Phóng sự hôm nay

Trăn trở Cư Pui

Mỗi khi màn đêm buông xuống, kéo dài qua 6 thôn buôn của xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đăk Lăk), tiếng dỗ con của nhiều bà mẹ tuổi thiếu niên lại cất lên đầy não nề.

Bao năm rồi, những cư dân nơi đây bốn mùa quẩn quanh trong xã, tư tưởng lạc hậu “trời sinh voi, sinh cỏ” neo bám trong ý nghĩ, phụ nữ lập gia đình sớm rồi thi nhau đẻ, nhiều gia đình đến gần chục đứa con mới chịu dừng. Càng hiểm nguy hơn khi nhiều nông dân kiên quyết lựa chọn phương pháp tự sinh con tại nhà, tự xử lý theo thói quen người này học lỏm của người kia.

Phủi hai bàn tay sần sùi còn lấm lem đất rẫy, chị Dương Thị Su (38 tuổi, ở thôn Cư Rang) mồ hôi nhễ nhại vừa ẵm đứa con thứ bảy vào lòng vừa xoay sở cơm trưa. Đã hơn 3 tháng tuổi nhưng đứa bé nhỏ thó cứ khóc ngằn ngặt đến xót lòng. Nhọc nhằn hiển thị lên mặt Su nhiều nếp nhăn khiến chị già hơn trước tuổi.

Lập gia đình tuổi thiếu niên nên Vũ Thị Song quần quật lo con cái trong căn nhà trống trải.

Muốn phụ giúp vợ nhưng anh Dương Văn Chúng lại phải chạy tất tưởi đi kiếm gạo lo cho bữa ăn chiều. Nhìn qua khe cửa được ghép lại từ những tấm ván tạp đã sỉn màu mục nát. Chúng tâm tình: Bao nhiêu năm nay, 6 thôn người Mông ở xã này vẫn người nọ bảo người kia phải đẻ nhiều vào, đẻ nhiều để có nhiều người làm việc, để sung túc và sẽ ra nhiều của cải vật chất và giàu. Giàu đâu chưa thấy, chỉ thấy càng đông con càng nheo nhóc, lấm lem, còi cọc và tất tưởi. Cả nhà anh Chúng 9 người cậy vào mấy sào rẫy, đủ ăn cơm với cá khô, mắm ruốc. Chân chăm lội, tay chăm cuốc xới nhưng có năm mất mùa cũng lo miếng ăn đến bở hơi tai. Đứa con nào ốm mới được ăn thịt.

Những ngày giáp hạt, có hôm tối mịt mà xoong nồi vẫn trống trơn chưa có gạo cho vào càng khiến vợ chồng Dương Thị Su bấn loạn hơn. Chị Su bảo: Chỉ mong đám trẻ sau này bớt cực, tư tưởng cũng khác đi, đẻ ít lại thì tốt. Mình lỡ rồi thì ráng vậy. Cả bảy đứa con sinh ra, chị Su không hề đếm trạm y tế thăm khám thai, không cho bà đỡ thôn bản đỡ đẻ mà anh Chúng và người thân tự đỡ con mình, tự cắt rốn... Ngước về phía những căn nhà gỗ lụp xụp quanh mình, Chúng ngây ngô khoe: Đâu phải một mình mình đâu mà hàng trăm ông chồng khác ở vùng đất này đều đỡ đẻ cho vợ hết. Không chồng thì chị, mẹ, em... Cứ thấy đau thì ấn bụng rồi tìm cách lôi đứa trẻ ra, tắm nước giếng, lấy giẻ lau thôi, chả cần găng tay hay bông băng gì hết, đứa nào còi cọc thì chậm lớn vậy.

Cách nhà Chúng vài trăm mét, nhớ lại những lần giúp vợ vượt cạn ngay trong nhà ván, dưới nền đất, anh Dương Văn Toản bỗng trào dâng nhiều cảm xúc đan xen. 35 tuổi, có 5 đứa con, cả 5 đứa đều do chính tay anh đỡ, mò mẫm thăm khám, ấn bụng vợ. Toản bảo: Hai đứa đầu thì không sao cả nhưng đứa thứ 3, thứ 4 suy dinh dưỡng do nhiễm các bệnh cơ hội lúc lọt lòng. May khi phát bệnh được nhân viên y tế đến tận tình đưa đi điều trị kịp thời nếu không thì chưa biết chuyện đau lòng gì đã xảy ra. Được phân tích nhiều nhưng vẫn còn lấn bấn lắm. “Bí mật” của vợ mình mà “phơi” ra ở viện, ở trạm y tế thì ngại. Với lại thói quen ở 6 thôn người Mông mình chỉ muốn sinh thuận tự nhiên, người nào thân thiết nhất thì xông vào đỡ đẻ thôi. Giờ tận mắt thấy nhiều đứa trẻ bị ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển do không được thăm khám thai đều đặn và sinh ở cơ sở y tế nên nhiều thanh niên mới mạnh dạn đưa vợ đến viện. Các nhân viên y tế ở trạm cũng tuyên truyền và khuyên nhủ rất nhiều nên thế hệ trẻ bắt đầu chuyển hướng sang sinh con ở cơ sở y tế.

Có đến mấy phen hốt hoảng vì con suýt bị ngạt thở sơ sinh nên Vàng Thị Lù ở thôn Ea Uôl vẫn còn rùng mình khi nhớ lại. Lù hồn nhiên sẻ chia: Có người làm rẫy tay còn dính đất làm vàng cả đứa trẻ. Xong tắm là sạch. Thấy đứa trẻ khóc oe oe lên và bặp vú bú sữa coi như ca đỡ đẻ tốt lành. Có người đỡ lần đầu cũng sợ, nhưng lần sau thì không. Mấy đứa em sau mình đến cơ sở y tế sinh thấy thoải mái và con không hay bị mẩn ngứa hay loét da như sinh ở nhà, nên có đẻ tiếp mình sẽ đến viện.

Sinh con khi chưa trưởng thành, đẻ tại nhà sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này của nhiều đứa trẻ ở Cư Pui.

Nỗi nhọc nhằn, túng quẫn như chất chồng thêm trên vai nhiều cặp vợ chồng trẻ ở khi chưa bước vào tuổi trưởng thành, họ đã làm cha, làm mẹ. ngồi vân vê tà áo đã sờn màu giữa căn nhà bốn bề trống hoác, vương thị má ở thôn cư rang thổn thức: trong nhà chả có gì giá trị quá 500 ngàn đồng cả, ở đây nghe đài truyền thanh là chính. nhiều gia đình trẻ khác cũng như em thôi. quần áo có lúc phải đi xin. đa số đều đến trường mấy năm rồi lập gia đình.

Lấy chồng năm 15 tuổi, nay 19 tuổi nhưng má đã có hai đứa con. cả hai lần vượt cạn, má đều nhờ người thân đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh theo thói quen. má bảo: có đánh vần được chữ rồi nên nhiều tài liệu về sinh đẻ an toàn, về dân số... em có đọc được hết. ngặt nỗi nhà nghèo, có bảo hiểm y tế nhà nước cấp cho nhưng cũng không dám đến viện. vừa sợ mất việc vừa sợ tốn thêm tiền. sinh xong vài tuần, má cũng như hàng loạt bà mẹ tuổi thiếu niên khác ở lại phải đánh vật với nương rẫy để lo cho những đứa con cứ liên tục được sinh ra. rồi, không được chăm sóc sau sinh nên có lúc cả mẹ lẫn con đều đổ bệnh.

Cũng như Má, bước vào tuổi 15, anh Dương Văn Dính ở thôn Ea Uôl vội vã bỏ những cuộc vui chơi hồn nhiên để... cưới vợ. Nay 36 tuổi, Dính đã có 6 con. Tháng này qua tháng khác, cả gia đình Dính chỉ biết cầu thời tiết đừng biến đổi để khỏi mất mùa, ai cũng được no bụng. Kéo bắp tay chi chít vết muỗi, vắt cắn, Dính tâm tình: Đi làm rừng thuê nữa đấy. Lăn lóc lắm mới đủ ăn thôi. Gia đình đông con quá, cực lắm. Ngày được làm cha đã biết gì đâu. Bây giờ, ngày sinh, tháng đẻ của đám nhỏ cũng chả nhớ hết. Khi ấy, thấy nhiều bạn bè chêu chọc, sợ bị người ta lấy hết mất gái trong thôn buôn nên bỏ học lấy vợ luôn vậy. Nhiều đứa còn lấy vợ lúc trẻ hơn mình nữa.

Tư tưởng lạc hậu, đứa trẻ này a dua theo đứa trẻ khác nên nhiều phụ nữ khác ở như: thào mi páo, vừ thị sai (nay đều 22 tuổi, trú thôn ea uôl, lấy chồng năm 15 tuổi)... giờ đây cũng chỉ biết ngồi gặm nhấm nỗi tiếc nuối và tất bật lo toan cho cuộc sống thiếu thốn đủ đường.

Từ những đêm không dám chợp mắt ngồi ôm con lên cơn sốt hầm hập, Vũ Thị Song ở thôn Ea Rớt càng thấm hiểu nỗi cơ cực khi lập gia đình ở tuổi trẻ con. Song chia sẻ và ước mong rằng: Năm 2018 này em mới 26 tuổi nhưng lấy chồng từ lúc 14 rồi cùng nhau ra ở riêng. 15 tuổi sinh con, khi thai nhi đến tháng thứ năm mới biết mình có bầu. Vì cơ thể chưa phát triển hết nên sinh rất khó khăn, may có nhân viên y tế thôn bản đến can thiệp kịp thời nếu không thì nguy kịch cũng không biết làm sao. Giờ chỉ ước mong những đứa trẻ trong xã hãy học chữ trước, để trưởng thành hẳn mới lập gia đình. Cứ nôn nóng và lập gia đình quá sớm chỉ thêm vất vả và ảnh hưởng đến cả thế hệ con cháu mình nữa.

Theo UBND xã Cư Pui, cả xã có một nửa là nghèo. Thói quen sinh con tại nhà và tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều trong 6 thôn buôn là vấn đề rất nan giải. Đó cũng là nỗi trăn trở lớn của xã vì nó đã ăn vào nếp nghĩ của nhiều thế hệ. Nhiều đứa trẻ không được làm khai sinh vì cha mẹ không có hôn thú đến lúc cần đi học người dân mới nháo nhào đi làm. Trước mắt, xã vừa tuyên truyền lưu động vừa thường xuyên cử các nhân viên y tế, công tác viên dân số và những người có uy tín trong thôn buôn đến tận nhà dân vận động. Vận động ban ngày chưa đủ thì tranh thủ đi vận động ban đêm. Hy vọng, trong thời gian tới, bà con sẽ xoay chuyển thói quen.

Năm 2017, xã có hơn 80 trường hợp sinh con thuận tự nhiên tại nhà, 6 tháng đầu năm 2018 có gần 50 trường hợp. trạm y tế xã cũng đánh giá và trăn trở rằng; việc sinh con tại nhà và tự chăm sóc sơ sinh tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. trong những lần đi tiêm phòng lưu động tại các buôn, nhân viên y tế tuyên truyền rất nhiều nhưng con đường nối các thôn buôn với trạm y tế phần lớn là đường đất, mùa mưa nhão nhoẹt, mùa nắng bụi mù nên người dân ngại đến cơ sở y tế, tự xử lí theo thói quen. mong sớm được đầu tư đường xá thuận lợi cho người dân.

Bài và ảnh Văn Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tran-tro-cu-pui-n151279.html)
Từ khóa: cư pui

Chủ đề liên quan:

cư pui

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY