Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tình người Việt trong mùa dịch Covid-19 lên báo nước ngoài

Nối tiếp chiếc “ATM gạo” đầu tiên ở TP.HCM, sáng 13/4, trên cả nước đã có nhiều cây ATM gạo khác.

Ngày 13/4, hãng tin Reuters đã có bài viết về mô hình máy ATM gạo đang thu hút dư luận tại Việt Nam.

"ATM gạo này rất hữu ích. Với một túi gạo này, chúng tôi có thể có đủ dùng cho một ngày", chị Nguyễn Thị Lý (hoặc Ly) 34 tuổi cho biết. "Bây giờ, chúng tôi chỉ cần mua thức ăn thôi. Thỉnh thoảng, hàng xóm cũng chia thức ăn cho chúng tôi, chúng tôi cũng có mì tôm".

Máy ATM gạo có thể phân phát 1,5kg gạo/lần cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người trong số họ là người bán hàng rong hoặc những người kiếm sống bằng các công việc dọn vệ sinh, bán vé số.

Chia sẻ với Reuters, anh Hoàng Tuấn Anh (TP.HCM) doanh nhân đứng sau ý tưởng này cho hay, anh muốn những người có hoàn cảnh khó khăn cảm thấy họ vẫn có thể tiếp cận được thực phẩm trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

"Tôi gọi chiếc máy này là 'ATM gạo' vì mọi người có thể lấy gạo từ nó, và tôi chắc chắn rằng, vẫn còn những người tốt ở ngoài kia muốn muốn tiếp tục giúp đỡ họ", anh nói.

Người phụ nữ lấy gạo từ máy ATM gạo tự động 24/7 tại TP.HCM vào ngày 11/4. ẢNH: Reuters

Mô hình máy ATM gạo sau khi được triển khai ở TP.HCM cũng đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng (55 tuổi, chủ một nhà sách) - người lên ý tưởng chiếc "máy ATM gạo" ở Hà Nội - chia sẻ mong muốn không để ai "đứt bữa" trong dịch bệnh này.

Mỗi ngày, người dân được đến lấy một lần, mỗi lần được 3kg gạo. Đến nhận gạo sẻ chia, người dân phải sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô được đánh dấu sẵn để đảm bảo khoảng cách 2m.

Anh Doãn Thanh Tùng - người sáng chế máy "ATM gạo" ở Hà Nội cũng cho biết, điểm cải tiến ở máy này là dùng nút giậm chân thay vì nút ấn tay. Mỗi lần ấn pêđan, gạo sẽ tuôn ra đúng số lượng được lập trình sẵn.

Những người tổ chức đặt máy “ATM gạo” tại Hà Nội cũng không quên quy định phòng dịch cho bà con - Ảnh: TTO

Những người thực hiện cho biết đã chuẩn bị sẵn 10 tấn gạo, phát cho bà con nghèo liên tục từ nay đến khi hết gạo, dự kiến phát đến ngày 30/4. Cũng như ở TP.HCM, vừa mới hoạt động, nhiều người dân Hà Nội cũng đã chở gạo đến đóng góp.

Tại Huế, ngày 11/4, rất đông người dân có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trên địa bàn TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng tập trung tại Trường ĐH Phú Xuân (Huế) để lấy phiếu thứ tự nhận gạo từ máy "ATM gạo".

Trong khi đó tại Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết hội đã mua hai máy "ATM gạo" từ TP.HCM về để lắp phục vụ miễn phí người lao động khó khăn.

Hai máy "ATM gạo" này sẽ được lắp tại Nhà văn hóa phường Bình Thuận (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) vào tuần tới. Hiện qua vận động các doanh nghiệp hội viên được 50-60 tấn gạo, đủ cho máy chạy khoảng 2 tháng. Khi số lượng gạo ủng hộ tăng cao, hội sẽ triển khai lắp thêm một số máy "ATM gạo" mới.

Sau khi xuất hiện ở các thành phố lớn ở đồng bằng, sáng 13/4, "ATM gạo" cũng đã xuất hiện tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Mỗi người nhận 2kg gạo/ngày tại "ATM gạo" TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: TTO

Anh Phạm Trọng Phát - Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, nói - không ngờ chương trình lại lan tỏa nhanh đến như vậy. Số gạo ban đầu để khởi động chương trình chỉ hơn 2 tấn.

Khi chương trình "ATM gạo" khai trương, nhiều mạnh thường quân đến hỗ trợ người vài trăm ký, có nơi hỗ trợ 2-3 tấn. Dự kiến, hoạt động của "ATM gạo" này kéo dài đến hết ngày 30/4.

Thanh Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo đất việt (https://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/tinh-nguoi-viet-trong-mua-dich-covid-19-len-bao-nuoc-ngoai-3400341/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY