Trong cổ thư có ba câu bình giải về cách cục này, như sau: "Thiên Cơ, Thiên Lương đồng cung ở Thìn hoặc Tuất, chủ về có nghề cao tùy thân"; "Thiên Cơ, Thiên Lương ở hai cung Thìn hoặc Tuất, thêm sao cát, chủ về phú quý tốt lành"; "Thiên Cơ, Thiên Lương thủ mệnh thêm các sao hình, kị, thiên về làm tăng nhân, đạo sĩ".
Từ ba câu bình giải trên có thể thấy, cách cục Thiên Cơ và Thiên Lương thủ mệnh có biến hóa rất lớn. Muốn phân tích, phải xem trong hai sao, sao nào mạnh hơn. Nếu Thiên Cơ mạnh hơn, là mệnh có nghề cao tùy thân. Ngược lại, nêu Thiên Lương mạnh hơn, gặp sao cát, thì phú quý cát tường; gặp các sao hình, kị, thì sức mạnh của Thiên Cơ sẽ phát huy triệt để, cho nên có khuynh hướng nương thân ở "cửa không".
Ở hai cung Thìn hoặc Tuất, gọi là "Thiên La, Địa Võng", tính linh động của Thiên Cơ sẽ bị ảnh hưởng, do đó chỉ có thể phát huy năng lực phân tích, chủ về là người giỏi suy nghĩ, khảo cứu, rất nhiều kĩ sư và giáo sư có mệnh cục loại này. Có thể thấy mệnh cục loại này tuyệt đối không tệ. Cổ nhân nói "có nghề cao tùy thân", hiện đại có thể nói là có học vấn chuyên môn.
Nhưng tính chất của Thiên Lương lại có thể gây ảnh hưởng khiến Thiên Cơ biến thành tâm địa hiền từ, trầm mặc, ít nói, phẩm chất thanh cao. Cho nên dù mệnh cục hơi kém, là thợ thuyền, mệnh tạo ắt cũng thích tìm tòi về kĩ thuật, có lúc cũng có tâm đắc. Còn một đặc điểm nữa là không chịu mang điều tâm đắc ra truyền cho người khác, ngay cả đồ đệ cũng không chịu truyền thụ, cho nên tuy tâm địa thiện lương nhưng dễ chuốc oán.
Nếu gặp các sao hình, kị, Thiên Cơ hoàn toàn bị kềm chế, sức mạnh của Thiên Lương sẽ phát huy cực độ, mệnh tạo sẽ thiên về "huyền học", thích nghiền ngẫm các vấn đề triết lí, nên cổ nhân nói "thiên về làm tăng nhân, đạo sĩ". Thực ra ở thời hiện đại, cũng không hẳn là mệnh của triết gia, và không nhất định sẽ xuất gia mà chỉ là có lòng hướng về tôn giáo.
Thiên Cơ và Thiên Lương phối hợp, hai sao đã yếu, rất kị gặp sát tinh, nếu không sẽ dễ xử sự hồ đồ, tâm hồn trống rỗng.
Theo Tử vi kiến giải