Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thêm bệnh vì dùng lại đơn Thuốc cũ

(HNMCT) - Rất nhiều người có thói quen sử dụng các đơn Thuốc cũ hoặc dùng Thuốc theo kiểu truyền miệng. Tại các cơ sở y tế, có nhiều bệnh nhân tăng mức độ trầm trọng của bệnh vì thói quen này.

(HNMCT) - Rất nhiều người có thói quen sử dụng các đơn Thuốc cũ hoặc dùng Thuốc theo kiểu "truyền miệng". Tại các cơ sở y tế, có nhiều bệnh nhân tăng mức độ trầm trọng của bệnh vì thói quen này.

“Vô tư” dùng Thuốc

Bà Nguyễn Thị N. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị huyết áp cao đã 10 năm. Do dịch bệnh, bà không đi khám mà sử dụng lại đơn Thuốc cũ. Đến khi thấy mệt mỏi kèm đau tức ngực, bà mới đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và bác sĩ chẩn đoán bà bị tăng huyết áp đột ngột. Xem lại đơn Thuốc mà bà N. đang dùng, bác sĩ cho biết đơn Thuốc đã không còn phù hợp.

Bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 64 tuổi, có tiền sử bị bệnh gout, viêm loét dạ dày, suy thận. Bệnh nhân không thăm khám định kỳ mà tự điều trị bằng Thuốc mua qua mạng. “Khi bị nôn ra máu, tím tái, bệnh nhân mới tới viện cấp cứu. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng thở, ngưng tim, mạch”, bác sĩ Kiên kể.

Hiện một số bệnh nhân Covid-19 không triệu trứng còn tự điều trị theo lời khuyên của “chuyên gia mạng”. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, trên mạng xã hội xuất hiện các hướng dẫn cách tự chữa Covid-19 tại nhà. Đáng chú ý, một trong số bài Thuốc truyền miệng đó có khuyên sử dụng Paracetamol liều tối đa khi bị sốt, ho, khó thở. Làm theo hướng dẫn này, người bệnh có nguy cơ quá liều và bị ngộ độc.

Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam, 43 tuổi, được chuyển đến từ bệnh viện tuyến huyện của Thủ đô, trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều, suy hô hấp. Đó là hậu quả của việc trước đó bệnh nhân này đã uống 10 viên Cloroquine (Thuốc điều trị sốt rét, loại 250mg) để phòng Covid-19 theo "lời khuyên trên mạng".

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, khi một tài khoản đưa ra câu hỏi trường hợp F0 chưa được đến viện thì nên dùng Thuốc gì? Các “anh hùng bàn phím” lập tức trở thành bác sĩ tư vấn rằng cần uống Paracetamol thường xuyên, uống vitamin C liều cao, uống Aspirin chống đông máu... Đó là lời khuyên không có cơ sở, bởi uống Paracetamol, vitamin C quá liều có thể dẫn đến ngộ độc gan, sỏi thận, tăng nguy cơ bị bệnh tim, huyết áp...

Cần tham vấn ý kiến bác sĩ

Người dân nên cẩn trọng trước các bài Thuốc lan truyền trên mạng xã hội, trước khi sử dụng bất kỳ loại Thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ. Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân Covid-19 đều có triệu chứng như ho, sốt. Bởi vậy, bất kỳ ai có triệu chứng ho, sốt thì nên liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn kịp thời.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, cho hay, hàm lượng Paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ là không quá 3 gram/24 giờ với người trưởng thành; với trẻ em là 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần dùng; không sử dụng quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ chỉ kê cho người trưởng thành từ 1 - 1,5 gram Paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2 - 3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.

Người dân cần chú ý đến các loại Thuốc khác đang dùng (đặc biệt là Thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của Paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc Paracetamol như người lạm dụng rượu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn...

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, người dân tuyệt đối không tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng điều trị Covid-19 đang lan truyền trên mạng xã hội: “Không có loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng vi rút SARS-CoV-2”.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên dùng Thuốc theo sự tư vấn, chỉ định của các chuyên gia y tế đã theo dõi sức khỏe cho bản thân trước đó. Nhiều bệnh viện đã triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, do đó người bệnh có thể khám trực tuyến, qua đó điều chỉnh đơn Thuốc phù hợp. Trường hợp cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế thì không nên chậm trễ; lo sợ thái quá về dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1009369/them-benh-vi-dung-lai-don-thuoc-cu)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY