Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Trẻ con cần thể diện nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu, bỏ qua nhu cầu này có thể tổn thương con cả đời

Từng câu nói, hành động tưởng là thương con, muốn dạy dỗ con của bố mẹ lại khiến cho đứa trẻ bị mất thể diện, tổn thương lòng tự trọng và có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp khó lường.

Nhiều bậc phụ huynh luôn nghĩ rằng trẻ em là những con người bé nhỏ, ngây thơ, dễ thương và luôn cần được bảo vệ. Cũng chính vì lý do này mà phụ huynh luôn dang rộng cánh tay để bảo bọc, thậm chí là dùng đủ mọi cách rất cực đoan để che chở và giáo dục con mình. Nghịch lý là, khi phụ huynh trở nên quá mạnh mẽ, mong muốn bảo vệ cho con quá lớn sẽ mang đến những hậu quả tiêu cực đối với đứa trẻ.

Một số cha mẹ vẫn cho rằng trẻ con chưa biết gì, chúng còn nhỏ nên cứ vô tư la rầy, trách phạt con ở chốn đông người. Có người còn đem những khiếm khuyết, những câu chuyện đáng xấu hổ của con kể lại khơi khơi với bạn bè, người thân và biến con trở thành tâm điểm của câu chuyện cười.

Họ không biết rằng từng câu nói, hành động tưởng là thương con, muốn dạy dỗ con này của bố mẹ lại khiến cho đứa trẻ bị mất thể diện, tổn thương lòng tự trọng và có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp khó lường.

Giữ thể diện là dấu hiệu cho thấy sự hình thành ý thức về bản thân của trẻ

Dưới con mắt của các chuyên gia tâm lý, đằng sau việc giữ thể diện của một đứa trẻ chính là lòng tự trọng mạnh mẽ, ý thức cao về bản thân và mong muốn tự bảo vệ mình.

Khi còn nhỏ, trẻ chưa nhận ra chúng là một cá thể và nghĩ rằng chúng không khác gì so với môi trường và mọi người xung quanh. Đến khi lớn hơn một chút, thông qua sự học hỏi và phát triển, dần dà trẻ bắt đầu có ý thức chủ thể và đây là tiền đề để trẻ hình thành nên tính tự giác.

Sự hình thành ý thức về bản thân được chia thành nhiều giai đoạn và một trong những giai đoạn quan trọng nhất khi trẻ khoảng 5 tuổi và ý thức tự bảo vệ bản thân bắt đầu được nảy mầm. thời điểm này trẻ có thể sẽ ngại khi tiếp xúc với người lạ, thoải mái hơn khi được ở cạnh người thân quen. khi lớn hơn, trẻ bắt đầu chú ý đến ấn tượng và địa vị của mình trong mắt người khác. và khi đó, mong muốn giữ thể diện của trẻ bắt đầu xuất hiện.

Bỏ qua nhu cầu giữ thể diện của trẻ có thể gây hậu quả nghiêm trọng

Có thể thấy rằng, việc giữ thể diện chính là một nhu cầu khi trẻ hình thành ý thức bảo vệ bản thân, đồng thời đây cũng là một quá trình phát triển tâm lý vô cùng bình thường, giúp cho trẻ hình thành nên nhân cách và ý thức về bản thân mình.

Nhiều ông bố bà mẹ lại hoàn toàn không xem trọng nhu cầu này của trẻ, cho rằng trẻ con làm gì biết đến thể diện là gì, và sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực trong quá trình phát triển của con mình.

Trên thực tế, từ góc độ ý thức bảo vệ bản thân, trẻ sẽ cảm thấy rất xấu hổ khi bị bố mẹ la mắng, trách phạt nơi công cộng, điều đó giống như một sự sỉ nhục khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương và trẻ sẽ phản ứng lại bằng những hành vi cực đoan.

Chính vì vậy, có thể nói rằng, bố mẹ yêu thương con thì hãy quan tâm hơn đến việc giữ thể diện cho con, giúp con nuôi dưỡng lòng tự trọng và ý thức về bản thân mình, để trẻ có thể lớn lên một cách vui vẻ và lành mạnh.

Làm thế nào để tránh làm tổn thương thể diện của một đứa trẻ?

Có nhiều nguyên nhân khiến một đứa trẻ muốn giữ thể diện. Ngoài sự thúc đẩy từ ý thức bảo vệ bản thân thì đứa trẻ cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ lời nói, việc làm của người lớn cũng như tác động từ môi trường xung quanh.

Điều đầu tiên bố mẹ cần quan tâm chính là tìm hiểu tâm tư của con mình, lý do vì sao con xấu hổ, nguyên nhân nào làm cho lòng tự trọng của con bị tổn thương và tìm cách giúp cho con vượt qua.

Khi con mắc lỗi hay không hoàn thành tốt nhiệm vụ, bố mẹ nên khoan dung và có thái độ khuyến khích tích cực để giúp con nhận ra được sai lầm và sửa chữa. Hãy hiểu rằng ý thức tự bảo vệ bản thân là rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ.

Trong cuộc sống, bố mẹ tuyệt đối không nên làm nhục con chốn đông người, tránh la rầy hoặc chế nhạo trẻ trước mặt mọi người, hãy thể hiện cho con thấy trẻ xứng đáng nhận được sự tôn trọng.

Bên cạnh đó, thông qua giao tiếp bình đẳng và cởi mở, bố mẹ có thể hướng dẫn cho con hình thành quan điểm đúng đắn về việc giữ gìn thể diện, điều này không chỉ bảo vệ lòng tự trọng của trẻ mà còn khiến chúng nhận thức được sự nguy hiểm của lòng tự trọng thái quá.

(Nguồn: 163)

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/tre-con-can-the-dien-nhung-khong-phai-phu-huynh-nao-cung-hieu-bo-qua-nhu-cau-nay-co-the-ton-thuong-con-ca-doi-20210704111057436.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY