Bệnh nhân khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Chị N.T.T. (ngụ ở Hà Nội) chia sẻ trên một nhóm hỗ trợ tư vấn F0 rằng gia đình chị mắc COVID-19 và đã có kết quả âm tính được 10 ngày.
"Sau 10 ngày âm tính, tôi và các con lần lượt bị tiêu chảy kéo dài, đến nay là ngày thứ 3 mặc dù không ăn uống đồ lạ. Không biết đây có phải là triệu chứng hậu COVID-19 không?" - chị T. lo lắng nêu tình cảnh gia đình.
Cũng giống chị T., anh T.V.B. bị tiêu chảy sau 15 ngày đã âm tính COVID-19. Anh B. cho biết khi mắc COVID-19 không có triệu chứng tiêu chảy, nhưng sau khi khỏi lại bị tiêu chảy suốt 4 ngày, đau bụng âm ỉ, khó chịu.
Theo ThS Đinh Thế Tiến - khoa nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tiêu chảy là một trong những triệu chứng khá phổ biến khi người bệnh mắc COVID-19. Lúc này virus làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy. Sau khi đã âm tính với COVID-19, một số người bệnh vẫn bị tiêu chảy, có thể do niêm mạc đường tiêu hóa vẫn bị tổn thương kéo dài, chưa hồi phục.
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do người bệnh sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định của bác sĩ, dẫn đến loạn khuẩn ruột, gây tiêu chảy.
"Trong quá trình khám và điều trị hậu COVID-19, tiêu chảy là triệu chứng ít gặp hơn. Chủ yếu người bệnh có triệu chứng ho, đau ngực, khó thở… Tuy nhiên, tôi nhận thấy rất nhiều bệnh nhân sử dụng kháng sinh không có chỉ định, sau khi thăm khám, nhiều trường hợp ghi nhận có ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Thời gian xuất hiện triệu chứng này tùy thuộc vào từng thể trạng của người bệnh", bác sĩ Tiến thông tin.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Trần Ngọc Ánh - trưởng khoa nội tổng hợp, chuyên ngành tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết tiêu chảy là triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân sau khi nhiễm virus. Một số nghiên cứu cho thấy COVID-19 khiến tăng men gan gây rối loạn tiêu hóa.
"COVID-19 có đặc điểm gây bệnh giống như bệnh cúm, bệnh nhân tăng men gan dẫn đến tiêu chảy. Người bệnh có thể bị tiêu chảy 3-5 lần trong một ngày. Với trường hợp tiêu chảy dưới 5 lần/ngày, bệnh nhân có thể uống nước, bù điện giải, không cần dùng kháng sinh, sau 3-5 ngày sẽ khỏi bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy trên 5 ngày hoặc phân có dịch nhầy hay máu thì cần phải chú ý. Lúc này cần đến cơ sở y tế thăm khám tìm nguyên nhân chảy máu do có tổn thương niêm mạc", bác sĩ Ánh hướng dẫn.
Theo bác sĩ Tiến, khi bị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là người bệnh phải bù điện giải, có thể sử dụng men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột.
"Tiêu chảy có thể dẫn đến hội chứng mất nước, rối loạn điện giải, hội chứng nhiễm trùng… Bởi vậy, khi người bệnh bị tiêu chảy liên tục trong nhiều ngày, không giảm, cần phải đến cơ sở y tế để thăm khám. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, tiêu chảy gây mất nước rất nguy hiểm", bác sĩ Tiến cho biết.
Để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy sau khi mắc COVID-19, bác sĩ Tiến khuyến cáo người bệnh chỉ dùng kháng sinh khi được sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, sau khi mắc COVID-19 cần có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hạn chế đồ ăn dầu mỡ… để hệ tiêu hóa phục hồi.
Điều tra vụ cháu bé 2 tuổi ch*t sau khi nhập viện điều trị tiêu chảy cấp
TTO - Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đang phối hợp với Công an TP Hạ Long làm rõ vụ việc cháu bé 2 tuổi ch*t sau khi nhập viện điều trị tiêu chảy cấp.
DƯƠNG LIỄU
Chủ đề liên quan:
Tiêu chảy sau khi mắc covid Tiêu chảy sau khi mắc covid có nguy hiểm không Tiêu chảy sau mắc covid triệu chứng tiêu chảy