Sinead Bovell là một người mẫu chuyên nghiệp người Canada. Nhưng không chỉ vậy, cô đã dành phần lớn thời gian của mình vào học tập và tốt nghiệp Cử nhân ngành Tài chính cũng như có bằng Thạc sĩ về Kinh doanh tại Đại học Toronto. Cô thành lập startup công nghệ hướng đến giáo dục WAYE ở New York từ năm 2017. Với sự quan tâm đặc biệt với ngành công nghệ, cô thường có những chia sẻ trên trang cá nhân cũng như các tạp chí về những chuyển biến trong thời đại kĩ thuật số. Dưới đây là bản lược dịch bài viết của Sinead Bovell được đăng tải trên tạp chí Vogue ấn bản điện tử.
Sinead Bovell
Shudu Gram là một người mẫu nổi bật người Nam Phi. Cô ấy là kiểu siêu mẫu mà giới thời trang sẽ mô tả bằng cụm từ “đáng để theo dõi”, với việc tham gia vào chiến dịch của Balmain mùa 2018, một lần được giới thiệu trên tạp chí Vogue Australia về việc thay đổi bộ mặt ngành thời trang, và một lần xuất hiện trên thảm đỏ BAFTA 2019 trong chiếc áo choàng thửa riêng đính đá Swarovski.
Tôi cũng là một người mẫu. Tôi là người Canada, nhưng hiện tại tôi đang sống ở thành phố New York. Không như Shudu, người được coi là “ma mới”, tôi đã tham gia ngành thời trang được gần 5 năm. Tôi cũng là người theo chủ nghĩa vị lai, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu các công nghệ mới và giáo dục giới trẻ về tương lai của công việc với startup của mình, WAYE. Không như Shudu, tôi là một người mẫu thực thụ, và khi nói thế, ý tôi là tôi là một con người thật. Shudu thì không. Cô ấy là một mẫu được dựng 3D.
Những người mẫu và người có ảnh hưởng (influencer) kỹ thuật số đang thành công trong việc tham gia ngành công nghiệp thời trang từ mọi góc độ của nó. Một vài "người" còn được các công ty người mẫu truyền thống ký hợp đồng. Có thể kể đến Miquela Sousa, một người mẫu Mỹ gốc Brazil 19 tuổi, là influencer, và hiện là nhạc sĩ, đã có 2 triệu người theo dõi trung thành trên mạng xã hội Instagram. Cô ấy đã phối hợp với những thương hiệu như Prada hay Givenchy, được xuất hiên trong một video của Calvin Klein cùng với Bella Hadid, và cũng chính cô vừa tung ra một ca khúc cùng với ca nhạc sĩ Teyana Taylor đầu năm nay.
Nghe thật ấn tượng phải không? Nhưng có một thứ giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn một chút: Miquela, cũng như Shudu, chỉ là hình ảnh dựng bởi máy tính (computer generated image - CGI), không phải trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence - AI). Điều này có nghĩa Miquela hay Shudu không thể thực sự tự làm bất cứ việc gì. Họ không thể suy nghĩ, học hỏi hay góp ý về cách tạo dáng một cách độc lập. Nhưng mọi thứ sẽ không còn như thế trong tương lai gần.
DataGrid là một công ty công nghệ thời trang Nhật Bản với các thuật toán AI có thể đe dọa trực tiếp công việc của tôi. Công ty này sử dụng các GAN (generative adversarial network - tạm dịch Mạng Chống đối Tạo sinh, một mạng hướng đến việc sinh ra dữ liệu mới sau quá trình học), là một hình thức học máy, một bộ phận của AI. Tôi sẽ không nói chi tiết về các thuật toán, nhưng nói một cách tổng quát, những người mẫu kỹ thuật số này có thể tạo dáng rất nhiều kiểu khác nhau, phỏng theo chính những gì chúng tôi làm khi làm mẫu thương mại hay chụp ảnh phục vụ thương mại điện tử. Với những người mẫu như tôi, đây là cách mà chúng tôi kiếm sống. Gã khổng lồ thương mại điện tử Đức, Zalando (tôi đã làm mẫu cho họ nhiều lần) đã đăng tải nhiều nghiên cứu về công nghệ này. Có lẽ vấn đề chỉ còn là thời gian, trước khi các công ty thời trang khổng lồ khác cũng theo chân họ.
Một số sản phẩm ngưỡi mẫu CGI từ DataGrid
Một điểm căng thẳng cùng xuất hiện với các người mẫu CGI đó là: những người tạo ra họ không chỉ tạo ra hình ảnh, mà còn cho họ cả những câu chuyện, những nét cá tính. Ví dụ như Blawko, một người mẫu nam kỹ thuật số tự phong là “biểu tượng sex” với nhiều hình xăm và tính cách hài hước kiểu mỉa mai. Trong một cuộc phỏng vấn với Dazed Digital, anh ta còn nói mình đang say. Hay như chính Shudu Gram, người mà “hi vọng có thể chinh phục chiều sâu trong thế giới thời trang, phối hợp với những người sáng tạo từ những nền kinh tế mới nổi và những cộng đồng ít được biết đến”.
Có những vấn đề lớn về tính minh bạch cũng như tính xác thực ở đây, bởi những niềm tin và quan điểm này không thực sự thuộc về những người mẫu kỹ thuật số, mà thuộc về những người tạo ra họ. Nếu những người sáng tạo này không thể thực sự nhận định rõ về những trải nghiệm hay các nhóm nhỏ mà những người mẫu ảo này tuyên bố họ thuộc về (ví dụ như nhóm người da màu, hay cộng đồng LGBTQ) thì liệu họ có quyền nói về những vấn đề đó hay không? Hay họ chỉ đang thực hiện một dạng chiếm đoạt văn hóa, ở đó những người sáng tạo kỹ thuật số khoác lên mình những tấm áo trải nghiệm không thuộc về họ?
Tôi đã liên hệ với anh Cameron-James Wilson, người tạo ra Shudu Gram, để nói nhiều hơn về vấn đề này và hỏi liệu ông có thấy vấn đề đạo đức ở đây không, khi mà Wilson là một người đàn ông da trắng, Shudu thì là một phụ nữ da màu. Wilson nói: “Tất nhiên là tôi có (thấy vấn đề đạo đức) và đó là lí do tại sao tôi làm việc cùng với Ama Badu, một phụ nữ da màu. Điều quan trọng là chúng tôi làm việc với một người có tiếng nói như vậy”. Ông tiếp tục chia sẻ rằng việc từng là một nhiếp ảnh gia thời trang chuyên nghiệp đã cho phép mình tạo ra những hình ảnh đẹp, nhưng với việc phát triển câu chuyện cũng như bối cảnh của nhân vật, thì tính xác thực là điều cần thiết. “Tôi muốn câu chuyện và bối cảnh của Shudu cũng phải đáng tin như là ngoại hình của cô ấy.” - ông cho biết.
Cameron-James Wilson, CEO của Diigitals.
Nhưng những người mẫu như chúng tôi đã phải làm việc thực sự chăm chỉ để được người khác lắng nghe câu chuyện của mình cũng như để những trải nghiệm của mình được coi trọng, và chúng tôi cũng phải đấu tranh để thay đổi định kiến rằng mình chỉ là mẫu thử hay giá treo quần áo. Chúng tôi đã hành động dưới dạng các nhóm, có thể kể đến mạng lưới Model Mafia mà tôi là một thành viên, để bênh vực người mẫu trước các vấn đề xã hội và đẩy lùi nạn độc quyền trong ngành công nghiệp thời trang. Nhưng giờ đây, khi mà chúng tôi đang bắt đầu thấy những sự thay đổi trong ngành, thì những người mẫu kĩ thuật số lại có thể dễ dàng nhận được công việc mà chúng tôi đã phải mạo hiểm rất nhiều để có được. Hay tệ hơn, các hãng thời trang có thể đơn giản là tạo ra các mẫu CGI với khẩu hiệu đấu tranh các vấn đề thay vì thực sự đầu tư cho việc cải thiện các vấn đề đó.
Đặt những vấn đề đó sang một bên, những người mẫu số thực sự có những ưu điểm không thể bàn cãi. Ví dụ như, những người mẫu số có thể làm giảm rõ rệt những tác hại môi trường liên quan tới việc chụp ảnh và đưa quần áo tiếp cận thị trường. Không phải điều gì lạ với một người mẫu khi thực hiện chụp hình cho 50 bộ trang phục trong một ngày trong một buổi chụp phục vụ e-commerce, và rất nhiều mẫu thử trong buổi chụp đó cuối cùng sẽ bị bỏ đi. Sử dụng người mẫu 3D có thể loại bỏ các vấn đề đó. Tôi đã trao đổi với Anastasia Edwards-Morel, một chuyên gia thiết kế thời trang 3D ở công ty thiết kế CLO, và cô đã chỉ ra cho tôi rằng, bằng cách sử dụng hình mẫu 3D và phần mềm thiết kế của công ty cô, một phần rõ rệt của chuỗi cung ứng giờ đây có thể hoạt động chỉ trong máy tính. Sử dụng người mẫu kĩ thuật số cũng có thể cải thiện hiệu suất cũng như tiết kiệm chi phí. Những người mẫu số có thể làm việc tại nhiều “buổi chụp hình” cùng một lúc, và rõ ràng chỉ cần một đội nhỏ hơn rất nhiều để có thể tạo ra những bức hình - chỉ cần người sáng tạo nội dung số là cần “có mặt”.
Những người mẫu số như Shudu Gram đang trở thành hiện tượng của ngành thời trang.
Có lẽ nguyên nhân thuyết phục nhất có thể khiến những người mẫu số trở thành tiêu chuẩn đó là: họ là biểu tượng tối thượng của tính cá nhân hóa và khả năng hàm súc. Sẽ thế nào nếu mỗi khi mua sắm trực tuyến, bạn có thể thấy bản thân mình trong những bộ trang phục. Điều này hoàn toàn có thể. Nếu các thuật toán được cung cấp đủ dữ liệu về chúng ta, chúng có thể tạo ra những người mẫu như bản thân mình. Hay, thực tế hơn, sẽ thế nào nếu các thuật toán bắt đầu học xem những người mẫu nào thu hút chúng ta để từ đó điều chỉnh các chiến dịch quảng cáo sao cho những mẫu đó sẽ luôn xuất hiện?
Đại dịch Covid-19 đã trực tiếp làm nổi bật lên nhu cầu cho những giải pháp kĩ thuật số kiểu này. Anifa Mvuemba, nhà thiết kế thời trang và giám đốc sáng tạo tại Hanifa, gần đây đã xuất hiện trên nhiều mặt báo với việc ra mắt bộ sưu tập của mình trên Instagram Live, sử dụng những người mẫu 3D trên sàn catwalk ảo. Cô đã đưa ra câu hỏi trên trang Twitter của mình: “Liệu đây có thể trở thành tương lai của ngành thời trang?”. Ông Wilson, người tạo ra Shudu, cho tôi biết rằng công ty tạo ra những người mẫu số của ông đã ghi nhận “một lượng gia tăng yêu cầu (kinh doanh) khổng lồ kể từ khi cách ly xã hội”. Ông giải thích rằng vai trò của người mẫu số và công nghiệp thời trang 3D “đã trở thành một thứ thiết yếu và có nhu cầu”.
Vậy, tất cả những điều này có ý nghĩa gì với những người mẫu đang sống và đang thở như chúng tôi? Có thể nói, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn trong lực lượng lao động như mọi người khác. Chúng ta sẽ phải luyện tập những kĩ năng như khả năng thích ứng và sáng tạo để đảm bảo rằng mình cũng có thể chấp nhận chuyển đổi số. Chuyên gia thiết kế thời trang 3D Edwards-Morel, khuyên tôi nên quan tâm việc tạo một hình tượng số cho riêng mình: “Việc này sẽ tạo ra nhiều tài nguyên bạn có thể dùng hơn và đó là hướng đi của cả ngành công nghiệp.”. Đây chắc chắn là điều đáng để cân nhắc. Vào lúc này, tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng và chia sẻ câu chuyện con người độc nhất của mình, một điều mà robot sẽ không bao giờ làm được, và tiếp tục biết rằng chúng ta có thể trên một con đường hướng tới một thế giới thời trang bớt độc quyền hơn. Điều này không chỉ tốt hơn cho tất cả mọi người, mà cũng là một điều mà tôi sẵn sàng đấu tranh vì nó. Tôi chắc chắn rằng, nếu một ngày mình có một hình tượng số, cô ấy cũng sẽ như vậy.