Giải phẫu bệnh hôm nay

Giải phẫu bệnh là cơ sở thực hiện các xét nghiệm sinh thiết, tế bào học, khám nghiệm tử thi theo yêu cầu của khối lâm sàng. Khoa có nhiệm vụ tiếp nhận, cắt lọc bệnh phẩm, nhuộm tiêu bản, đọc các tiêu bản giải phẫu bệnh, hội chẩn. Nội dung hoạt động của khoa bao gồm: xét nghiệm tế bào học; xét nghiệm chẩn đoán mô bệnh học nhằm xác định và phân loại các bệnh lý và ung thư nhi khoa; sinh thiết lạnh phục vụ cho phẫu thuật phình đại tràng bẩm sinh, phẫu thuật các khối u và ung thư; tầm soát ung thư cổ tử cung trên phiến phết tế bào âm đạo,...

Tổn thương dạng u phần mềm: rối loạn cấu trúc chức năng giải phẫu bệnh, xác định chẩn đoán điều trị

Bệnh sợi phát triển trong cơ ức đòn chũm của trẻ sơ sinh và trẻ lớn, lúc đầu là một khối nhỏ nếu không được cắt bỏ về sau sẽ gây chứng vẹo cổ.

Bệnh sợi

Danh từ bệnh sợi hoặc bệnh u sợi được dùng để chỉ các tổn thương tăng sản mô sợi lành tính.

Hầu hết các bệnh sợi là sự tăng sản dai dẳng của mô sẹo. Đôi khi mô sợi tăng sản mạnh và tạo thành một khối u xâm nhập (nên được gọi là bệnh u sợi) cấu tạo bởi các tế bào sợi biệt hoá. Như vậy bệnh sợi gồm có nhiều tổn thương khác nhau:

U bó sợi (hay u dạng sợi)

Danh từ u dạng sợi lúc đầu dùng để chỉ bệnh sợi ở mô cơ thành bụng của các phụ nữ đã có thai, về sau thấy tổn thương này cũng gặp ở đàn ông, trẻ em và ở các nhóm cơ lớn khác.

Tổn thương gồm tăng sản mô sợi giống như mô sẹo quá sản và xen kẽ vào mô cơ xung quanh. Mô bệnh xâm nhập thầm lặng vào mô cơ xung quanh nên khó lòng cắt bỏ hết, do đó sẽ tái phát sau mổ. Vì vậy tổn thương này dễ bị chẩn đoán nhầm là sarcom sợi. Tuy nhiên, u dạng sợi không di căn xa nhưng có thể gây biến chứng chèn ép thần kinh mạch máu. Một số tác giả sử dụng hóa trị kèm phẫu trị.

Bệnh sợi lòng bàn tay, lòng bàn chân

Tăng sản mô sợi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể đạt một kích thước lớn (6 cm) và gây co gập các ngón kiểu Dupuytren. Tổn thương có thể xâm nhập lớp bì da và màng cân nên thường tái phát trừ khi cắt bỏ hết màng cân và mô xung quanh. Tổn thương này không hoá ác.

Bệnh sợi ở cổ

Bệnh sợi phát triển trong cơ ức đòn chũm của trẻ sơ sinh và trẻ lớn, lúc đầu là một khối nhỏ nếu không được cắt bỏ về sau sẽ gây chứng vẹo cổ.

U sợi hoá vôi (U sợi màng cân ở thanh thiếu niên)

Tăng sản sợi từ màng cân của bàn tay hay bàn chân trẻ em, có khuynh hướng hoá canxi, lớn chậm bằng cách xâm nhập, thường tái phát do không cắt bỏ hết.

Bệnh sợi dương vật (Bệnh Peyronie)

Còn gọi là viêm thể hang mạn tính, hoá sợi. Mô sợi tăng sản làm cứng và biến dạng dương vật.

Bệnh sợi do tia xạ

Tia xạ liều cao vào phần mềm nông sẽ dẫn đến thành lập các mô sẹo tăng sản có thể nhận ra nhờ sự hiện diện của các nguyên bào sợi biến dạng quái dị dễ nhầm với ung thư. Tổn thương không cho di căn xa. Sarcom sợi có thể xảy ra ở vùng bị tia xạ nặng.

Viêm nốt màng cân

Còn có tên là viêm màng cân giả sarcom, bệnh sợi giả sarcom dưới da. Tổn thương gồm tăng sản các nguyên bào sợi có mô đệm nhầy ở dưới da, gần cân sâu. Tổn thương phát triển nhanh, có nhiều phân bào nên đôi khi nhầm với sarcom. Phần ngoại vi có nhiều mạch máu, ngấm các tế bào viêm chủ yếu loại đơn nhân. Viêm nốt màng cân thường gặp ở chi trên (cẳng tay...).

Ngoài ra, còn gặp các tổn thương khác, đặc biệt bệnh sợi hệ thống bẩm sinh.

U sợi

Danh từ u sợi thường được dùng một cách lỏng lẻo để chỉ những sự phát triển tại chỗ lành tính của mô sợi bất kể nó là mô u hay không.

Đa số các tác giả hiện nay cho là không có u lành sợi và các tổn thương trên chỉ là một dạng của bệnh sợi có tính chất phản ứng (Ackerman 1977, Aegerter 1968, Ashley 1978, Evans 1968, Mackenzie 1970 ...).

Stout (1967) dùng từ "fibroma" để chỉ những dị tật bẩm sinh nhô ra khỏi bề mặt của da, có cuống, cấu tạo bởi mô sợi bình thường của lớp bì. Tổn thương này còn gọi là "u sợi của da", hiếm gặp và không cần mổ.

Bọc màng gân khớp (Bọc hoạt dịch)

Bọc mọc gần khớp, thường dính với sợi gân vùng cổ tay, đôi khi ở bàn tay, bàn chân. Bọc có thể phát triển trong gân cơ, và sụn của xương bán nguyệt và rất hiếm khi thông với khớp.

Đại thể:

Tổn thương là một bọc chứa dịch nhầy gồm mucopolysacharide, có màu trắng vàng.

Vi thể:

Tổn thương có vách mô sợi, không lót bởi màng khớp.

Điều trị:

Có thể bóp bể bọc, chọc hút dịch nhầy và tiêm dectancyl hoặc hydrocortisone, hay giải phẫu cắt bỏ nhưng tỷ lệ tái phát đều cao. Tốt nhất là để yên nếu tổn thương nhỏ và không gây trở ngại gì.

Viêm nốt nhung mao màng khớp ngấm sắc tố

Bệnh có thể thuộc loại viêm nốt màng gân-khớp (u đại bào màng gân). Xảy ra ở các khớp lớn (khớp gối, đôi khi khớp háng), tổn thương là một khối lớn giống như sarcom, làm vỡ sụn khớp, và xâm nhập vào đầu xương.

Nguyên nhân bệnh không rõ, có thể là một phản ứng viêm với tăng sản mạnh tạo thành nhú, mô đệm có tăng sản nhiều mô bào, mô sợi và nhiều đại bào ăn hemosiderin và chất dạng mỡ.

Trường hợp tổn thương ở giai đoạn hoạt động, tế bào tăng sản một cách bất thường dễ chẩn đoán nhầm với ung thư. Khi tổn thương "già" đi, hình ảnh chủ yếu là mô sợi và thấm nhập limphô bào.

Chuyển sản sụn màng khớp

Thường gặp ở khớp gối, khớp háng người trung niên. Bệnh do mô liên kết ở dưới lớp tế bào màng khớp chuyển sản sụn (đôi khi hóa xương) tạo thành khối sụn nhô dần lên bề mặt màng khớp và rơi vào ổ khớp. Vì vậy bệnh còn được gọi là sạn khớp hay bệnh “chuột khớp”. Tổn thương gây hủy sụn khớp nên có biến chứng thoái hóa khớp sớm.

Mô hạt sinh mủ

Tổn thương mô hạt viêm do nhiễm vi khuẩn sinh mủ, đặc biệt rất giàu mạch máu. Hình ảnh rất giống với u mao mạch. Chẩn đoán phân biệt dựa vào bệnh sử và thấm nhập phong phú các loại tế bào viêm. Tuy nhiên nếu u mao mạch bị loét, bội nhiễm thì rất khó phân biệt 2 loại tổn thương này.

Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/bggiaiphaubenh/giai-phau-benh-ton-thuong-dang-u-phan-mem/)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY