Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Tiền Giang: Khẩn trương xây dựng phương án phòng chống dịch trong khu công nghiệp

MangYTe - Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, một số ca mắc mới ghi nhân tại các KCN, ngày 08/8, đoàn công tác của Bộ Y tế cùng với UBND tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành đã có buổi họp khẩn nhằm xây dựng phương án phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang , tính đến ngày 08/8 tỉnh Tiền Giang ghi nhận tổng cộng 4.351 ca bệnh F0 xuất hiện ở 11 huyện/thị, trong đó tập chung chủ yếu tại các KCN trên địa bàn TP Mỹ Tho với 865 ca.

Đáng chú ý, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại KCN Mỹ Tho, với trên 8.000 công nhân. Với diện tích 79,14 ha, nằm dọc sông Tiền và đường tỉnh lộ 864, KCN Mỹ Tho không có "vùng xanh" cách biệt với khu dân cư, cùng với đó công tác quản lý công nhân tại một số doanh nghiệp thực hiện chưa chặt chẽ dẫn đến thực trạng nhiều công nhân di chuyển qua lại giữa các cơ sở sản xuất và khu dân cư làm lây lan dịch bệnh trong KCN.

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang tìm ra phương án vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.

Mặc dù lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp thế nhưng do công tác triển khai quản lý còn nhiều thiếu sót, thời gian cách ly lâu khiến tâm lý công nhân hoang mang lo sợ dẫn đến thực trạng nhiều người bỏ về nhà, ra ngoài nhận đồ ăn, nhận hàng, không tuân thủ 5K,… tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Về điều kiện cơ sở vật chất, mặt bằng KCN tương đối hẹp, không sắp xếp được không gian phù hợp để thực hiện 3 tại chỗ; công tác tổ chức, thực hiện test nhanh sàng lọc đầu vào còn chậm trễ từ đó bỏ lọt F0, nhiều trường hợp công nhân tại các doanh nghiệp xét nghiệm đến lần thứ 3 mới phát hiện dương tính.

Nhận định về diễn biến dịch hiện nay tại KCN Mỹ Tho, TS Nguyễn Vũ Thượng – Phó viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng hiện nay là do ý thức tuân thủ các quy định của một số doanh nghiệp còn chưa cao, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, phòng chống dịch. Bên cạnh đó, quy trình giám sát nguồn lây không chặt chẽ, doanh nghiệp không đảm bảo quá trình hoạt động khép kín; một số đơn vị hiện chưa thành lập được ban quản lý, tổ COVID cộng đồng tại cơ sở từ đó để dịch bệnh lây lan.

Để giải quyết những khó khăn thách thức trước mắt, đoàn công tác đề nghị, sở Y tế, CDC cần phải nhanh chóng tổ chức xét nghiệm diện rộng tại KCN, nhằm phát hiện sớm các ca F0 đưa đi điều trị, phân loại F1 theo hai mức độ F1 gần và F1 xa từ đó đánh giá mức độ nguy cơ và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.

Việc xuất hiện các ca mắc mới trong kcn khiến tình hình dịch trên địa bàn tình diễn biến phức tạp hơn

Đồng thời UBND tỉnh và các đơn vị liên quan cần thành lập các tổ giám sát hoạt động tại KCN, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải thành lập các tổ COVID, ban quản lý phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất của mình từ đó giám sát chặt chẽ, đảm bảo công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, phối hợp có hiệu quả với các đơn vị liên quan, nhanh chóng xử lý các tình huống phát sinh.

Đối với các công ty, doanh nghiệp đăng ký thực hiện 3 tại chỗ, nếu qua quá trình xét nghiệm phát hiện F0 cần ngay lập tức cách ly, xác định F1 có liên quan. Xây dựng phương án cách ly hiệu quả, trong trường hợp số ca F1 quá đông mà cơ sở vật chất tại chỗ không đáp ứng đủ thì bắt buộc phải lên danh sách, tiến hành xét nghiệm RT-PCR, nếu kết quả âm tính có thể cho công nhân về cách ly tại địa phương, đồng thời thực hiện giám sát, xét nghiệm đình kỳ trong 14 ngày để giảm tải áp lực tại các doanh nghiệp, khu cách ly trên địa bàn.

Đoàn công tác yêu cầu các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm, dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp và phương án phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn công tác Bộ Y tế sẽ phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang và các đơn vị liên quan xây dựng phương án, quy chế thực hiện nghiêm 3 tại chỗ.

Các doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng nội dung phương án được phê duyệt; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và huyện để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện các nội dung của phương án, đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Trung Sơn

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/tien-giang-khan-truong-xay-dung-phuong-an-phong-chong-dich-trong-khu-cong-nghiep-20210808191944053.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY