Kinh tế xã hội hôm nay

Trải lòng về những ngày sống trong khu cách ly

MangYTe - Với những du học sinh Việt Nam trở về từ Hàn Quốc, thời gian 2 tuần cách ly theo dõi COVID-19 là quãng thời gian không thể nào quên…

Trải lòng về những ngày sống trong khu cách ly - Ảnh 1.

Du học sinh Việt Nam được cách ly theo dõi tại Sơn Tây. Ảnh: Bảo Loan

Kỷ niệm đáng nhớ

Trường Quân sự (thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, ở Sơn Tây, Hà Nội) là nơi cách ly theo dõi COVID-19 với gần 1.000 công dân vừa trở về từ Hàn Quốc. Lối vào cổng trường có barie tự động, bên cạnh là một tấm biển nền đỏ, với dòng chữ "khu vực cách ly" được đặt ngay ngắn. Phía tòa nhà, thỉnh thoảng lại có tiếng cười vang lên.

Ở một góc khu nhà, một tốp nữ đang đá cầu. Họ là những du học sinh Việt Nam vừa trở về từ Hàn Quốc và được cách ly tại đây để theo dõi tình hình sức khỏe. Mặc dù sinh hoạt trong khu cách ly nhưng các cô gái tỏ ra khá thoải mái.

Nguyễn Thị Hà (26 tuổi) kể với chúng tôi, Hà là du học sinh đang vừa học tập và làm việc ở Hàn Quốc. Khi dịch COVID-19 xuất hiện ở "xứ sở Kim Chi", các trường học chính thức đóng cửa thì Hà và các bạn trở về Việt Nam.

"Tôi về Việt Nam từ ngày 29/2. Khi xuống sân bay Nội Bài, tôi cùng 2 người bạn nữa nhận được thông tin sẽ phải cách ly 2 tuần để theo dõi sức khỏe. Nói thật, khi biết thông tin này, chúng tôi ai cũng lo, bởi chưa thể biết được mình sẽ ở nơi nào, cách ly ra sao, rồi còn ăn uống, sinh hoạt nữa. Đến khi được xe đưa về đến Trường Quân sự thì tôi thở phào nhẹ nhõm.

Ngày đầu đến đây, chúng tôi được sắp xếp phòng ở cùng các vật dụng cơ bản phục vụ sinh hoạt cá nhân. Tất cả mọi thứ rất tươm tất và quy củ. Đúng là, không thiết thốn thứ gì. Lúc ở Hàn Quốc về với tâm thế "chạy dịch" nên chúng tôi thiếu thốn rất nhiều. Ở đây, chúng tôi rất cảm động khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của mọi người, đặc biệt là các anh bộ đội…", Hà cho hay.

Với Hà và gần 1.000 du học sinh, người lao động đang cách ly tại đây, 14 ngày cách ly là khoảng thời gian đáng nhớ, để những người con xa quê hương xích lại gần nhau hơn. "Chúng tôi tự động viên nhau rằng, hãy coi đây là một kỳ nghỉ ở quê nhà, là dịp có thêm bạn bè mới và được chăm sóc về sức khỏe. Các anh bộ đội ở đây rất thân thiện, bản lĩnh. Chỉ có 2 tuần thôi nhưng tình quân dân rất thân thiết. Nói chung, cảm giác này chúng tôi chưa trải qua bao giờ", Hà trải lòng.

Hà chia sẻ, vào buổi tối, những công dân đang cách ly tại Trường Quân sự lại ra ban công và cùng nhau hát vang bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" để cùng truyền đi thông điệp động viên, khích lệ những bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Những bữa cơm ấm tình quân dân

Trải lòng về những ngày sống trong khu cách ly - Ảnh 2.

Những suất cơm ấm tình quân dân tại khu cách ly.

Phạm Thị Trang (25 tuổi) cũng là du học sinh trở về từ Hàn Quốc ban đầu cũng với tâm trạng lo lắng nhưng sau khi đến "thực địa" thì cô có suy nghĩ khác. Trang chia sẻ: "Chúng tôi thật sự biết ơn Chính phủ và ngành Y tế đã dang rộng cánh tay đón lấy chúng tôi khi dịch bệnh đang phức tạp. Ở Hàn Quốc vì sinh kế, chúng tôi vừa phải đi học, vừa đi làm. Nhiều hôm đi làm về mệt mỏi lắm, chẳng muốn ăn uống gì mà lên giường ngủ luôn, có những đêm ngủ cũng chẳng sâu giấc. Nhưng khi về đây thì mọi thứ khác hẳn. Ở trong khu tập trung với một tâm thế là không phải lo cơm, cũng chẳng phải lo chuyện học hành và những bộn bề phía trước nên tâm lý ai cũng thoải mái, thậm chí là tăng cân".

Trang bộc bạch, cô rất cảm động và thương các anh chị bộ đội ở đây. Hằng ngày họ phải dậy từ rất sớm, lo cơm nước cho cả ngàn người. "Họ quá vất vả. Chúng tôi đề nghị giúp đỡ nhưng có lẽ là vì đảm bảo vấn đề dịch bệnh nên các anh chị từ chối", Trang nói.

Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Mạnh Phú, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) cho biết: "Đơn vị chúng tôi hiện đang cách ly gần 1.000 người, bao gồm công dân Việt Nam là du học sinh, người lao động trở về từ nước ngoài. Số lượng công dân ở đây tương ứng với gần 2.400 suất ăn/ngày. Để làm được từng đó suất ăn cho các công dân cách ly, đơn vị đã huy động khoảng 30 cán bộ, nhân viên. Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 3 giờ sáng…".

Đại tá Phú cho biết, thực phẩm ở đây đều được cung cấp ở các địa chỉ uy tín và được kiểm tra nghiêm ngặt từ lúc nhập vào. Các món ăn dành cho người cách ly chủ yếu là những món thuần Việt. Trong suốt quá trình thực hiện, chế biến, các suất ăn đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Khẩu phần ăn có giá là 57.000 đồng/ngày/công dân và ăn theo công thức 244, tức là buổi sáng 11.400 đồng/suất và buổi trưa, chiều là 22.800 đồng/suất. Sau khi được chia theo suất, thức ăn sẽ được mang đến từng phòng để tránh tập trung đông người.

"Mỗi ngày, chúng tôi cử cán bộ hỏi thăm sức khỏe từng công dân và đặc biệt là về khẩu phần ăn. Chúng tôi muốn nghe tâm tư, nguyện vọng của các công dân về những suất ăn. Để mỗi bữa ăn đều đảm bảo chất dinh dưỡng cho họ, đơn vị thường xuyên thay đổi thực đơn. Những thực đơn phải được Tổng Cục hậu cần phê duyệt trước khi thực hiện. Việc thay đổi thực đơn món ăn không chỉ đảm bảo chất dinh dưỡng, mà còn làm phong phú thêm khẩu phần ăn, tăng lượng dinh dưỡng cho các công dân", Đại tá Nguyễn Mạnh Phú cho hay.

Bảo Loan

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/trai-long-ve-nhung-ngay-song-trong-khu-cach-ly-20200316194118542.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY