Thẳng thắn nhìn nhận thì đến thời điểm hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên vẫn còn nhiều trăn trở, nhưng nhìn lại chặng đường khoảng 3 năm trở lại đây thì quả là kỳ tích. Theo Bác sỹ Trần Hữu Tuấn, để có kết quả như hôm nay phải dựa vào sức mạnh của tập thể, phải xây dựng được một tập thể đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần của một thế hệ trẻ tự tin, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết. Có nhiệt huyết thì sẽ có thành quả.
Khi ông Tuấn mới nhận nhiệm vụ, mặc dù bệnh viện đang trên đà phát triển, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Để phát huy hết tinh thần sáng tạo và kế hoạch phát triển bệnh viện lâu dài, đòi hỏi các thầy Thuốc phải lấy bệnh nhân làm trung tâm, xem bệnh nhân là “thượng đế” để mình tận tụy phục vụ. Là người đứng đầu thì phải có quan điểm rõ ràng, phải vượt lên tính cá nhân. Tuyệt đối không được bè phái, lấy đánh giá cán bộ theo quy chuẩn chứ không theo cá tính; lấy chất lượng công việc, thành quả sáng tạc đặc biệt và đạo đức nghề nghiệp làm thước đo cán bộ. Nhờ đó, bệnh viện đã quyết liệt tạo nên những bước đổi mới căn bản trong công tác điều trị cũng như về thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh có BHYT cũng như bệnh nhân đóng viện phí.
Đặc thù bệnh nhân đến Bệnh viện y học cổ truyền Phú Yên thường đông, phần lớn là người cao tuổi, và mắc các bệnh mãn tính, phải điều trị dài ngày nên trên 95-97% nhập viện đều có tấm thẻ BHYT. Bác sĩ Tuấn chia sẻ:“ Đây chính là sự hổ trợ rất lớn về an sinh xã hội cho các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện chúng tôi. Nếu không có thẻ BHYT thì hầu hết người bệnh khó có thể điều trị được một, hai đợt nội trú và sử dụng các dịch vụ kỹ thuật đông y, phục hồi chức năng, Thuốc…chi phí điều trị dài ngày rất cao”. Đồng thời, trách nhiệm của người thầy Thuốc cần phải tự điều chỉnh, cân nhắc hơn trong việc chỉ định sử dụng Thuốc, VTYT, DVKT, hạn chế sử dụng các loại Thuốc đắt tiền đối với những bệnh thông thường, những Thuốc hỗ trợ và các dịch vụ cận lâm sàng,VTYT không cần thiết, quản lý tốt hơn công tác chuyển tuyến, tránh gây lãng phí dự toán chi quỹ KCB-BHYT. Như vậy mới đảm bảo được tốt trong KCB chất lượng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và kinh tế, cho nên rất áp lực cho người thầy Thuốc. Hơn nữa, Ông còn nói: “Có lúc tôi cũng thấy thực sự mệt mỏi, thế nhưng, nhìn bệnh nhân đau đớn, tôi đã đặt mình vào vị trí của họ thì mọi vất vả đều tan biến”. Ông xem đội ngũ cán bộ Y, Bác sỹ trẻ là tài sản vô giá trong chiến lược xây dựng và phát triển bệnh viện lâu dài. Giám đốc bệnh viện đã tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trẻ và sắp xếp, bố trí công việc theo năng lực, sở trường. Đặc biệt, cùng với tập trung giáo dục về chính trị, tư tưởng, noi gương, học hỏi kinh nghiệm của thế hệ trước là chiến lược đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho từng cán bộ nhân viên trong Bệnh viện. Nhờ vậy, đến nay, nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, nhiều bài Thuốc nam gia truyền mà ông cha ta để lại đã được hội đồng Thuốc Bệnh viện nghiên cứu cung cấp điều trị cho bệnh nhân hiệu quả, nhưng giảm chi phí gánh nặng cho bệnh nhân đóng viện phí cũng như cùng chi trả BHYT. Riêng khoa dược của bệnh viện cũng đã được trang bị đầy đủ máy móc bào chế Thuốc thành phẩm và máy móc hiện đại để sắc Thuốc thang đem đến từng giường bệnh phát cho bệnh nhân uống đầy đủ 2 lần trong ngày theo chỉ định của Bác sỹ điều trị. Bên cạnh, nhiều bài Thuốc gia truyền mới ông còn đẩy mạnh nâng cao và sử dụng nhiều máy móc để thực hiện các DVKT phục hồi chức năng mới hiệu quả hơn trong công tác điều trị như: Máy tập cưỡng bức, tập thụ động chi trên và chi dưới, máy siêu âm điều trị, sóng ngắn, lazer châm, laser công suất thấp nội mạch, parafin, điện trường cao áp…
Trong thời kỳ hiện đại, ở đâu đó vẫn xuất hiện ít ỏi những thầy Thuốc chưa tốt nhưng theo bác sĩ Tuấn ở nơi ông công tác ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt; rất nhiều trưởng khoa, phòng đến nhân viên trong bệnh viện đi sớm, về muộn hàng tiếng đồng hồ với quan điểm hết việc, không hết giờ. Bản thân bác sĩ Tuấn cũng luôn là người đi sớm, về muộn, thậm chí ngay cả những ngày nghỉ cũng hiếm khi ông vắng mặt ở Bệnh viện. Bên cạnh đó hàng tuần ông còn sắp xếp công việc trực tiếp xuống các khoa phòng thực hiện các DVKT Y học cổ truyền như: Chôn chỉ, điện châm, xông Thuốc, bó Thuốc, ngâm Thuốc…cho các bệnh nhân để hướng dẫn cho các bác sỹ trẻ thật tận tình chu đáo. Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian đi thăm hỏi người nhà của bệnh nhân, và bệnh nhân, các lãnh đạo và nhân viên các cơ quan ban nghành đoàn thể, người thuộc hộ nghèo…đang nằm điều trị trong bệnh viện để nắm bắt được tâm tư của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân và kết quả điều trị của bệnh nhân mà kịp thời chấn chỉnh và rút ra những kinh nghiệm quý báu trong công tác điều trị.
Một điều rất đặc biệt, mặc dù rất nghiêm khắc trong công việc, trong cách chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhưng bác sĩ Tuấn luôn tạo cho mọi người cảm giác ai cũng có tầm quan trọng trong bệnh viện, vì vậy, mọi người đều nỗ lực cống hiến…
Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, từ khi còn làm công tác tổ chức cán bộ của Sở y tế tỉnh Phú Yên cho đến thời điểm hiện nay là Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, ông vẫn luôn đau đáu một điều là làm sao để người bệnh đỡ khổ, được hưởng các dịch vụ y tế cao ngay tại quê hương của mình, được chăm sóc tận tình, chu đáo, được thực hiện các dịch vụ y tế tốt nhất và hiệu quả nhất, được Bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ để giảm đi gánh nặng chi phí điều trị, đi lại cũng như chuyển tuyến trên…Chỉ chừng ấy việc thôi tưởng như đơn giản nhưng cần cả hành trinh trăn trở và hành động. Ông bộc bạch: "Nghề y là nghề gắn liền với cái tâm, nó đòi hỏi mình phải đặt y đức lên hàng đầu nên khi mình làm bằng chính cái tâm của mình để chăm sóc, phục vụ bệnh nhân được khỏi bệnh thì mình sẽ cảm thấy thanh thản và vui lây với niềm vui của người nhà họ”. Và những mong ước vì sức khỏe nhân dân đang tiếp tục được ông tận tâm dốc sức.