nhằn của những người dân lao động đổ về Hà Nội mưu sinh. Từng góc phố ở Hà Nội đều có thể trở thành nơi kiếm sống của những người lao động từ các tỉnh đổ về. Với họ, Thủ đô không chỉ có ánh đèn màu lấp lánh, phồn hoa, rực rỡ... Hà Nội lúc này là “chiếc cần câu cơm” để mưu sinh, để tồn tại. Đa phần họ là những người già cả, nhưng cũng có những bạn trẻ từ quê lên thành phố để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Dù đến từ đâu, thì dân lao động vẫn coi phố phường Hà Nội như một miền đất đầy hứa hẹn trên hành trình mưu sinh của mình.

Cảnh sát 141 kiểm tra người tham gia giao thông có biểu hiện nghi vấn.

Bác Trương Thế (60 tuổi) với chiếc xe đạp cũ hằng đêm bán bóng bay quanh bờ Hồ Gươm, mỗi ngày bác bán từ 19h tối đến 24h đêm. Bác chia sẻ: Vào những ngày cuối tuần, trên phố đi bộ đông người qua lại, bác bán được 40 quả, còn những ngày khác số lượng ít hơn. Bóng đã bơm rồi không dùng lại được nữa mà nếu bán không hết thì phải thả đi.

Mặc dù năm nay đã 63 tuổi nhưng do cuộc sống khó khăn, bác Phạm Minh Sỹ quê Nam Định hàng ngày vẫn đạp xe vòng quanh bờ hồ để bán kem bông, bò bía, chong chóng... Mỗi ngày bác bán từ 18h đến 24h. Cũng may Hà Nội đang đẹp trời, ít mưa nên việc bán hàng có vẻ thuận lợi hơn. Chứ vào những ngày mưa bác lại canh cánh nỗi lo vì không bán được nhiều hàng, lấy đâu tiền chi tiêu hàng ngày.

Đi trên đường phố Hà Nội buổi tối, không khó để bắt gặp những xe hàng chất đầy đổ ăn bán dạo. Nào là sắn luộc, xôi nóng, ngô luộc, xúc xích nướng, chè bưởi... làm cho bức tranh đêm Hà Nội thêm đa dạng. Anh Nguyễn Trường (quê Thái Bình) lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề bán hàng ăn rong đêm ở Hà Nội 5 năm nay chia sẻ: “Chập tối thì em rong ruổi các phố. Nhưng đêm muộn thì em đứng ở cổng các vũ trường, quán bar lớn. Khi mọi người chơi đêm xong sẽ đói nên em bán được nhiều hàng. Hôm nào cũng tầm hơn 2h sáng em mới về nhà. Thu nhập thôi thì cũng đủ cho 2 cháu ở quê ăn học”.

­Khi màn đêm dần tối đen kịt, người trên đường đã vắng. Những chiếc xe còn lại trên đường sau buổi tối cũng đang vào ga lao vun vút trên đường phố rồi khuất hẳn. Chỉ còn lại tiếng gió thổi xào xạc, tiếng bước chân và tiếng chổi tre loẹt quẹt đâu đó trên đường phố, tạo nên những nốt nhạc đặc trưng của nghề công nhân môi trường đô thị.

Mỗi nghề có một đặc thù, một nỗi niềm riêng. Nghề làm công nhân môi trường đô thị ở Hà Nội gắn liền với nắng mưa, gió rét, đường phố và bụi bẩn và màn đêm. Công việc của những người công nhân là thu gom rác thải từ các thùng và quét rác trên đường phố. Hình ảnh những người lao công, đẩy những xe rác quá đầu người, trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô. Hà Nội giờ đây không chỉ có 36 phố phường, diện tích được mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc, khách du lịch, khách vãng lai tứ xứ đến du lịch, làm ăn, buôn bán. Từ trung tâm thành phố cho tới các vùng ven, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các dịch vụ thương mại, hàng quán mọc lên như nấm sau mưa. Đời sống vật chất của người dân ngày càng sung túc... Và một trong những hệ quả tất yếu là lượng rác thải tăng lên đáng kể. Công việc của những người công nhân quét rác cũng nhân lên bội phần.

Nhọc nhằn công việc dọn dẹp rác về đêm.

Những người quét rác, mỗi ngày phải làm việc khoảng 8 tiếng, chia theo từng ca, tuy nhiên việc quét rác chủ yếu thực hiện ban đêm từ 21h đêm đến 5h sáng hôm sau. Thường thì đến tối, nhà nhà mới gom rác đi đổ, các nhà hàng, quán ăn cũng tan tầm. Lượng rác thải ra rất nhiều. Họ phải làm luôn chân tay mới kịp giờ xe chở rác đến. Trung bình mỗi ngày, mỗi người công nhân phải kéo từ 4- 5 xe rác, với trọng lượng trên dưới 4 tạ/một xe. Những ngày cuối tuần hay ngày lễ, lượng rác nhiều gấp 2, 3 lần những ngày bình thường.

Trời càng về đêm càng lạnh, khi mọi người đang cuộn tròn trong chăn ấm, những người lao công phải phơi mình trong gió lạnh và sương đêm để làm việc. Có những hôm trời nóng, nhiệt độ lên tới 37- 38 độ, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ những đống rác, khiến người đi đường cũng phải bịt mũi đi nhanh. Vậy mà những người công nhân ấy, vẫn ngày ngày phải thu gom những thứ đáng sợ đó. Nếu họ không làm việc, thì sáng sớm mai Hà Nội ngập ngụa rác.

Cùng với những người thu gom rác là những người nhặt rác cũng tranh thủ màn đêm để kiếm sống. Với họ không có mùi gì là khiếp là sợ, họ chỉ quan tâm đến hôm nay có nhiều thứ rác tái chế để nhặt hay không, để ngày mai con đi học có thêm manh áo mới...

Thành phố vào đêm, các tuyến đường dày đặc phương tiện qua lại. Dòng ánh sáng nhập nhòa từ đèn xe cùng với tiếng gầm gừ của động cơ cứ lừ đừ trôi... Giữa ngã tư tấp nập dòng xe cộ, xuất hiện màu áo của cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động lẫn với những bộ thường phục chỉn chu có, bụi bặm có, sành điệu có... Tất cả họ đang có chung một nhiệm vụ là kiểm tra người, phương tiện vi phạm luật giao thông và các đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn. Họ là 141!

Được thành lập tháng 8/2011, gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, các tổ 141 có nhiệm vụ lập chốt hoạt động công khai tại các nút giao thông quan trọng có cảnh sát hình sự hóa trang và dân sự hóa. Thông qua hệ thống cung cấp tin của các chốt nhỏ được bố trí bí mật để chốt chính dừng và kiểm tra người, phương tiện đang tham gia giao thông vi phạm luật giao thông và các đối tượng tham gia giao thông có nhiều biểu hiện nghi vấn là tội phạm.

Càng về đêm, công việc của họ càng bận rộn, bởi ban đêm, xuất hiện nhiều hơn các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông, thậm chí có xe còn chứa cả vũ khí “nóng”.

Từ 5 tổ công tác ban đầu và mới đây nhất, từ ngày 15/10, Công an Hà Nội sẽ có thêm 15 tổ cảnh sát 141 hoạt động ở 12 quận và 3 huyện, nâng tổng số tổ 141 trên khắp địa bàn lên con số 30. Họ được trang bị bộ đàm, súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, khóa số 8... nhằm tăng cường kế hoạch tác chiến, hoạt động khép kín địa bàn, khép kín khung thời gian, không chỉ bảo đảm trật tự giao thông mà còn làm tốt công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô.

Hàng quán ăn đêm luôn nhộn nhịp từ tối đến sau 12 giờ.

Nếu nói ở hà thành nhộn nhịp nhất, sống thực nhất là vào lúc 0h hàng ngày trở đi thì quả là không ngoa chút nào. bởi lúc đó bức tranh đêm ở đất kinh kỳ này mới bộc lộ hết những mặt tốt và xấu của nó. thật nhiều điều đáng nói...

11 giờ đêm, tôi có mặt ở tuyến phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) - một trong những điểm nóng tập trung nhiều hàng quán bán đồ ăn đêm. Dưới ánh đèn đường, vài hàng quán chưa vội đóng cửa, những quán ăn vỉa hè vẫn nhộn nhịp như chưa có dấu hiệu muốn nghỉ ngơi. Dọc theo tuyến Trần Khát Chân qua phố Lò Đúc, khung cảnh cũng náo nhiệt không kém. Có cầu ắt có cung. Những quán ăn đêm cũng nhộn nhịp như quán ăn bán hàng ban ngày. Người đi ăn đêm là những người tan làm ca 3, cánh lái taxi, dân chơi vừa rời quán bar, vũ trường... Không ít người coi ăn đêm như là bữa chính. Họ la cà quán xá từ 21 giờ, ăn đến hơn 23 giờ mới xong bữa. Chính họ đã góp phần cho sự tồn tại của những quán ăn đêm ở Hà Nội.

Khi nhắc tới những dân chơi, hay người làm nghề bất chính về đêm không thể bỏ qua “gái” đêm. Gọi là gái đêm vì họ hoạt động chủ yếu khi màn đêm buông xuống. Cứ tầm 18 giờ là mỗi gốc cây bên đường Trần Khánh Dư, trước cửa Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đều có một số “gái” đứng chờ hàng. Họ đa phần là những phụ nữ tầm 20-30 tuổi, đi xe máy tay ga, trang phục hở những chỗ cần hở, đeo khẩu trang y tế... Khi gặp khách có “nhu cầu”, mọi chuyện đều được ngã giá nhanh chóng, lấy tấm vải bạt trong cốp xe, họ kéo nhau sang bãi xe rộng bên đường, tìm nơi khuất tầm nhìn, trải tấm bạt ra nền làm bãi đáp. Cũng có khi đội quân cave bị truy quét nhiều thì họ dẫn khách vào nhà nghỉ bên phía trong đê để hành sự. Công việc của “gái” đêm chỉ kết thúc khi khách không còn nhu cầu và thường vào gần sáng.

Các quán bar càng về đêm càng trở nên đông đúc.

Khi thâm nhập “thế giới đêm” của các vũ nữ Hà thành mới thấy cuộc sống của họ phức tạp chừng nào. Nhắc tới vũ nữ (dancer), người ta sẽ hình dung ra ngay đó là những cô gái trẻ, ít nhiều cũng có nhan sắc, chịu chơi, khuôn mặt luôn được kẻ vẽ phấn son sắc lẹm, ăn mặc hở hang, đôi khi có phần lố lăng, thậm chí đến mức trơ trẽn. Nghề của họ là nhảy nhót trong các vũ trường, quán bar... Đôi khi để có tiền họ còn “đi khách” và đôi khi còn kiêm luôn cả buôn bán M* t*y... Mỗi đêm đi vũ trường, mỗi sô diễn của vũ nữ tương đương 1 tiếng. Có nơi yêu cầu khắt khe và trả lương cao hơn thì yêu cầu vũ nữ diễn liền 2 tiếng. Do họ phải ăn kiêng khem để còn giữ dáng, mới mong có việc ổn định, nên sức lực của các vũ nữ không khỏe. Ngần ấy thời gian diễn liên tục, có những cô gái kiệt sức trên sàn diễn. Nên việc vũ nữ dùng M* t*y là chuyện không xa lạ. Dân đi vũ trường cũng nhiều người cắn Thu*c lắc, xài hàng đá. Vậy nên khi vũ trường nhộn nhịp nhất tầm khoảng 11 giờ đêm, thì cũng có vô số dân chơi bị ngáo hoặc phê Thu*c, nhảy và hò hét điên cuồng... Bao chuyện phức tạp cũng bắt đầu từ đây. Vấn nạn M* t*y trong các vũ trường, quán bar thực sự là vấn đề nhức nhối trong xã hội, cần dẹp bỏ.

NGỌC MINH CHÂU

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/thao-thuc-dem-ha-thanh-n165311.html)
Từ khóa: đêm hà thành

Chủ đề liên quan:

đêm hà thành

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY