Bệnh nhân 63 tuổi (Hà Nam) bị đau cột sống. Nghe lời mách đã tìm đến thầy lang gần nhà để chữa bệnh. Tuy nhiên sau khi xoa bóp và được tiêm thẳng Thuốc vào lưng, bệnh nhân không khỏi đau cột sống mà dường như bệnh lại nặng hơn. Đầu tháng 6, bệnh nhân đau nhiều nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm trùng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết, toàn bộ vùng cơ lưng bên phải của bệnh nhân đã bị nhiễm trùng, tiên lượng rất nặng. Chụp cộng hưởng từ cho thấy, có rất nhiều khối áp-xe li ti ở trên lưng bệnh nhân.
Một trường hợp khác, bệnh nhân 57 tuổi ở Sơn Tây bị đau lưng 2 năm và mỗi lần đau lại đi tiêm vào lưng ở một địa chỉ được mách bảo, mà không cần chụp chiếu hay đánh giá của bác sĩ chuyên khoa xương khớp. Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân gầy yếu và đau nhiều, tiêm không cải thiện nên đã tìm đến Bệnh viện Việt Đức. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận, bệnh nhân không hề bị đau cột sống lưng mà có khối u xâm lấn lan tỏa vùng tiểu khung. Tổn thương của bệnh nhân xuất hiện cả ở các xương sườn, cánh xương chậu và cột sống ngực.
BS. Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức) cho biết, đây chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân đến viện khám khi bệnh đã chuyển nặng. Lúc đó, việc điều trị vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều bệnh nhân không còn khả năng can thiệp.
Một ca phẫu thuật cột sống.
BS. Trần Quốc Khánh cho biết, nhiều bệnh về cột sống chưa chắc đã phải dùng đến liệu pháp tiêm. Đôi khi, dấu hiệu đau cột sống lại là biểu hiện của một căn nguyên khác. BS. Khánh khuyên, khi có vấn đề cột sống, bệnh nhân cần đi khám tại các phòng khám chuyên sâu về cột sống. Ở đây, bệnh nhân sẽ được chụp chiếu để đánh giá chính xác tổn thương bệnh. Dựa vào các kết quả này, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể về các giải pháp chữa trị phù hợp theo mức độ tăng dần.
Nếu thực sự cần phải tiêm (phong bế khớp, phong bế rễ, giảm đau ngoài màng cứng...), phải tiêm ở các trung tâm chuyên khoa có uy tín. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ luôn thực hiện mũi tiêm đó dưới sự “định vị chính xác” của máy chụp Xquang - siêu âm trong phòng mổ vô khuẩn. Nên nhớ, tuyệt đối không tiêm “mò” theo kinh nghiệm và cảm giác của người tiêm.
Cấu tạo giải phẫu của mỗi người là khác nhau, tiêm “mò” theo kinh nghiệm có thể dẫn đến tiêm vào mạch máu, dây thần kinh... gây hậu quả khôn lường. Chưa kể đến nhiều nơi công tác vô khuẩn kém (không rửa tay kỹ, không có phòng tiêm chuyên biệt, không đi găng vô khuẩn, không đeo mũ, không khẩu trang...) có thể dẫn đến áp-xe nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.
Theo BS. Khánh, bệnh nhân nên đi khám ở phòng khám chuyên khoa cột sống khi có các dấu hiệu:
Đau lưng/đau cổ/tê bì tay - chân... kéo dài trên 2 tuần không cải thiện.
Đau cổ lan xuống vai xuống tay, đau thắt lưng lan xuống mông xuống chân một hoặc cả hai bên.
Đi xa, đứng lâu không được do tê cứng hai chân.
Tê bì hai chân hoặc tứ chi liên tục cũng là một dấu hiệu có thể gợi ý bệnh lý cột sống nặng.
Đau lưng/đau cổ/tê tay chân... sau T*i n*n, dù chỉ là ngã đập mông, ngã đập đầu trong nhà tắm, đi xe đạp ngã chúi đầu, ngồi xe qua đường xóc, đau lưng sau bế cháu...
Teo cơ tay - chân tăng dần: là dấu hiệu muộn và nặng, cần đi khám ngay.
Yếu tay - chân: Cũng là dấu hiệu muộn, cần đi khám ngay.
Giảm sự tinh tế của đôi bàn tay (cài cúc áo, cầm đũa gắp thức ăn, viết bút...) hoặc đôi chân đi không vững, loạng choạng, sợ ngã khi đi đường dốc, đường mấp mô.
Táo bón, rối loạn cơ tròn... không rõ nguyên nhân.
Chủ đề liên quan:
Tiêm thuốc vào cột sống