19h một tối thứ Bảy đầu tháng 2/2020, đường phố Hà Nội lần lượt lên đèn. Nhiều nhà đã khóa trái cửa im lìm. Xe lưu thông trên phố cũng thưa dần. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi người dân cũng đang ít nhiều lo lắng khi Việt Nam đã chính thức có những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên: Đó là nhóm công nhân thuộc một công ty đóng trên địa bàn huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) bị nhiễm COVID-19 vừa trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Còn tại Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội, từ khi có thông tin về các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, nhiều phòng vẫn sáng đèn...
Là một trong những cơ quan báo chí của bộ y tế, báo gia đình & xã hội gần như huy động tất cả các phòng ban vào cuộc, chuẩn bị công tác đưa tin về dịch bệnh. tôi được ban biên tập phân công phối hợp với trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (bộ y tế) để thực hiện các video tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch covid-19 của ngành y tế việt nam.
Hơn 7h tối nhưng những thành viên trong phòng vẫn mải miết với những kế hoạch làm tin về công tác phòng, chống dịch. Một cơn gió lạnh len lỏi qua kẽ cửa sổ khiến ai cũng run người. Chiếc điện thoại của tôi bất chợt rung lên. Là cuộc gọi đến của Thư ký Tòa soạn... Đặt chiếc điện thoại xuống bàn, tôi hít một hơi thật sâu, chuẩn bị lên đường vào vùng dịch.
...10h sáng 4/2, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 rất ít người. Phía bên ngoài bệnh viện, bầu trời âm u, mờ mịt bởi cơn mưa phùn nặng hạt. Một chiếc xe cấp cứu hú còi ưu tiên, xé tan màn mưa giăng, tiến đến khu vực sảnh. Đó là xe chở những người nghi nhiễm COVID-19 từ địa phương lên. Trong tích tắc, người tài xế khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín như "bưng" bước xuống rồi vội vã xịt khuẩn khắp xe. Sau ít giây, một đoàn tầm 10 người bịt khẩu trang bước xuống cùng vali kéo. Đứng ở phía sau hàng rào barie cách đó chừng 10m, chúng tôi lo lắng nhìn họ tiến vào khu vực sảnh để làm thủ tục... cách ly.
Phía bên trong sảnh Cấp cứu, bác sĩ trực quầy được bảo vệ bởi bộ đồ bảo hộ trắng toát, không một kẽ hở. Họ đứng phía bên trong quầy, mỗi khi có người đeo khẩu trang tiến vào thì họ bắt đầu: Hỏi, ghi chép và hướng dẫn, chỉ dẫn. Dưới dòng chữ "Khoa Cấp cứu" ở sảnh lớn có 4 chiếc giường với 4 chiếc máy đo huyết áp, nhịp tim cùng nhiều dây nhựa, ống nghe vắt ở thân máy. 4 chiếc giường này đã có người nằm. Thỉnh thoảng, tiếng ho kéo dài lại vang khắp khu sảnh rộng lớn.
Ở góc sảnh khu Cấp cứu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng lãnh đạo và các bác sĩ Bệnh viện đang cố gắng thuyết phục một người phụ nữ cách ly tại bệnh viện, khi người này nài nỉ xin được tự cách ly tại nhà.
Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thu Hà - Điều dưỡng trưởng của khoa Cấp cứu dẫn vào một phòng lớn, bên trong có nhiều lớp cửa với chằng chịt các biển báo "cách ly". Chị Hà bảo: "Để đảm bảo an toàn, chị chỉ có thể cho các em ghi nhận ở phía bên ngoài phòng áp lực âm (phòng áp lực âm là nơi bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị-PV)...".
Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đang cách ly những bệnh nhân trên địa bàn nhiễm COVID-19 từ những người ở Vũ Hán trở về.
Sau khi đưa tin về 2 trường hợp được Bênh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 công bố khỏi COVID-19, với kết quả 3 lần âm tính (ngày 18/2), tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ lên ổ dịch Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà để đưa tin về những trường hợp được điều trị khỏi COVID-19 ở tuyến huyện.
13h30 một ngày cuối tháng 2, ánh nắng vàng lấp lánh xua đi hơi lạnh ở khoảng sân Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà. Dây chắn barie được chăng ra, ngăn chúng tôi tới gần khu phòng có bệnh nhân.
14h chiều, khi những bệnh nhân lần lượt được mời ra khoảng sân phía trước phòng cách ly để các bác sĩ công bố khỏi bệnh COVID-19, thì ở phía bậc thềm khu nhà hành chính, nước mắt lăn dài trên má người phụ nữ đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Chị là Nguyễn Thị Hồng Nhung (37 tuổi) - nữ điều dưỡng đã đồng hành cùng những bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ khi Việt Nam có ca nhiễm đầu tiên.
PV Bảo Loan phỏng vấn nữ bệnh nhân 54 tuổi, nhân viên của Công ty Trường Sinh, vừa được công bố khỏi bệnh.
Khẽ lau giọt nước mắt đang lăn trên má, chị Nhung thổ lộ: "Vui và hạnh phúc lắm em ạ! Không nghĩ là thành công lại đến sớm như vậy. Vì những ngày đầu năm, tình hình dịch ở Trung Quốc căng thẳng, ai cũng lo, nhất là Việt Nam có 16 ca nhiễm".
Vừa chứng kiến nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân khi đón nhận những bó hoa chúc mừng tươi thắm, chị Nhung vừa kể cho tôi nghe về những ngày chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân, cùng những câu bông đùa để động viên bệnh nhân đỡ căng thẳng, nhớ nhà hay đơn giản là đưa cho bệnh nhân những quả cầu lá để đá trong khu cách ly… Khi tôi hỏi đến gia đình, chị nói sau vài giây im lặng: "Chị nhớ nhà, nhớ con lắm. Con lớn nhà chị bảo là con chỉ sợ mẹ về không nấu ăn ngon như trước nữa...".
Mặc dù đã có nhiều ngày lo lắng về tình hình sức khỏe của bản thân sau khi đến điểm dịch nhưng chứng kiến những bệnh nhân lần lượt được công bố khỏi bệnh, tôi không lo lắng... Thậm chí là sẵn sàng mọi tình huống xấu nhất xảy đến với mình. Là người được tiếp cận nhiều chiều, có lẽ không chỉ riêng tôi, mà người dân cả nước đều tin tưởng vào ngành Y tế Việt Nam sẽ vượt qua được dịch bệnh này. Khi ấy, chứng kiến sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ từ tuyến đầu đến tuyến huyện chống dịch, thì những điều lo lắng của bản thân lại chẳng thấm vào đâu...
Dù đã có một khoảng thời gian dài làm báo nhưng sau nhiều lần vào ổ dịch để đưa thông tin đến cho bạn đọc, đã có lúc tôi mong mình..."thất nghiệp" khi đứng giữa một đại dịch có sự ảnh hưởng lớn như thế này. bởi lẽ, dịch covid-19 xuất hiện là điều chẳng ai mong muốn, thậm chí, từng ngày, từng giờ, từng phút mọi người đều mong muốn hết dịch. vì vậy, là những phóng viên tác nghiệp ở tuyến đầu, chúng tôi - những phóng viên của báo gia đình & xã hội luôn ý thức được việc phải đưa những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến với người dân. bởi thời điểm này, có quá nhiều fake news (tin giả) đưa các thông tin về dịch bệnh gây hoang mang trong dư luận.
Dù biết rằng dịch bệnh chưa thể chấm dứt trong ngày một, ngày hai, nhưng không chỉ tôi mà người dân cả nước đều tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế hoàn toàn được đại dịch COVID-19.