Theo năm tháng, mẹ cha ta ngày thêm già yếu. Phận làm con luôn ghi nhớ “một lòng thờ mẹ kính cha”. Vậy nhưng, “thờ”, “kính” thế nào, để “cho tròn chữ hiếu” cũng là cả một nghệ thuật khi ứng xử và chăm sóc cha mẹ già.
Theo năm tháng, mẹ cha ta ngày thêm già yếu. Phận làm con luôn ghi nhớ “một lòng thờ mẹ kính cha”. Vậy nhưng, “thờ”, “kính” thế nào, để “cho tròn chữ hiếu” cũng là cả một nghệ thuật khi ứng xử và chăm sóc cha
mẹ già.
Đừng… khen người già
Có những tình huống mà nếu được khen, các cụ nhà ta chẳng mấy vui, lại còn tủi thân hờn mát. Ví như có ai đó lâu ngày mới gặp, chào hỏi rằng: “Cụ dạo này trông cũng khỏe (hơn dạo trước) đấy nhỉ”? Những người con đừng vì thế mà “vâng, bố (mẹ) em dạo này khỏe lắm, ăn được, ngủ được”… Bởi có thể các cụ sẽ nghĩ ngay: khỏe cái nỗi gì, mình đau nhức suốt đêm chẳng dám kêu, nó nào có biết. Nó bảo mình ăn khỏe thì ra là để ý cả miếng ăn, miếng uống của mình… Tâm lý chung của các cụ già là rất sợ con cái thờ ơ không quan tâm. Nên nhiều khi còn hay làm ra vẻ ốm yếu hơn để con cái phải để mắt tới. Như có cụ bà nọ 75 tuổi, bị đái tháo đường, cũng thức ăn đó, vào những cữ đó, cô con gái lớn đưa cụ lại không muốn ăn. Vì cô này vụng hay “thật thà” chẳng biết, lại cứ luôn bảo với mọi người là “mẹ ăn được”. Cụ bỏ đó, không ăn trước mặt cô rồi lại ăn… lén hoặc ăn bù thức ăn khác. Còn khi cô út đưa với những lời dỗ dành: “Mẹ ăn khó khăn lắm. Dỗ mãi, chầu chực mãi mới được có chừng này à”… Vậy là cụ ăn rất ngon lành. Cho bao nhiêu cũng hết. Thế nên, trong rất nhiều trường hợp, đừng khen người già. Nếu không phải thế cũng vẫn cứ bảo “bố (mẹ, ông, bà) cháu… yếu lắm…”. Để các cụ… vui, vì nghĩ là con cháu còn quan tâm, lo lắng cho mình.
Hãy… khen người già
Cũng lại có lúc phải khen các cụ thật nhiều vào. Ví dụ ai đó khen nhà mình sao ngăn nắp sạch sẽ, con mình chóng lớn, bụ bẫm, ngộ nghĩnh, thông minh… Hãy cứ nói “ôi, do công ông (bà) cháu hết đấy. Chẳng có ông (bà) cháu thì chúng cháu có mọc thêm tay, thêm chân ra cũng chẳng thể nào kham hết việc được”… Dù không phải, không được như thế, cũng cứ nói như thế. Thậm chí chính các cụ cũng hay kể công, nhận công mình thái quá. Đừng chấp nhất, đừng tỏ thái độ gì không hài lòng với các cụ.
Người già rất sợ mình trở nên hết… tác dụng, thừa thãi với con cháu. Nên họ cứ hay phải “gồng” mình nhận công, hay có ý kiến vào cả những việc các cụ không am hiểu hoặc không liên quan. Bởi nghĩ đó là cách chứng tỏ khả năng và giữ vị trí của mình. Hãy cứ để các cụ được tham gia bàn thảo. Hay, đúng thì nghe. Không nghe được cũng giả vờ nghe rồi lẳng lặng làm theo ý mình chứ đừng công khai bộc lộ sự bất đồng với các cụ làm gì. Bởi họ đâu giám sát hết được việc mình mà lo. Hãy cứ khen các cụ thật nhiều, đánh giá rằng “công lao, ý kiến của các cụ thật xác đáng, thật to tát”, “may mà có cụ, không có cụ làm hộ, chỉ bảo cho thế thì đã gay to rồi”… Hoặc trước khi chê, phản bác, cũng phải khen trước đã. Con người ta cơ bản ai cũng thích được khen hơn bị chê. Huống chi là người già - “con nít” lần thứ hai.
Tặng quà cho người già
Thời nay có những cụ già vốn liếng xông xênh lắm, tiền, vàng trong tủ, ở ngân hàng xài đến lúc “trăm tuổi” chưa hết. Thế nhưng, không phải chỉ những cụ gia cảnh còn khó khăn, không có lương hưu, thu nhập, con cháu mới cần quan tâm, cho đồng quà, tấm bánh, tặng vé đi du lịch… Mà với cả những cụ… giàu, hãy nhớ mỗi tháng, mỗi dịp lễ tết, sinh nhật, tìm hiểu xem các cụ thích cái gì, để có những món tiền, quà biếu phù hợp với sở thích, hoàn cảnh, sức khỏe của các cụ. (Tất nhiên cũng phù hợp với khả năng tài chính của mình nữa). Đừng nghĩ các cụ đầy tiền vàng đó muốn mua gì, tiêu gì chẳng được. Con cháu còn nghèo hơn, còn được cụ cho thêm thì mắc mớ gì mà phải mua, phải biếu”…
Ai cũng muốn được “ăn của bụt cho thơm”, nữa là người già. “Già được bát canh/Trẻ được manh áo mới”. “Của cho không bằng cách cho”. Của mình tự mua sao giống với của con cháu cho, biếu. Bởi đó là biểu hiện của tình cảm, của sự quan tâm chăm sóc. Thế nên có nhiều trường hợp, con cháu biếu quà ông bà, bố mẹ còn được… “lãi”. Bởi làm các cụ vui, cảm động vì cái sự “của ít lòng nhiều” ấy mà các cụ đã “mở hầu bao” vốn riêng, “lại quả” cho rất “đậm”. Vui vẻ cả nhà, “lợi” đôi đường thế thì tại sao chúng ta không… “phát huy” nhỉ?
Đừng để người già… chơi
Câu “trẻ tham ăn, già tham việc” đúng với hầu hết các cụ già, nhất các cụ ở nông thôn. Cả một đời lao động chân tay, họ như “mắc bệnh nghề nghiệp”, ngồi chơi không nổi. Thế nên không lạ khi cụ nào ở quê: vật chất, tiện nghi kém hẳn ở thành phố, nhưng con cháu đưa ra thành phố chơi hoặc sống lâu dài thì ai nấy đều muốn hồi hương sớm. Ngoài vì ở quê có bạn bè, đồng ruộng, chùa chiền để các cụ quen rồi. Ở thành phố nhàn rỗi, các cụ thấy “cuồng” chân tay như… bị đi tù. Còn việc nhà con cháu để các cụ có thể làm được như rửa bát, quét dọn thì lại giống việc của… ôsin quá. Ai dám để các cụ làm? Có nhà đã rất “sáng kiến” giữ chân mẹ bằng việc… chẳng hay ăn dưa cà, tương mắm đâu, nhưng cũng cứ bảo cụ làm. Ăn không hết đem cho bớt hàng xóm cũng được. Đâu có tốn mấy tiền.Tình hàng xóm thắm đượm hơn và cụ thì vui lắm, khi thấy mọi người khen dưa của cụ giòn, tương cụ ngọt. Lại có nhà có cụ bà đã ngoài 90 tuổi. Sức vóc cụ còn tốt nhưng tinh thần đã lẫn. Cụ cứ suốt ngày lần mò, làm lụng không chịu ngơi tay. Nhà có ao, vườn và có lúc không có người trông cụ. Cụ mà lần ra làm vườn, ngã xuống ao thì ch*t, dù ao cũng có rào chắn. Con cháu cụ đã phải… mua lạc củ về cho cụ bóc - như một thứ… đồ chơi vậy. Buồn cười nhất, người con dâu không hiểu lại mua thêm cho cụ cây kẹp, làm cụ bóc nhanh quá. Tiền “đồ chơi này hơi bị… tốn kém. Các con cụ lại “đệ nhất sáng kiến” là trộn đỗ với gạo.Thế là cụ cứ… nhặt say sưa ngày này sang ngày khác, không còn đòi ra vườn để rồi chân tay bê bết đất nữa. Con cháu cụ rất yên tâm, cụ thì vui và mình cũng đỡ mất công trông cụ, tuy hơi… “áy náy” vì mình còn “tệ” hơn cả dì ghẻ của cô Tấm ngày xưa.
Nhắn ai còn mẹ
Đã có biết bao bài thơ, câu hát nói về tình mẹ, tình cha, tấm lòng thơm thảo của con cái với cha mẹ và công lao trời biển của mẹ cha với con cái, vẫn không nói hết được. Dẫu rằng “chén bát còn có khi xô”, nữa là người trẻ, người già - hai thế hệ cách biệt, tránh sao khỏi bất đồng, mâu thuẫn, nhưng với lòng biết ơn, yêu thương, kính trọng thì chỉ “còn mẹ cha”, “được sống cùng mẹ cha”, sự chịu đựng về nhau cũng đã là hạnh phúc.
Chuyên gia tâm lý NGUYỄN THỊ KIM BẮC